Tăng cường xử lý nước thải nhà vệ sinh

Ngày 19/11/2017, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Quỹ Unilever Việt Nam – Nhãn hàng Vim tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới, đồng thời tổng kết các hoạt động “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn”.

 

Hiện nay, tại thành thị, vẫn còn 6% không có nhà vệ sinh; 90% số hộ sử dụng nhà vệ sinh tự hoại xả trực tiếp ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt, làm gia tăng ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền về sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh cần tăng cường các giải pháp xử lý nước thải, chất thải nói chung và bùn thải tự hoại nói riêng nhằm giảm phát thải nguồn gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 

Tại Việt Nam, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo gây ra chi phí lớn cho quốc gia và cộng đồng về mặt kinh tế cũng như về sức khoẻ và phát triển của con người. Ước tính thiệt hại do kém vệ sinh gây ra cho Việt Nam vào khoảng 1,3% GDP mỗi năm. Chi phí này tương đương với gần một nửa của chi tiêu nhà nước cho y tế hàng năm ở Việt Nam (2,79% GDP trong năm 2009, Ngân hàng Thế giới). Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2018 sẽ có khoảng 10 triệu người được cải thiện điều kiện vệ sinh; đến 2020 có 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh và cam kết đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc phóng uế bừa bãi.

 

Tại buổi mít tinh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống các dịch, bệnh đường tiêu hoá như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, bệnh tay chân miệng, góp phần cải thiện suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi. Các bệnh, dịch này vẫn đang lưu hành một phần là do chưa làm tốt công tác xử lý phân người, cụ thể là sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt việc đi tiêu bừa bãi.

 

Bà Trần Thị Hương khẳng định, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tích cực tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác BVMT; xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lồng ghép với rửa tay bằng xà phòng, tuyên truyền tới nhiều hộ gia đình, các hội viên hội phụ nữ và mọi người dân, giúp nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về vệ sinh môi trường, thực hành bàn tay sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Giám đốc Phát triển khách hàng - Unilever Việt Nam Vũ Quốc Đạt cho biết, trong thời gian từ năm 2012 đến nay Quỹ Unilever Việt Nam đã phối hợp triển khai thực hiện Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn nhằm nâng cao ý thức vệ sinh và cải thiện vệ sinh môi trường, mục tiêu đến năm 2020 góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho 20 triệu người dân Việt Nam. Đặc biệt trong năm nay, để hưởng ứng Ngày Nhà Vệ Sinh Thế Giới, Unilever Việt Nam – Nhãn hàng Vim cam kết chung tay cùng các Bộ, ban ngành và các đối tác chiến lược giúp trẻ em có nhà vệ sinh sạch và an toàn bằng những hành động vô cùng thiết thực. Với mỗi một chai Vim được bán ra, nhãn hàng Vim sẽ ủng hộ một chai Vim tới các hộ gia đình nông thôn nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân, đặc biệt cho trẻ em nông thôn Việt Nam.

 

Ngày 19/11 hàng năm được Liên Hiệp Quốc lấy làm Ngày nhà vệ sinh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe. Chủ đề năm nay là “Nhà vệ sinh và nước thải”.

 

Nguyệt Minh

Nguồn: tapchimoitruong.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BP IT

zalo

Đặt hàng online

zalo