6 VIỆC CẦN LÀM ĐỂ TUYỂN DỤNG HIỆU QUẢ

 

Xây dựng hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường lao động.

Ứng viên thường bị thu hút bởi uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường lao động. Nếu doanh nghiệp đã có vị trí nhất định trong xã hội, hình ảnh của họ được nhiều người biết đến, cơ hội ứng viên tiếp cận càng lớn, càng nhiều ứng viên tham gia dự tuyển, đặc biệt là những ứng viên tài năng, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí cho hoạt động tuyển dụng. Ngược lại, trong trường hợp hình ảnh của doanh nghiệp được ít người biết đến, nhà tuyển dụng khó tiếp cận được tới ứng viên, doanh nghiệp sẽ cần đầu tư nhiều thời gian và chi phí cho hoạt động quảng cáo để thu hút ứng viên.

Tạo dựng, mở rộng mối quan hệ xã hội của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không tồn tại độc lập trên thị trường, xung quanh doanh nghiệp có nhiều mối quan hệ phát sinh và đó có thể trở thành nguồn ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp, như: Các cơ sở giáo dục – đào tạo (trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Dạy nghề), các đối tác, các nhà cung cấp, các head hunter, … hay thậm chí là cả đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng cần biết cách nắm bắt và xây dựng tốt các mối quan hệ này, doanh nghiệp sẽ có một nguồn cung nhân lực nhất định luôn sẵn sàng khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, từ đó giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Đầu tư nguồn lực cho tuyển dụng.

Nếu doanh nghiệp có khả năng tài chính vững mạnh, chi phí dành cho hoạt động tuyển dụng lớn, nhà tuyển dụng có thể lựa chọn nhiều biện pháp tuyển dụng tiên tiến, áp dụng được nhiều phương pháp tuyển dụng hiện đại, cơ sở vật chất được đầu tư kỹ lưỡng, và đây là thuận lợi lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh về hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp.

Xây dựng chính sách nhân sự cạnh tranh, đảm bảo lợi ích cho ứng viên.

Hãy thử đặt bản thân vào góc độ suy nghĩ như một ứng viên, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy quyền lợi là thứ mà họ quan tâm nhiều nhất khi đọc một thông báo tuyển dụng. Điều đó khẳng định sức hút của chính sách nhân sự trong doanh nghiệp đối với ứng viên, chính sách ở đây có thể là lương, thưởng, môi trường làm việc, cơ hội đào tạo, cơ hội thăng tiến, … Doanh nghiệp nào càng đưa ra chính sách phù hợp với mong đợi của ứng viên, càng tăng khả năng thu hút ứng viên tham gia ứng tuyển, đặc biệt tăng khả năng thu hút người tài. Ngược lại, một doanh nghiệp đưa ra chính sách nhân sự không đảm bảo lợi ích của ứng viên, không có tính cạnh tranh trên thị trường, hoạt động tuyển dụng sẽ gặp nhiều trở ngại.

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp rõ ràng và được áp dụng thường xuyên trong hoạt động của doanh nghiệp

Hãy giả định có hai doanh nghiệp với chế độ đãi ngộ tương đương nhau, hình ảnh của họ trên thị trường cạnh tranh với nhau, cũng như việc bạn phải lựa chọn uống Coca-cola hay Pepsi trong bữa cơm vậy, ngay lúc này yếu tố quyết định ứng viên làm việc ở đâu nằm ở văn hoá doanh nghiệp. Nếu ứng viên mong muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, chuyên môn hoá cao và làm việc với những người cùng đẳng cấp với mình thì điều hiển nhiên họ sẵn sàng từ chối lời mời của một doanh nghiệp không đáp ứng được điều đó dù chính sách cực kỳ hấp dẫn. Hay đơn giản hơn, bạn có thể không có được ứng viên khi họ nói không muốn làm ngày thứ 7 còn doanh nghiệp của bạn thì không. Ngoài ra, văn hoá doanh nghiệp cũng là một yếu tố để nhà tuyển dụng sàng lọc ứng viên, tài thôi chưa đủ, chúng ta cần tới sự hoà hợp của họ với văn hoá của tổ chức để có thể cống hiến trong dài hạn.

Lựa chọn được nhân sự phù hợp làm công tác Tuyển dụng nhân sự.

Nhà tuyển dụng là người đại diện công ty trong hoạt động tuyển dụng, hiển nhiên họ là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động này. Nhà tuyển dụng có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tốt, kiến thức rộng, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hành xử đúng chừng mừng đạo đức sẽ để lại một ấn tượng tốt cho ứng viên. Và chính ấn tượng đó làm tăng sự tín nhiệm của ứng viên đối với bản thân nhà tuyển dụng và của doanh nghiệp, xây dựng nên thương hiệu nhà tuyển dụng vững mạnh. Ngược lại, trong trường hợp không làm được điều đó, những câu chuyện về việc nhà tuyển dụng không reply e-mail kết quả tuyển dụng cho ứng viên, hay có lối hành xử không đúng khi phỏng vấn, hoặc là phỏng vấn như kiểu một tấc lên giời của tổ chức đa cấp đang làm xấu hình ảnh của công ty họ hằng ngày.

 

Nguồn: hrteamblog.wordpress.com

Sưu tầm: Phương Trà – P. HCNS

zalo

Đặt hàng online

zalo