Cân nhắc phương án cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Moitruong24h - Dưới tác động của biến đổi khí hậu, 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch. Đề xuất phương án cấp nước an toàn cho các tỉnh/thành phố ĐBSCL, cơ quan chức năng yêu cầu tập trung cấp nước cho vùng khó khăn nhất là Cà Mau và Bạc Liêu.

* 3 phương án

Đơn vị tư vấn NJS (Nippon Jogesuido Sekkei Co.Ltd) Nhật Bản vừa có báo cáo đề xuất 3 phương án cho Dự án cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tập trung vào 7 tỉnh, thành phố phía Tây Nam sông Hậu của vùng ĐBSCL.

Trong đó, NJS nghiên cứu 3 phương án gồm: Phương án 1 tập trung cho toàn bộ tiểu vùng Trung tâm gồm khu vực phía Bắc Cần Thơ, Nam An Giang và Nam Kiên Giang. Phương án 2 ưu tiên là xây dựng hệ thống cấp nước khai thác nước ngầm mạch sâu cho tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Phương án 3 ưu tiên xây dựng Nhà máy xử lý nước lợ cấp cho toàn bộ tỉnh Cà Mau.

Cho rằng Cà Mau và Bạc Liêu là các tỉnh khó khăn về nguồn nước nhất, đơn vị tư vấn lựa chọn phương án 3 là ưu tiên đầu tư. Giải pháp được đưa ra là kết hợp nước ngầm mạch sâu và khử mặn.

Tuy nhiên, nhược điểm của giải pháp này là không chắc chắn về trữ lượng khai thác và không theo quy hoạch tổng thể. Chi phí sản xuất nước ở Cà Mau và Bạc Liêu vẫn cao…

Mặc dù phương án nước ngầm mạch sâu có chi phí đầu tư thấp nhưng đòi hỏi cần phải có thời gian cho việc khảo sát và khoan thăm dò nguồn nước ngầm. Ngay cả khi công tác khảo sát được thực hiện thì vẫn có các rủi ro về trữ lượng và chất lượng nguồn nước. Vì vậy, khó có thể đáp ứng được yêu cầu về mặt tiến độ và thời gian cho dự án ưu tiên.

Nếu thực hiện phương án cấp nước phân tán, cần có chính sách đặc thù cho địa phương để đảm bảo các công ty cấp nước các tỉnh có khả năng vay lại để thực hiện dự án hoặc cho các doanh nghiệp có đủ năng lực đảm nhận các khoản vay để phát triển hệ thống…

* Tìm giải pháp tối ưu

Góp ý với đơn vị tư vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, yêu cầu đặt ra phải đảm bảo an toàn, dịch vụ thiết yếu cho người dân (nhà ở, nước sạch), qua đó cần lựa chọn định hướng, phương thức đầu tư, xem xét cân nhắc quyết định dự án phải đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Đơn vị tư vấn cũng cần quan tâm, có sự đánh giá kỹ về thể chế và quản lý của dự án và phải đạt được sự đồng thuận của người dân, cộng đồng xã hội. Các yếu tố trên sẽ quyết định tính khả thi của dự án.

Đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu đánh giá thêm sự liên quan của dự án đối với quy hoạch cụ thể của từng địa phương, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà lưu ý tập trung ưu tiên cho vùng khó khăn nhất, đầu tiên là Cà Mau và Bạc Liêu; lựa chọn thêm nhiều phương án khả thi; nghiên cứu khả năng dẫn nước thô, khả năng xây hồ chứa tích nước mưa.

Bên cạnh đó cũng phải xem xét toàn diện một số yếu tố liên quan đến quy hoạch; yêu cầu thực tế của vùng về cấp nước (vùng, tiểu vùng nào chịu tác động cực đoan nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…); khả năng khai thác và sử dụng tài nguyên nước, tác động ảnh hưởng tới môi trường; phương án dẫn nước và xử lý nước thô để giảm giá thành nước...

 

Nguồn: moitruong24h.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - IT

zalo

Đặt hàng online

zalo