10 xu hướng "lấn lướt" tiếp thị truyền thống

Internet ngày càng phổ biến rộng rãi cùng sự phát triển đáng kinh ngạc của công nghệ nên "thế giới ảo" đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến hành vi của con người.  
 
Theo các chuyên gia, 10 xu hướng tiếp thị sáng tạo dưới đây sẽ định hình tương lai của việc xây dựng thương hiệu.
 
1. Nền tảng di động thống trị. 
 
Các thiết bị thông minh như điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ, tiện ích đeo tay, kính, vi mạch, thiết bị thực tế ảo HoloLens... sẽ định hình lại thế giới tiếp thị.
 
Khi chúng ta chuyển sang thế giới của các thiết bị thông minh, tiếp thị sẽ tạo ra mối quan hệ cá nhân thân thiết hơn với khách hàng. Những ai nhanh chóng nắm bắt công nghệ sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực này.
 
2. Minh bạch trong các mối quan hệ khách hàng - doanh nghiệp.
 
Càng ngày khách hàng càng muốn doanh nghiệp đưa ra nhiều cam kết hơn. Kỳ vọng của khách hàng về tính minh bạch cũng ngày càng cao.
Các công ty làm ăn minh bạch, bao gồm cả những doanh nghiệp dám thừa nhận sai lầm, sẽ được đánh giá cao. Những công ty lấy việc đóng góp cho xã hội làm văn hóa doanh nghiệp cũng sẽ tạo được sự kết nối với khách hàng chặt chẽ hơn.
 
3. Nội dung - giấy thông hành mới. 
 
Nội dung, đặc biệt là nội dung mang tính giáo dục và giải trí, là một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân.
 
Nội dung không bất biến, nên các hình thức mới như thực tế ảo, trò chơi video, 3D hay 4D được phát hành trên các nền tảng kính thực tế ảo sẽ sớm định hình lại cách tạo ra nội dung. Đây là cơ sở để tiếp thị theo hướng đổi mới, có thể thiết lập tiêu chuẩn mới cho tính hấp dẫn của nội dung.
 
4. Nội dung do người dùng tạo ra sẽ là điều đột phá nhất. 
 
Sức mạnh của nội dung từ người dùng sẽ vượt qua nội dung thương hiệu, và các thương hiệu cũng đã bắt đầu trao quyền kiểm soát cách tiếp thị của họ cho khách hàng.
 
Từ đánh giá trực tuyến đến các bài đăng trên mạng xã hội và blog, các thương hiệu cần tạo ra tác động tích cực lên tâm trí người tiêu dùng. Theo sau mô hình nội dung do người dùng sản xuất, nội dung do các thương hiệu và người tiêu dùng đồng sáng tạo cũng sẽ trở thành xu hướng phổ biến.
 
5. Mạng xã hội cạnh tranh với internet nguyên bản. 
 
Các mạng xã hội có đầy đủ tiềm năng để trở thành một mạng lưới internet thứ hai.
 
Chúng ta đã thấy những gì xảy ra trong cuộc sống, từ những chuyện của xã hội đến những thông tin về kinh tế, kinh doanh... đều được chia sẻ trong những cộng đồng có cùng mối quan tâm. Những nội dung ấy được lan truyền với tốc độ chóng mặt nhờ vào điện thoại di động, băng thông rộng, trên các nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter, Tumblr, LinkedIn, Pinterest và Snapchat.
 
6. Thương hiệu trở thành kênh truyền thông của chính nó. 
 
Bằng cách nuôi dưỡng cộng đồng và văn hóa thương hiệu, thương hiệu sẽ cộng tác với khán giả của họ (trái ngược với việc chỉ cố gắng bán được hàng), tạo ra những khách hàng trung thành và ủng hộ thương hiệu.
 
Trong tương lai, hạt giống của việc xây dựng thương hiệu và tiếp thị sẽ bắt nguồn từ những điều khách hàng nói và làm. Phản ứng và cảm xúc của khách hàng với thương hiệu sẽ quyết định sự phát triển hoặc mở rộng sản phẩm trong tương lai.
 
7. Những thương hiệu tập trung vào thế hệ Z sẽ có lợi thế. 
 
Các thế hệ sau Millennial (thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội) sẽ yêu cầu cao hơn so với thế hệ trước, và các thương hiệu cần phải nhận thức được điều này. Sẽ có một sự chuyển giao vào năm 2023.
 
Các công ty tạo ra bởi thế hệ Millennial như Facebook, Instagram hay Snapchat có thể phải thay đổi toàn bộ sản phẩm và chiến lược của họ. Thế hệ Z (chỉ những người sinh ra trong khoảng 1990 - 2000) sẽ yêu cầu nhiều hơn và những công ty coi doanh thu là dấu hiệu duy nhất của thành công nếu không nhận ra sai lầm có thể bị bỏ rơi.
 
8. Hầu hết các chiến lược tiếp thị đột phá sẽ xoay quanh sản phẩm, không phải dịch vụ. 
 
Trong khi các công ty dịch vụ nhắm tới việc làm hài lòng khách hàng và mong muốn được gia hạn hợp đồng hay nhận được những phản ứng xã hội tích cực, thì các công ty sản xuất sẽ đầu tư hơn vào việc đổi mới. Những điều trong hiện tại có thể rất tốt, nhưng những gì xuất hiện trong tương lai cần được cải tiến đáng kể.
 
Vì vậy, đối với các nhà tiếp thị của tương lai, làm khách hàng hài lòng và duy trì sự hài lòng ấy là không đủ. Các sản phẩm và giải pháp sáng tạo sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng.
 
9. Tiếp thị cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu. 
 
Tiếp thị dựa trên dữ liệu và tiếp thị gián đoạn có sự khác nhau căn bản.
 
Trong khi tiếp thị dựa trên dữ liệu tập trung vào mối quan hệ, theo đó, nội dung đóng vai trò xây dựng lòng tin, thì tiếp thị gián đoạn chỉ là những thông điệp cũ được gói trong vỏ bọc kỹ thuật số. Các nhà tiếp thị tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ xung quanh sản phẩm chất lượng sẽ được công nhận, trong khi những người theo dõi hời hợt, giả tạo với các sản phẩm tồi và dịch vụ kém sẽ bị tẩy chay.
 
10. Việc theo dõi các tiêu chuẩn đánh giá sẽ chính xác hơn. 
 
Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp đo lường thành công trong tiếp thị bằng cách nhìn vào những tiêu chuẩn "hoa mỹ”, chẳng hạn như ấn tượng, lượt thích, lượt chia sẻ hoặc tỷ lệ tham gia.
 
Chúng ta đang dần phát triển một công cụ tinh vi để khai thác dữ liệu theo hướng đúng nhất. Tương lai sẽ chứng kiến sự phát triển của các công cụ phân tích tốt hơn, giúp các nhà tiếp thị đánh giá thành công liên quan đến mặt tình cảm và văn hóa cũng như tỷ lệ lợi nhuận ròng trên chi phí ROI.
 
 
Nguồn: doanhnhansaigon.vn/marketing-pr
Sưu tầm: Thị Nguyệt – TT Lữ Gia
zalo

Đặt hàng online

zalo