4 kiểu đồng nghiệp “khó chịu” thường gặp tại văn phòng và cách đối phó

 

Môi trường công sở là nơi bạn gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người với nhiều tính cách khác nhau. Bên cạnh những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ nhau trong công việc thì vẫn tồn tại những đồng nghiệp khiến bạn cảm thấy mệt mỏi mỗi khi làm việc cùng. Dưới đây là 4 kiểu đồng nghiệp thường sẽ làm khó bạn nơi công sở, hãy tìm hiểu và tham khảo cách đối phó nhé.

1. Người quá coi trọng bản thân

Đồng nghiệp này dường như rất đề cao bản thân mình và thường hay gạt bỏ ý kiến của mọi người. Trong các cuộc họp, họ sẽ dập tắt ý tưởng của người khác và bảo thủ với ý tưởng của mình, ngay cả khi những người khác không đồng tình với họ. Những cá nhân có đặc điểm này thường cố gắng dìm người khác xuống để họ được nổi bật hơn. Trong trường hợp này, nếu bạn phòng thủ và nói với họ tại sao họ sai thì cũng không giúp ích gì cho tình hình và cũng không thể ngăn họ làm điều tương tự trong tương lai.

Nếu muốn ứng phó với những đồng nghiệp có tính cách này, bạn cần xử lý một cách khéo léo. Đầu tiên hãy đưa ra những lời khen ngợi trước, sau đó mới chuyển hướng đến phần phê bình. Như thế họ sẽ dễ dàng tiếp nhận ý kiến của bạn hơn mà không nghĩ rằng bạn đang chống đối với họ.

Người quá coi trọng bản thân thường cố gắng dìm người khác xuống để họ được nổi bật hơn

2. Người hay buôn chuyện

Theo một nghiên cứu năm 2019, mọi người dành trung bình 52 phút mỗi ngày để buôn chuyện (trong số 16 giờ họ thức dậy). Những người hay buôn chuyện thường bàn tán sau lưng các đồng nghiệp và lan truyền những thông tin sai lệch. Họ có thể phóng đại sự thật và tạo ra những câu chuyện kịch tính từ những việc xảy ra tại văn phòng vì họ muốn mọi người phải chú ý đến câu chuyện của họ. Một chút tin đồn có thể vô hại, nhưng khi nó vượt qua “tam sao thất bản” có thể bản chất câu chuyện đã thay đổi hoàn toàn.

Việc thay đổi tính cách, hành vi của những người có tính buôn chuyện gần như là không thể. Với những đối tượng này, bạn cần làm rõ quan điểm của mình là chỉ muốn tập trung vào công việc và không muốn tham gia vào những cuộc “tám chuyện” của họ. Tuy nhiên, bạn cũng cần xử lý khéo léo, vì nếu bạn làm họ phật ý, rất có thể bạn là nạn nhân tiếp theo trong câu chuyện của họ.

3. Người lười biếng

Đây là kiểu đồng nghiệp không thích làm việc, họ không chú tâm vào các nhiệm vụ hằng ngày mà chỉ mong ngóng giờ về. Họ cũng không phải là người năng nổ trong công việc và cũng chẳng mấy quan tâm đến dự án đang làm hoặc deadline hoàn thành. Nếu phải làm việc chung với kiểu đồng nghiệp này, bạn sẽ rất khổ sở vì họ giống như “người cản đường” của bạn vậy, thậm chí có đôi lúc bạn phải làm luôn phần việc của họ.

Nếu cứ mãi dung túng và làm hộ cho đồng nghiệp làm biếng thì họ sẽ càng ỷ lại vào bạn. Thay vào đó, bạn chỉ nên tập trung vào các nhiệm vụ của mình. Nếu cô ấy hoặc anh ấy vẫn không thay đổi dù bạn đã nhiều lần nhắc nhở, hãy trình bày và nhờ sự hỗ trợ từ sếp.

Nếu dung túng và làm hộ cho đồng nghiệp làm biếng thì đồng nghiệp sẽ càng ỷ lại vào bạn

4. Người hay bắt nạt người khác

Không chỉ ở trường học, môi trường công sở vẫn tồn tại những cá nhân thích bắt nạt người khác. Đó có thể là ma cũ bắt nạt ma mới, cấp trên bắt nạt cấp dưới,… Những người này thường lợi dụng sự yếu đuối của đối phương để làm tổn thương họ, hoặc lạm dụng chức quyền để gây khó dễ với người khác.

Để đối phó với những người có tính xấu này, bạn đừng cố chống đối lại họ. Bởi vì đó là phản ứng mà họ muốn thấy từ người bị bắt nạt. Nếu bạn không phản ứng như cách họ mong đợi, họ sẽ chán và dừng lại hành vi của mình. Nếu họ vẫn tiếp tục tái diễn, đã đến lúc bạn nên “cầu cứu” cấp trên với những bằng chứng đã được giữ lại.

Trên đây là 4 kiểu người có tính cách tồi tệ thường thấy trong môi trường công sở. Biết được tính cách của mỗi người và ứng xử khéo léo có thể giúp bạn tránh được những mâu thuẫn nội bộ không đáng có. Nếu bạn đã tìm mọi cách để giải quyết mọi vấn đề trong êm đềm mà vẫn không được, có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm kiếm một môi trường làm việc mới.

 

Nguồn: timviecnhanh.com

Sưu tầm: Xuân Vương – BP. Kho

zalo

Đặt hàng online

zalo