5 bước giúp trẻ biết tự nhận lỗi và nói lời xin lỗi

 

Chỉ nói "Con xin lỗi" khi bị ép buộc mà vẫn lặp lại lỗi tương tự, đó là bởi trẻ không ý thức được sai lầm mình đã mắc phải. Vì vậy, dạy trẻ biết tự nhận lỗi của mình mới là điều quan trọng hơn cả.

Thông thường khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ yêu cầu con nói xin lỗi. Đó là một phản xạ cửa miệng. Nhưng để trẻ không cần nhắc nhở mà vẫn biết nói lời xin lỗi, trẻ cần phải tự nhận thức được lỗi lầm mình đã gây ra. Việc buộc trẻ nói lời xin lỗi khi làm điều gì sai không giúp chúng phát triển các kỹ năng xã hội và tình cảm. Điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ biết được lý do tại sao phải xin lỗi để trẻ nhận ra những lỗi lầm của mình. Một lời xin lỗi sẽ không được xem là xin lỗi khi trẻ vừa nói xong đã nhổ nước bọt khắp phòng, và cho dù xin lỗi bao nhiêu lần, bé vẫn tiếp tục lặp lại việc đó.

Bạn có thể giúp trẻ nhận thức được lỗi lầm của mình và tự nguyện nói câu xin lỗi qua 5 bước sau đây.

1. Yêu cầu trẻ nói lời xin lỗi kèm theo lý do

Khi trẻ chập chững biết đi, chúng thường có hành động ném đồ chơi tứ tung, thậm chí ném cả vào người anh chị. Khi trẻ học tiểu học, một số bé sẵn sàng hét lên “Mẹ đi ra đi” khi mẹ yêu cầu trẻ hoàn thành bài tập về nhà. Dù lý do khiến trẻ tức giận là gì đi chăng nữa, hãy bắt đầu quá trình nhận lỗi bằng cách yêu cầu trẻ nói hoàn chỉnh một câu: “Con xin lỗi vì…”. Càng cụ thể càng tốt. 

Hãy dạy trẻ nói ra và hiểu cảm giác người khác bị tổn thương như thế nào trước cách hành xử của trẻ.


Nếu câu trả lời của trẻ phù hợp với hành động tiêu cực của chúng, đó là một sự khởi đầu tốt. Nếu trẻ từ chối trả lời hoặc không hiểu tại sao bạn lại yêu cầu trẻ phải xin lỗi vì điều gì, bạn cần phải giải thích, hướng dẫn rõ ràng hơn một chút về hành động hay thái độ sai trái của trẻ.

 

2. Cho trẻ cơ hội nhận biết trẻ đã làm sai những gì và tại sao

Một khi con bạn đã hiểu rằng đổ bát mì ống vào chung với phô mai và hét lên: "Con muốn ăn xúc xích" là sai, thì bạn có thể chuyển qua hỏi tại sao hành động đó sai. Bạn hãy dạy trẻ nói và hiểu cảm giác người khác bị tổn thương như thế nào trước cách hành xử của trẻ. Trong trường hợp này, bạn có thể nói cho trẻ nghe về cảm giác của chính bạn: "Mẹ rất buồn khi con hét lên với mẹ như vậy. Mẹ rất mệt, mẹ không có đủ thời gian để dọn dẹp giúp con bát mì và chuẩn bị món xúc xích..."

Giúp trẻ hiểu rằng hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác là một trong những bài học quan trọng mà bạn phải dạy cho trẻ biết.


3. Thảo luận về những hành vi mang tính chất tích cực để giải quyết vấn đề

Sau khi đã giúp trẻ xác nhận lý do tại sao phải xin lỗi và xin lỗi ai, bước thứ 3, bạn hãy dạy trẻ cách giải quyết vấn đề của mình theo hướng tích cực hơn. Thay vì nói: "Con sẽ không ném đồ vật vào bố/mẹ nữa", hãy thử một cách nói khác, hỏi xem con muốn gì trong lúc đang cảm thấy thất vọng, chẳng hạn "Con muốn hai mẹ con mình cùng chơi ô tô không?". Tùy thuộc vào độ tuổi của con, bạn sẽ có cách hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu và trẻ có thể cần sự giúp đỡ của bạn cho đến khi có những hành vi tích cực hơn.


4. Dạy trẻ về sự tha thứ

Là con người, ai cũng mong muốn được tha thứ khi chúng ta làm tổn thương một ai đó. Với người lớn, sự tha thứ phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Còn với trẻ nhỏ, bạn có thể sẽ gặp khó khăn để giải thích tại sao sự tha thứ là rất quan trọng và lý do đôi khi có những người không thể tha thứ cho trẻ.

Ở giai đoạn này, con bạn biết rằng chúng đã làm sai điều gi, tại sao lại sai, cảm giác bị tổn thương như thế nào, và cố gắng làm thế nào để cư xử tốt hơn trong tương lai. Bây giờ bạn cần giúp trẻ có một tấm lòng bao dung rộng lượng với mọi người, với cha mẹ, và biết cách linh hoạt biến chuyển các tình huống để cả hai bên cảm thấy tốt hơn.

Muốn dạy trẻ biết vị tha, trước hết hãy luôn làm gương cho trẻ. Bố mẹ cần thể hiện thái độ rộng lượng trước những hành động hay thái độ tiêu cực mà trẻ cũng như những người xung quanh gây ra. Chỉ khi chứng kiến bố mẹ sống tốt, rộng lượng, trẻ mới học theo mộc cách dễ dàng.

 

5. Hãy giúp trẻ biến "xin lỗi" thành thói quen

Nếu đã học qua 4 bước trên, mỗi khi có hành động gì đó sai lầm, con bạn đảm bảo sẽ tự biết nói lời xin lỗi. Như vậy, xin lỗi đã trở thành một thói quen chứ không phải là một phản xạ thiếu trung thực. Nó không còn dừng lại ở lời nói suông mà thực sự là cảm gián hối lỗi, muốn nhận lỗi và sửa chữa sai lầm.

 

Nguồn: afamily.vn

Sưu tầm: Ngọc Tuấn - NV bảo trì

zalo

Đặt hàng online

zalo