82% nhân viên sẽ nghỉ việc sau Tết nếu thưởng không như mong đợi

 

Trang web tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks thuộc Navigos Group mới đây đã phát hành Báo cáo Phúc lợi và Thưởng tết năm 2019 tại Việt Nam. Báo cáo được công bố dựa trên phản hồi khảo sát của gần 500 chuyên gia nhân sự và 3.400 người tìm việc.

Ảnh minh họa từ Internet

Báo cáo Phúc lợi và Thưởng tết năm 2019 tại Việt Nam nhận định, phúc lợi chính là là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định ứng tuyển của ứng viên.

Kết quả khảo sát do VietnamWorks thực hiện cho thấy phía nhà tuyển dụng và người tìm việc đều đồng nhất trong quan điểm về quyết định ứng tuyển vào một công việc của ứng viên. Theo đó, top 5 các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định ứng tuyển lần lượt là: phúc lợi, cơ hội thăng tiến trong công việc, tính chất công việc, thưởng, văn hóa và con người của công ty.

Có đến 86% ứng viên được khảo sát cho biết họ thường xuyên tìm kiếm thông tin về phúc lợi khi tìm việc. Và dường như thấu hiểu được mối quan tâm này, 84% nhà tuyển dụng cũng cho biết họ thể hiện đầy đủ những thông tin về phúc lợi khi đăng tuyển công việc.

Tuy nhiên, vẫn theo báo cáo của VietnamWorks, người tìm việc chưa nhận được gói phúc lợi tuyệt đối như mong đợi của bản thân.

Theo kết quả khảo sát, top 3 gói phúc lợi mà doanh nghiệp đang áp dụng nhiều nhất hiện nay là Bảo hiểm xã hội, Nghỉ phép năm và Du lịch cùng công ty. Trong khi đó, top 3 gói phúc lợi mà người tìm việc mong muốn nhận được nhất lần lượt là: Kiểm tra sức khỏe định kỳ; Hỗ trợ vật dụng cần thiết cho công việc và Các chương trình đào tạo. Đối chiếu cho thấy top 3 gói phúc lợi người tìm việc mong đợi lần lượt chỉ nằm ở vị trí ưu tiên thứ 6, 5, 7 theo quan điểm của nhà tuyển dụng.

Khi được hỏi về việc “nếu công ty không đáp ứng về nhu cầu phúc lợi trong tương lai”, có đến 89% người tìm việc được khảo sát cho biết họ sẽ lựa chọn phản ứng lại trong tình huống này, trong đó 66% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty cải thiện chất lượng các gói phúc lợi; 23% sẽ quyết định nghỉ việc và tìm việc nơi khác có phúc lợi tốt hơn; chỉ 9% sẽ lựa chọn sẽ không có phản ứng.

Về đánh giá mức độ hài lòng đối với các gói phúc lợi nhận được, có 79% người đang hài lòng ở các mức độ khác nhau, số 20% còn lại vẫn chưa hài lòng với phúc lợi đang nhận được.

Liên quan đến vấn đề này, hơn 1 nửa doanh nghiệp có kế hoạch phát triển các gói phúc lợi trong năm 2019. Cụ thể có 56% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ sẽ bổ sung các gói phúc lợi mới hoặc cải thiện chất lượng các gói phúc lợi hiện tại; 41% quyết định sẽ vẫn giữ nguyên các gói phúc lợi hiện tại và chỉ 3% doanh nghiệp cho biết họ phải cắt giảm một số gói phúc lợi hiện tại.

Những doanh nghiệp đi đầu trong việc bổ sung/cải thiện các gói phúc lợi trong năm 2019 thuộc các lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin, dịch vụ, xây dựng và hàng tiêu dùng.

Một vấn đề được mọi ứng viên quan tâm chính là việc thưởng Tết. Theo thống kê trong báo cáo trên, có đến 53% ứng viên hiện nay luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc, tuy nhiên chỉ có 37% nhà tuyển dụng sẵn sàng thể hiện những thông tin này trong bản mô tả công việc đăng tuyển của công ty mình.

Hiện chính sách thưởng Tết năm 2019 được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vẫn không thay đổi so với năm 2018, đó là: thưởng theo tình hình kinh doanh của công ty, thưởng theo kết quả công việc, thưởng theo cấp số nhân của tháng lương. Hình thức này cũng đúng như mong đợi của người tìm việc.

Về giá trị mức thưởng, có đến 64% doanh nghiệp cho biết mức thưởng Tết cho nhân viên trong dịp Tết năm 2019 sẽ cao hơn 1 tháng lương.

Đáng chú ý hơn 82% nhân viên trong cuộc khảo sát cho biết họ sẽ nghỉ việc sau Tết 2019 nếu không nhận được mức thưởng như mong đợi. Theo đó, 27% lựa chọn sẽ nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn, 55% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng Tết.

Nhận định về báo cáo này, ông Gaku Echizenya - Tổng giám đốc Navigos Group nói: “Thị trường lao động Việt Nam đang ngày một trưởng thành hơn, song song đó bản chất các công việc cũng dần bị thay đổi bởi tác động của công nghiệp 4.0. Điều này dẫn tới sự thay đổi quan điểm về các gói phúc lợi của người tìm việc. Thay vì mong đợi nhận được gói phúc lợi chỉ liên quan chế độ tiền lương thưởng hấp dẫn như năm 2017, năm nay người tìm việc đã có sự thay đổi hoàn toàn về top 3 các gói phúc lợi bao gồm việc kiểm tra sức khỏe, các hỗ trợ về công cụ làm việc và các chương trình đào tạo".

Do đó, ông cho rằng việc khảo sát định kỳ trong nội bộ rất cần thiết để doanh nghiệp có cải thiện tốt hơn các gói phúc lợi. Bên cạnh đó, ở mỗi ngành nghề có những mong đợi khác về phúc lợi, chính vì vậy doanh nghiệp hãy sáng tạo trong việc xây dựng các gói phúc lợi nhằm hỗ trợ tối ưu nhất với đặc thù mỗi ngành, không nên quá rập khuôn với thị trường mà không có sự đổi mới.

Nguồn: baomoi.com

Sưu tầm: Ngọc Thanh – Tổ kỹ thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo