Chăm chỉ là chìa khoá của nhân phẩm: Thiếu quyết tâm, thất bại cũng không đủ tư cách để giải thích, bao biện!

 

Thất bại? Nó chỉ xứng đáng với những người đã nỗ lực hết mình nhưng may mắn không mỉm cười với họ. Còn nếu bạn sống hời hợt ngay từ đầu, bạn còn không xứng đáng với hai chữ "thất bại" kia.

(1)

Mấy hôm trước, tôi cùng với cô bạn thân đi mua giày. Vào một quầy hàng, tôi rất ưng ý một đôi giày màu trắng nên yêu cầu người bán hàng đi tìm size 38. Cô ta xua tay và nói cỡ giày đó đã bán hết.

Tôi thấy tiếc vì bản thân rất thích kiểu dáng của đôi giày này. Lúc sắp rời đi, cô bạn thân của tôi tinh mắt và thấy đôi giày size 38 mà tôi mong muốn đang được để trên sạp trưng bày. Chúng tôi mới ngạc nhiên quay lại và hỏi người bán hàng. Người bán hàng tỏ ra ngạc nhiên không kém, cô ta ngỡ ngàng không hiểu tại sao vẫn còn đôi giày này size 38?

Người đồng nghiệp bên cạnh chợt lên tiếng: "Khách hàng ban chiều muốn một đôi size 38, phải chăng cô lại đưa nhầm cho người ta size 37 rồi?"

Nghe vậy, mặt cô ta đỏ bừng lên. Cô ngay lập tức kiểm tra lại hóa đơn và phát hiện hoá ra mình thực sự đã phạm sai lầm. Sau đó, cô nói một cách thản nhiên với tôi: "Người ta phát hiện sẽ đem đổi trả lại, không vấn đề gì". Chúng tôi cùng nhìn và không hiểu tại sao cô ta có thể tỉnh bơ mà chối bỏ trách nhiệm đến vậy? Hai đôi giày này có thể sẽ bị vứt bỏ chỉ vì thái độ làm việc cẩu thả của người bán hàng.

Sự cần mẫn, chăm chỉ của người lao động quyết định đến độ lớn mạnh của thương hiệu. Chính vì lẽ đó, chỉ một chút bất cẩn và sao nhãng của một cá nhân cũng có thể làm hình ảnh đẹp của thương hiệu tan thành mấy khói. Việc một cá nhân luôn viện cớ bào chữa sai lầm của mình chính là tác nhân đẩy lùi sự tiến lên của một tập thể.

(2)

Tôi là một giáo viên. Lúc mới đi dạy, phương châm làm việc của tôi là giơ cao đánh khẽ, nhưng tôi có một thói quen xấu là hay than vãn. Một ngày nọ, đồng nghiệp có gửi một bức ảnh cũ và kể câu chuyện ngày cô ấy mới đi dạy học cho tôi nghe.

Ngày ấy, các em học sinh thuộc lớp của cô làm bài tập về nhà rất cẩu thả và lung tung. Cuối cùng, cô ấy đã nghĩ ra một biện pháp nhằm giải quyết tình trạng này: yêu cầu phụ huynh kí tên xác nhận vào mỗi bài tập về nhà của con. Tuy nhiên, trong lớp cô vẫn còn một em học sinh không làm bài tập, cũng không có chữ kí xác nhận của phụ huynh. Cảm thấy vô cùng tức giận, cô lập tức gửi thông báo yêu cầu phụ huynh lên gặp mặt.

Ngày hôm sau, một bà già tuổi tác đã cao, tay phải chống nạng, chân run lẩy bẩy đến gặp cô giáo tại văn phòng.

Mặc dù bạn tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp, nhưng cô ấy lại không hề nắm bắt được hoàn cảnh của em học sinh này. Bố mẹ đi làm xa để em lại cho bà nuôi dưỡng. Đứng trước mặt một bà lão khắc khổ, chợt cô cảm thấy xấu hổ vô cùng. Cô đem tình hình làm bài tập về nhà của em nói cho bà lão biết. Bà lão liền thật thà đáp lại: "Thật tình tôi không biết là cháu có bài tập về nhà. Xin hứa với cô từ nay trở đi, tôi sẽ thường xuyên đến đây hỏi cô về tình hình học tập của cháu. Tôi cũng sẽ đôn đốc và nhắc nhở cháu hoàn thành bài tập được giao."

Người đồng nghiệp của tôi đỏ mặt ngại ngùng liền xua tay bảo: "Thôi bác không cần đến nữa đâu ạ. Từ này, mỗi lúc tan học cháu sẽ yêu cầu em làm bài tập, làm xong sẽ được về nhà." Bà lão liền tiếp lời: "Thế sao được, cô giáo vẫn còn nhiều chuyện phải làm, chả lẽ nào đến cháu tôi, tôi cũng không lo nổi sao?"

Lúc đó, con trai của đồng nghiệp tôi mới được hơn 3 tháng tuổi. Cô ấy cực kì cảm kích trước sự thấu hiểu của bà lão, nên không miễn cưỡng nữa. Kể từ đó về sau, cô ấy dành nhiều sự quan tâm hơn đến vấn đề học tập và đời sống của mỗi em học sinh. Cô thường dùng điện thoại chụp lại hình hai bà cháu kia lúc rời trường. Cô luôn tự kiểm điểm bản thân đã làm đúng trách nhiệm của một giáo viên và làm tròn nghĩa vụ của một người mẹ hay chưa?

Kể đến đây, cô nhìn tôi mỉm cười và nói: "Chỉ cần cậu làm việc có tâm và có trách nhiệm thì mọi thứ sẽ không còn khó khăn như vậy nữa đâu."

Cuộc sống vốn không có ngõ cụt. Chúng ta cảm thấy cùng đường chẳng qua vì chúng ta đang bị gò bó trong những ý nghĩ của bản thân đấy thôi. Cho dù công việc có vất vả hay hoàn cảnh có ngặt nghèo, chỉ cần chúng ta dám gánh vác và làm việc tận tâm, mọi thứ sẽ không còn khó khăn như vậy nữa.

(3)

Người bạn đại học của tôi Minh Quân đã trở thành bác sĩ của một bệnh viện lớn trong thành phố sau khi tốt nghiệp. Anh bận rộn tới mức chúng tôi hiếm có cơ hội gặp mặt nhau. Khi đi ăn cùng nhau, tôi luôn thấy anh mang vẻ mặt lo âu trầm tư. Tôi hỏi chuyện thì anh chỉ đáp là đang bận suy nghĩ về cách trị bệnh cho một bệnh nhân. Sau đó, anh tiếp tục chia sẻ tràn lan đại hải về những thuật ngữ chuyên ngành y khoa mà tôi không hiểu.

Bây giờ, chàng trai trẻ năm nào đã trở thành một bác sĩ nổi tiếng. Tôi luôn thầm ganh tị với sự nghiệp thuận buồm xuôi gió của anh.

Cho đến một ngày, tôi tình cờ xem được một đoạn phỏng vấn về y khoa của anh ấy. Hóa ra, anh đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa trong những năm tháng bình dị. Anh đã tận tình cứu chữa cho bệnh nhân bằng sự tôn trọng và tình yêu vô điều kiện của một người bác sĩ. Anh nhận được mọi vinh quang bằng tinh thần trách nhiệm đối cao với công việc của bản thân.

Chúng ta chỉ nhìn thấy vương miện lấp lánh trên đầu của một người, mà không nhìn thấy trọng trách nặng nề được đặt trên vai họ. Cuộc sống không ban phát ân huệ nào cho những kẻ lười biếng, nhưng sẽ luôn hậu đãi những người sống hết mình.

Thất bại? Nó chỉ xứng đáng với những người đã nỗ lực hết mình nhưng may mắn không mỉm cười với họ. Còn nếu bạn sống hời hợt ngay từ đầu, bạn còn không xứng đáng với hai chữ "thất bại" kia. Nghiêm túc và trách nhiệm chính là kim chỉ nam dẫn lối cho bạn đến với một cuộc sống tươi đẹp. Vậy hôm nay, trên hành trình đi tìm cuộc sống lý tưởng, bạn đã đi đến đâu rồi?

 

Nguồn: kenh14.vn

Sưu tầm: Trung Hạnh - P. BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo