Doanh nghiệp, hải quan rối bời vì “cửa khẩu nhập”

(TBKTSG Online) – Qua gần nửa tháng thực hiện Quyết định 15/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn số 4284/TCHQ-GSQL, cơ quan hải quan lẫn doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn TPHCM đều “rối bời”. Nguyên nhân là vì các chi cục hải quan không hiểu một cách thống nhất khái niệm “cửa khẩu nhập” đã khiến hàng hóa nhập khẩu bị giữ lại tại cửa khẩu cảng dỡ hàng.

Theo nguồn tin của TBKTSG Online, chỉ sau vài ngày bắt đầu áp dụng Quyết định 15, ngày 1-7, Cục Hải quan TPHCM đã nhận được 25 văn bản báo cáo, phản ánh vướng mắc từ các đơn vị và hàng loạt doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Daikin, Sabeco...

Bản thân Cục Hải quan TPHCM cũng đã phải liên tiếp có hai công văn báo cáo các vướng mắc với Tổng cục Hải quan.

Mọi sự xuất phát từ khái niệm “cửa khẩu nhập” được đề cập tại Điều 1, Điều 2 của Quyết định 15 và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan ở công văn 4284.

Theo Cục Hải quan TPHCM, Quyết định 15 không giải thích rõ "cửa khẩu nhập" là như thế nào, là cửa khẩu nơi hàng hóa nhập khẩu (cảng dỡ hàng) hay cảng đích ghi trên vận đơn. Chính vì vậy, các đơn vị trong ngành hải quan mỗi nơi hiểu mỗi kiểu nên hàng hóa nhập khẩu bị giữ lại tại cửa khẩu cảng dỡ hàng (như Cái Mép, Cát Lái, Hiệp Phước) khá nhiều.

Điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong nội địa (ICD).

Không chỉ vậy, Tổng cục Hải quan tại công văn 4284 gửi các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn việc thực hiện Quyết định 15 đã nêu rõ, ICD là cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa, không phải là cửa khẩu, do vậy, không được làm thủ tục hải quan nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu theo Quyết định 15.

Hướng dẫn này đã khiến các chi cục hải quan quản lý cảng dỡ hàng không cho phép doanh nghiệp chuyển cửa khẩu về cảng đích (ICD Phước Long). Điều này là không phù hợp với thông lệ mua bán hàng hóa quốc tế, về vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa và làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp.

Bởi lẽ, Công ty TNHH Cảng Phước Long (gồm ICD Phước Long I và ICD Phước Long III) do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 quản lý, đã được Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cho phép hoạt động và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu tại bến phao, bến thủy nội địa và ICD của công ty như thủ tục hải quan hiện đang thực hiện tại các bến cảng biển thuộc cảng biển TPHCM (công văn số 7121/BTC-TCHQ ngày 1-6-2011).

Chính vì vậy, để giải quyết vướng mắc cho cả hai phía, Cục Hải quan TPHCM đề xuất nên hiểu cửa khẩu nhập là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn (tương tự như khái niệm cửa khẩu nhập đầu tiên quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 08/2015/NĐ-CP).

Cục Hải quan TPHCM cũng đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép hàng hóa được chuyển cửa khẩu về cảng đích ghi trên vận đơn (bao gồm: cửa khẩu hoặc ICD, kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài, địa điểm kiểm tra tập trung, cửa hàng miễn thuế…).

Đối với các ICD đang hoạt động tại ICD Phước Long do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 quản lý bao gồm: ICD Phước Long I, ICD Phước Long III, Transimex, Tanamexco, Phúc Long, Sotrans, đề nghị cho phép doanh nghiệp được chuyển cửa khẩu và làm thủ tục tại từng ICD như trước đây hoặc làm thủ tục tại các chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.

Cũng theo Cục Hải quan TPHCM, hiện nay tại các cửa khẩu, ICD, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh còn tồn đọng một lượng hàng hóa nhập khẩu trước ngày 1-7 và sau ngày 1-7; có trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai và chưa đăng ký tờ khai. Và cũng do vướng mắc các quy định kể trên nên doanh nghiệp càng không thể làm thủ tục chuyển cửa khẩu và thông quan hàng hóa.

Tình trạng này nếu chậm giải quyết thì sẽ xảy ra việc ùn tắc hàng hóa tại các cảng, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, trường hợp không được làm thủ tục hải quan thì giải quyết số hàng hóa tồn đọng như thế nào? Những trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai, đã nộp thuế nhưng chi cục hải quan cảng dỡ hàng không cho chuyển cửa khẩu hàng hóa về cảng đích thì giải quyết như thế nào?

Chính vì vậy, Cục Hải quan TPHCM đề nghị cho phép các chi cục thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, không áp dụng Quyết định 15 đối với hàng nhập về trước ngày 1-7 (dựa vào quy định ngày hàng hóa đến cửa khẩu tại điểm b khoản 8 Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC hoặc ngày ký kết hợp đồng thương mại nếu cho phép kéo dài thời điểm áp dụng).

Còn đối với hàng nhập khẩu sau ngày 1-7 thì giải quyết theo từng trường hợp. Nếu cảng đích ghi trên vận đơn là cửa khẩu thì cho phép các doanh nghiệp được chuyển cửa khẩu hàng hóa từ cảng dỡ hàng về cảng đích ghi trên vận đơn và làm thủ tục hải quan như trước đây.

Nếu cảng đích ghi trên vận đơn không phải là cửa khẩu mà là ICD thì cho phép các doanh nghiệp được chuyển cửa khẩu về cảng đích ghi trên vận đơn (bao gồm ICD). Việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa thuộc Danh mục thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp và chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai. 

 

Nguồn: thesaigontimes.vn

Sưu tầm: Như Ái SAPUWA

zalo

Đặt hàng online

zalo