Khai thác lợi thế của doanh nghiệp Việt trong AEC

Đây là một trong những nội dung của buổi tọa đàm "50 năm ASEAN: AEC và cơ hội cho doanh nghiệp Việt" diễn ra sáng 19/7, tại Hà Nội.

Sự kiện do Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhân dịp 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Buổi tọa đàm dự kiến sẽ có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu trong và ngoài nước. ERIA sẽ công bố nghiên cứu, đánh giá được thực hiện trong thời gian qua về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Ngoài ra, ERIA sẽ phân tích các cơ hội và thách thức của AEC trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và thế giới có nhiều biến chuyển bất ngờ hiện nay.

Theo ERIA, trong xu thế các thỏa thuận thương mại đa phương trong khu vực đang có dấu hiệu chững lại, việc nắm rõ tình hình của cộng đồng AEC nói riêng và khối ASEAN nói chung sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận ra điểm yếu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có cơ hội phát huy điểm mạnh trong việc hội nhập hiệu quả với khu vực, từ đó hướng ra thị trường toàn cầu.

Hiện nay, việc tham gia AEC cũng đặt ra cho doanh nghiệp Việt những thách thức cần giải quyết. Đó là khi hàng hóa, dịch vụ của nhiều nước ASEAN có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh hơn so với hàng hóa, dịch vụ trong nước. Đặc biệt, một số hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có tính tương đồng cao với các nước trong khu vực, dẫn đến tính loại trừ rất cao.

 


 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở một số nước ASEAN có bề dày, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh tốt, công nghệ cao cũng như sự chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập. Trong tình hình ấy, việc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được trang bị thông tin đầy đủ, thấu đáo có thể khiến những cơ hội và thách thức trở nên khó nắm bắt.

Với lý do đó, một phần quan trọng tại buổi gặp là những trao đổi và khuyến nghị từ ERIA và Phòng thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng lợi thế khi xâm nhập thị trường các nước thuộc AEC.

Là một trong ba trụ cột của ASEAN, cộng đồng AEC hình thành vào ngày 31/12/2015 trên cơ sở tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập và liên kết kinh tế khu vực.

 


 

Vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua "Tầm nhìn AEC 2025" trên cơ sở xem xét các khuyến nghị hai nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA); trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajanatnam và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) thực hiện. Mục đích là tạo ra một cộng đồng kinh tế hội nhập, gắn kết, cạnh tranh, sáng tạo, năng động, tăng cường kết nối lĩnh vực chuyên ngành và lấy con người làm trung tâm.

Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) là mạng lưới các viện nghiên cứu kinh tế trong khu vực Đông Á, tập hợp đội ngũ cộng tác viên là các nhà nghiên cứu kinh tế trong khu vực.

Công trình nghiên cứu và các khuyến nghị của ERIA thường tập trung vào các mô hình thành công trong hội nhập kinh tế của các nước. Từ đó, cung cấp các giải pháp về phát triển và hội nhập cho lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực. Với tư cách này, ERIA đã có nhiều công trình nghiên cứu về AEC được phổ biến không chỉ trong khu vực Đông Á mà còn cả các khu vực khác trên thế giới.

 

(Nguồn: ERIA)

Nguồn: kinhdoanh.vnexpress.net

Sưu tầm: Như Ái SAPUWA

zalo

Đặt hàng online

zalo