Cảm ơn và xin lỗi – hai tiếng dễ mà khó nói

 

Lần đầu tiên bạn nói tiếng “cảm ơn” hoặc “xin lỗi” là khi nào?

Hai tiếng tưởng như đơn giản và bình thường này, mãi đến khi hơn 18 tuổi mình mới biết nói. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng đó lại là sự thật. Từ nhỏ tới lớn, mình sinh trưởng trong một gia đình bình dân, sống một môi trường mà xung quanh toàn những người lao động phổ thông, nên không ai dạy mình cách chào hỏi người lớn, nói “cảm ơn” khi được người khác giúp đỡ hay nói “xin lỗi” khi mình gây ra lỗi lầm gì đó. Dĩ nhiên ở trường lớp, thầy cô có dạy những phép tắc lễ nghi thông thường này, nhưng khi bạn sống trong một môi trường mà không ai hành xử theo sách vở như thế cả, thì thói quen đó sẽ không bao giờ được hình thành.

Mình còn nhớ năm lớp 7, lần đầu đến chơi nhà một nhỏ bạn trong lớp cùng với một nhóm bạn. Có vài đứa khi gặp ba mẹ của cô bạn ấy thì cúi chào: “Dạ con chào cô chú”. Lúc ấy mình vô cùng ngạc nhiên, hóa ra còn có vụ gọi là gặp người lớn thì phải chào hỏi, và mình cũng chào theo lấy lệ chứ bản thân cảm thấy rất ngại ngùng. Hôm ấy mình đem một đĩa game The Sim sang cài cho máy tính cô bạn ấy, và bạn nói “Cảm ơn” mình. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời mình nghe thấy có người nói cảm ơn mình như thế, một trải nghiệm hết sức lạ lùng trong thế giới của mình.

Giống như cỏ dại, rồi mình cũng quay trở lại với thế giới và môi trường tự nhiên của mình suốt những năm học phổ thông, và hiếm khi nghe những lời cảm ơn hay xin lỗi từ bạn bè xung quanh vì đa số bạn bè cũng đều có bối cảnh sống giống mình. Không phải ai cũng được sinh trưởng trong một gia đình trí thức, cha mẹ gia giáo để rèn giũa lời ăn tiếng nói của con trẻ ngay từ nhỏ.

Mãi đến khi vào đại học ở Sài Gòn, bước vào một môi trường hoàn toàn khác ở tỉnh lẻ, mình được tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè tứ xứ, đặc biệt là những bạn dân Sài Gòn chính hiệu. Và rồi mình bắt đầu nghe những lời cảm ơn – xin lỗi nhiều hơn. Chỉ một chuyện nhỏ thôi như cho mượn cây bút hay cuốn tập, mình cũng nghe bạn cảm ơn; hay bạn hỏi mình một điều gì đó, mình trả lời, xong bạn cũng cảm ơn. Lỡ đụng phải mình, bạn nói lời xin lỗi. Mình đang ngồi học, bạn muốn hỏi gì đó thì cũng xin lỗi một cách lịch sự trước khi hỏi.

Ban đầu mình có phần bị choáng ngợp và không quen với kiểu văn hóa ứng xử này, vì nó khác hoàn toàn môi trường sống và thói quen ứng xử hằng ngày lúc mình còn ở quê, nhưng dần dà mình cũng thích nghi được và học theo các bạn để có thể nói cảm ơn/xin lỗi một cách tự nhiên mà không thấy ngượng mồm. Và rồi đến một lúc nào đó, hai tiếng này lại trở thành một phần bản năng tự nhiên của mình trong phép tắc cư xử thường ngày.

Mình phải mất đến 18 năm để học hai tiếng đơn giản là “cảm ơn” và “xin lỗi”. Ấy vậy mà khi vào đời, mình lại chứng kiến rất nhiều trường hợp ngược ngạo đến buồn cười.

Ví dụ khi mua hàng online, mình đã chuyển khoản thanh toán trước đơn hàng, cuối cùng shipper gọi đến lại báo đơn hàng chưa thanh toán. Khi liên hệ lại shop bán hàng hỏi thì hóa ra nhầm lẫn của nhân viên shop, nhưng từ đầu tới cuối câu chuyện, mình không nhận được một tiếng xin lỗi nào của shop ấy khi khiến mình thấy phiền như vậy. Trường hợp này không phải hiếm mà có rất nhiều dịch vụ khách hàng bên ngoài như thế, bản thân họ là người có lỗi với khách hàng trước nhưng không bao giờ nói được một lời xin lỗi, mà họ chỉ đơn giản là tiếp nhận vấn đề rồi xử lý như một cái máy.

Trong môi trường công sở, nếu đi làm một thời gian rồi bạn cũng sẽ chứng kiến cảnh sếp hay đồng nghiệp làm điều sai quấy với mình, nhưng vì thay vì xin lỗi bạn thì họ lại lựa chọn im lặng và xem như không hề có chuyện gì xảy ra. Một tiếng xin lỗi nói ra rất đơn giản, nhưng nhiều người vì tự ái tự trọng không bao giờ dám hé lời, vì sợ nói ra bản thân bị mất uy tín mất danh dự hay bị người khác chê cười vì già đầu mà làm sai. Sự ngược ngạo ở đây là có những vị sếp mình biết vốn sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, họ biết hết những phép tắc ứng xử phổ thông đó, nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn im lặng chứ không nói xin lỗi nhân viên.

Ai đi làm thì cũng có lúc làm sai một chuyện gì đó, không ai làm đúng được hết ngay từ đầu. Như mình mỗi lần gây ra lỗi sai gì đó mà gây phiền hà và ảnh hưởng tới nhiều người, mình luôn nhận lỗi về mình trước tiên và xin lỗi tới những người bị ảnh hưởng, dù trong chuỗi email hay group chat đó có cả sếp trực tiếp hay ban lãnh đạo công ty. Nếu văn hóa công sở được tạo dựng trên nền tảng ứng xử căn bản – ai làm đúng làm tốt thì ta nói lời cảm ơn họ, ai làm sai làm tệ thì chủ động nói lời xin lỗi – thì có lẽ đời sống văn phòng đã dễ chịu và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Sẽ có rất nhiều khoảnh khắc trong đời, khi bạn giúp đỡ một ai đó nhưng đáp lại là sự lặng thinh như thể việc bạn giúp họ là lẽ đương nhiên. Nhưng cũng đừng vì thế mà học theo cái nết phũ phàng giống họ.

Lời cảm ơn thì dễ nói hơn lời xin lỗi, và có rất nhiều cơ hội mỗi ngày để bạn nói lời cảm ơn ai đó. Như mình thường cảm ơn chú giữ xe mỗi lần chú dắt xe cho mình, hay cảm ơn chị chủ tiệm khi đưa hộp đồ ăn cho mình. Hồi xưa có lần đang ngồi ăn trưa ở một tiệm cơm bình dân, mình thấy một anh phụ hồ cho một công trình gần đó cũng đang ngồi ăn. Trước khi ăn, anh làm dấu thánh theo nghi thức bên đạo Thiên Chúa giáo, một điều mình chỉ thường thấy trên phim và càng hiếm hơn ở những người làm công việc như anh. Hình ảnh đó để lại rất nhiều ấn tượng trong mình, và từ đó mình học theo anh phụ hồ việc nói lời cảm ơn bề trên khi cho mình có bữa ăn ngon.

Nói lời cảm ơn người thế là chuyện thường tình, còn nói lời cảm ơn tới ông Trời là điều mà ít người để tâm tới. Như mình thường cảm ơn bề trên vào mỗi buổi sáng vì cho mình được làm việc, cảm ơn bề trên vì cho mình có bữa ăn ngon, cảm ơn bề trên vì cho mình một giấc ngủ ngon.

Phải mất từ 21 ngày tới 6 tháng để một người luyện tập một thói quen mới, tùy theo khả năng học tập của mỗi người. Cảm ơn và xin lỗi là một trong những bài học vỡ lòng của linh hồn: biết hàm ơn khi được giúp đỡ và biết nhận lỗi khi làm sai. Những người không biết nói cảm ơn và không dám mở miệng nói xin lỗi là vẫn còn cái tâm ngạo mạn, xem mình giỏi giang hơn người. Một linh hồn không biết cúi mình thì sẽ chẳng được ai đỡ nâng trước những sóng gió trong kiếp nhân sinh.

Và khi viết xong bài này, mình cảm ơn bề trên vì đã cho mình một ngày cuối tuần bình yên và thư thả để trải lòng qua con chữ cùng quý bạn đọc gần xa. Hi vọng rằng những ai còn ngại ngùng nói lời cảm ơn hay xin lỗi như mình ngày trước, có thể mạnh dạn bắt đầu tập một thói quen mới để sống một đời tử tế hơn.

 

Nguồn: nguyenthanhlinh.com

Sưu tầm: Xuân Vương – BP Kho

zalo

Đặt hàng online

zalo