5 Điều cần lưu ý để hoà nhập vào môi trường làm việc mới

 

1. Đi ăn trưa cùng với đồng nghiệp

Bàn ăn luôn là nơi nhanh nhất để bắt đầu bất kỳ một mối quan hệ nào, thế nên đừng từ chối khi được mời đi ăn trưa cùng đồng nghiệp trong những ngày đầu. Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng bạn đã sẵn sàng hoà nhập với họ. Cho dù bạn có thói quen mang hộp ăn trưa theo thì cũng hãy chờ một vài hôm nữa đã nhé.

Thời gian cùng ăn trưa sẽ là cơ hội thuận tiện nhất để bạn làm quen với đồng nghiệp mới. Startup nơi tôi từng thực tập không đông người lắm, chỉ sau một buổi cùng ăn trưa là tôi đã biết được những thông tin cơ bản, như tên và công việc của từng người, khi gặp vấn đề gì thì nên tìm đến ai. Tại những công ty lớn với nhiều nhân viên và phòng ban thì quá trình này cần nhiều thời gian hơn. Nhưng dù thời gian dài hay ngắn thì đều mang lại một kết quả thống nhất, đó là cho thấy sự nhanh nhạy và hoà đồng của bạn tại môi trường mới.

Thời gian cùng ăn trưa sẽ là cơ hội thuận tiện nhất để bạn làm quen với đồng nghiệp mới, tìm hiểu thêm về văn hoá công ty và những luật lệ “ngầm hiểu” cần lưu ý.

Ngoài ra, thời gian ăn trưa cũng là lúc bạn có thể tìm hiểu thêm về văn hóa công ty và những luật lệ “ngầm hiểu” cần lưu ý. Hơn ai hết, những nhân viên kì cựu là người hiểu rõ sếp thích và không thích gì nhất. Chẳng hạn, nhờ đó mà tôi được biết sếp mới rất thoáng về giờ giấc, nhưng đồng thời cũng đề cao tinh thần tự giác. Công ty không có quy định về giờ làm và giờ nghỉ cụ thể. Nếu buổi sáng lỡ đến hơi muộn một chút thì cũng không ai nghiêm khắc chuyện tính giờ trừ lương, nhưng buổi chiều phải chấp nhận ở lại muộn hơn, quan trọng nhất là đảm bảo hoàn thành công việc tốt và đúng hạn. Những thông tin này nếu không đi ăn trưa cùng đồng nghiệp thì tôi đã chẳng thể nào biết được.

Tuy nhiên, lúc ăn trưa cũng là lúc cần cẩn trọng với cử chỉ và lời nói của mình. Bạn có thể sẽ gây ấn tượng xấu với người đồng nghiệp mới nếu bạn nói quá nhiều về bản thân, hoặc phát ra tiếng “nhóp nhép” khi nhai,… Thế nên hãy ăn chậm rãi, từ tốn, và tập trung hỏi về những vấn đề của công ty cũng như môi trường làm việc.

2. Hạn chế hỏi hết sức có thể

Chắc chắn bạn đang cảm thấy rất vô lý khi đọc được lời khuyên này, bởi rất nhiều người và nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm khác khuyên bạn rằng “hãy cố gắng hỏi càng nhiều càng tốt” hay “sếp sẽ rất vui khi bạn biết đặt câu hỏi”. Đúng là với những gì thuộc chuyên môn của công ty, bạn bắt buộc phải hỏi, vì điều này thể hiện thái độ cầu thị và năng nổ. Nếu tự làm theo ý mình mà gây hậu quả thì sẽ còn tệ hại hơn.

Tuy nhiên, với những kiến thức căn bản có thể nhờ cậy đến Google thì bạn đừng nên hỏi. Rất nhiều bạn thực tập sinh cùng công ty tôi hơi một chút lại hỏi, soạn văn bản cũng hỏi, Excel cũng hỏi, làm PowerPoint cũng hỏi. Điều này rất gây phiền hà cho người khác, vì ai cũng bận rộn công việc riêng cả. Hơn nữa, sếp của bạn sẽ đánh giá rằng bạn yếu kỹ năng khi không thể tự mình hoàn thành những công việc đơn giản và cơ bản nhất.

3. Không dùng điện thoại di động trong giờ làm việc

Có lẽ đây là lời khuyên đã quá quen thuộc nhưng không phải ai cũng đủ “sức đề kháng” để làm theo. Trừ khi công việc của bạn yêu cầu, nếu không hãy luôn để điện thoại trong chế độ im lặng và tránh để ý tới nó quá nhiều.

Việc này không chỉ giúp bạn tập trung hơn cho công việc mà còn gây thiện cảm đối với sếp và những đồng nghiệp xung quanh. Chắc chắn không có vị sếp nào hài lòng khi nhìn thấy nhân viên của mình luôn trong tình trạng lướt điện thoại, hoặc thi thoảng lại nghe tiếng chuông thông báo vang lên giữa giờ làm việc.

“Không sử dụng điện thoại trong giờ làm” là lời khuyên đã quá quen thuộc nhưng không phải ai cũng đủ “sức đề kháng” để làm theo.

Thời còn là một nhân viên phục vụ ở nhà hàng, tôi không được động đến điện thoại của mình suốt giờ làm, kể cả khi có khách hay không. Lúc ban đầu do không quen nên tôi vẫn cảm thấy bứt rứt, thậm chí rất khó chịu và muốn xin nghỉ việc.

Tuy nhiên, sau một thời gian thì tôi dần cảm thấy thoải mái và thậm chí là nhẹ nhõm hơn, vì không còn cảm giác áp lực khi phải cập nhật mọi thứ trên mạng xã hội mọi lúc nữa. Trong tất cả những công việc mà tôi từng trải nghiệm, có lẽ đây là công việc mà tôi có sự tập trung nhiều nhất và tinh thần làm việc cao nhất, vì thú thực là trong lúc làm những công việc văn phòng khác, tôi vẫn không thể tránh việc thỉnh thoảng ngó qua điện thoại của mình.

4. Cố gắng lắng nghe và chú ý quan sát

Lắng nghe và quan sát là hai kỹ năng thiết yếu dù bạn làm bất cứ công việc gì, ở bất kỳ nơi đâu. Đặc biệt trong những ngày đầu làm quen với môi trường mới, việc bạn có thể làm giỏi nhất chính là chủ động lắng nghe và quan sát.

Công việc chính thức đầu tiên của tôi là nhân viên bán hàng qua điện thoại (telesales) cho một trung tâm dạy tiếng Anh. Thời gian đầu tôi cứ ngây thơ cho rằng chỉ cần gọi điện rồi giới thiệu thật hay là sẽ chốt được đơn. Thế nhưng trong một tuần đầu tôi không mời được một vị khách nào, trong khi các đồng nghiệp xung quanh chốt đơn liên tục. Sau khi chú ý lắng nghe, tôi phát hiện ra ngoài nói theo kịch bản sẵn có và trau chuốt cho chất giọng êm tai, họ còn tìm hiểu trước xem nhu cầu thật sự của khách hàng là gì để có thể đánh đúng tâm lý nhất.

Đặc biệt hơn cả, đó là mặc dù chỉ nói chuyện qua điện thoại nhưng đồng nghiệp của tôi luôn cười rất tươi. Tôi ngạc nhiên hỏi lý do và được giải thích rằng nét mặt cũng ảnh hưởng tới tông giọng. Mặc dù khách hàng không nhìn trực tiếp, nhưng họ có thể cảm nhận được nhân viên này có đang hào hứng khi giới thiệu sản phẩm cho mình không, đó cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của họ.

Lắng nghe và quan sát là 2 kỹ năng thiết yếu bắt buộc phải có dù bạn làm bất cứ công việc gì, ở bất kỳ nơi đâu. Vì thế đừng tự cách li bản thân những ngày đầu làm quen với môi trường làm việc mới.

Tại startup nơi tôi từng thực tập, sếp tôi có một bài khảo nghiệm “ngầm” dành cho những người đang trong thời gian thử việc, đó là xem họ có đeo tai nghe và mở nhạc to khi đang làm việc hay không. Thật ra, một số công ty trong lĩnh vực sáng tạo thường ngầm cho phép nhân viên nghe nhạc khi làm việc. Tuy nhiên, chỉ nên làm điều này khi bạn đã quen thuộc với môi trường làm việc và những đồng nghiệp khác, đủ để họ hiểu rằng bạn chỉ đang đơn thuần nghe nhạc để tập trung, và bạn luôn sẵn sàng giao tiếp với họ bất cứ khi nào họ cần.

Ngược lại, đây là điều cấm kỵ đối với những người mới. Bởi vì đồng nghiệp sẽ không thể biết liệu bạn có đang âm thầm đưa ra lời cảnh báo “tôi không muốn nói chuyện” hay không. Việc đeo tai nghe sẽ ngăn cản những ai muốn giao tiếp với bạn, đồng thời khiến bạn khó bắt kịp những gì đang diễn ra xung quanh. Dù có cố tình hay không, cuối cùng bạn vẫn từ chối cơ hội hoà nhập và tự cách li bản thân trong môi trường mới.

Sẽ không ai đến chỗ bạn và nhắc nhở rằng đồng nghiệp đang bàn bạc gì, cần phải lắng nghe cái gì, hay phải học hỏi theo những gì, mà tự bạn phải lắng nghe và quan sát. Có được hai kỹ năng này, bạn sẽ thành công ở bất kỳ nơi đâu.

5. Tham dự những cuộc họp mà bạn có thể tham dự

Tôi biết nhân viên mới thường ngại những cuộc họp bởi họ ngồi nghe mà chẳng hiểu gì. Như tôi là một “kẻ ngoại đạo” khi bước chân vào ngành ngân hàng nên bất cứ cuộc họp nào của công ty đối với tôi cũng là một “cực hình”. Tôi tìm mọi cách trốn họp và sau một thời gian, tôi biết mình đã thực sự sai lầm.

Bỏ lỡ cuộc họp, tôi đã bỏ lỡ những vấn đề đang xảy ra trong công ty, bỏ lỡ mục tiêu KPI phải đạt được, bỏ lỡ những đúc kết kinh nghiệm quan trọng,… Có lần tôi hỏi sếp về một số kế hoạch của phòng trong đợt lễ kỷ niệm thành lập ngân hàng sắp tới, anh ấy mới hỏi lại “trong cuộc họp đã bàn bạc rõ ràng cả rồi, em không vào nghe họp cùng mọi người à?”

Sau lần đó, tôi biết rằng mình cần tham gia mọi cuộc họp có thể, tích cực ghi chép và lắng nghe. Dù đôi khi tôi chưa thể hiểu được hết ngay lập tức, nhưng ít ra tôi cũng nắm được bức tranh toàn cảnh. Điều này không chỉ phục vụ cho cả tập thể mà còn cho chính tôi, để tôi không bị lạc ra khỏi guồng quay của cả tập thể, cũng như chủ động sắp xếp công việc của mình sao cho hoà hợp với mục tiêu chung.

 

Nguồn: vietcetera.com

Sưu tầm: Trung Hạnh - P. BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo