CHIẾN THUẬT ỨNG PHÓ TRÁNH "MƯU HÈN KẾ BẨN" CỦA NHỮNG “KẺ BẮT NẠT” NƠI CÔNG SỞ

 

Một số đồng nghiệp “xấu tính” coi việc làm khó người khác như một cách để bản thân thành công. Hãy để họ thấy đó là việc làm “hết sức sai lầm”.

Bất cứ ai khi chân ướt chân ráo bước vào một công ty mới thì cũng khó tránh khỏi sự cạnh tranh, “bắt nạt” đến từ những nhân viên cũ. Bạn có chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đối mặt với những trò chèn ép, gây khó dễ hay nói xấu sau lưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào không? Liệu bạn có đối mặt và vượt qua, hay là nộp đơn xin nghỉ việc. Đây là những bí quyết khiến cho việc đối phó với đồng nghiệp xấu tính không khó như bạn nghĩ.

1. Tìm lời khuyên

Thông thường, đồng nghiệp xấu trong công ty không cư xử thô lỗ với chỉ một người. Bạn có thể chia sẻ về trường hợp của mình với những đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng họ là một người đáng tin cậy, người sẽ hỗ trợ bạn không chỉ bằng lời nói, mà còn sát cánh cùng bạn trong toàn bộ quá trình. Nếu có thêm bạn đồng hành chắc chắn bạn sẽ tự tin và có kế hoạch cụ thể để đối phó với đồng nghiệp xấu tính kia.

2. Không hiếu thắng

Đừng buộc tội hay tìm cách cô lập ngược lại người bắt nạt bạn, cũng đừng nói xấu sau lưng họ. Điều đó sẽ chỉ khiến cho những người xung quanh thấy bạn thật trẻ con và chưa chắc đã đứng về phía bạn. Hành động chơi xấu này cũng sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt mọi người, chẳng khác gì kẻ xấu xa kia.

3. Khiêm tốn

Một trong những điều quan trọng giúp bạn tránh khỏi sự chán ghét, kiêng kị của đồng nghiệp chính là sự khiêm tốn. Việc tỏ ra kiêu căng, khoe tài, khoe của chỉ khiến bạn nhận được sự coi thường của họ mà thôi. Hãy luôn khiêm tốn, học hỏi từ các đồng nghiệp của mình. Bởi dù sao họ cũng là những người đi trước, hoàn toàn có thể cho bạn những lời khuyên để thích ứng hiệu quả hơn trong môi trường làm việc mới.

4. Giữ quan hệ tốt với các đồng nghiệp khác

Bị một số người gây khó dễ không có nghĩa là bạn phải thu mình hoàn toàn và cẩn thận với cả những người khác. Hãy giữ mối quan hệ tốt với những người còn lại như bình thường, vì họ không chỉ có thể giúp bạn học hỏi nhiều hơn trong công việc, mà tiếp xúc với họ cũng giúp bạn khẳng định được tính cách và năng lực, khiến kẻ bắt nạt không dễ gì “đặt điều” cho bạn nữa.

5. Đảm bảo sếp hoặc người giám sát nắm được tiến độ công việc của bạn

Thường xuyên báo cáo và trao đổi về công việc với sếp hoặc người trực tiếp giám sát sẽ giúp cấp trên luôn nắm rõ tiến độ công việc của bạn, hiểu năng lực của bạn đến đâu và không bị “tác động” bởi những lời “dèm pha”. Nếu cảm thấy phù hợp, bạn còn có thể trao đổi với cấp trên về vấn đề mình đang gặp phải. 

6. Góp ý thẳng thắn

Trường hợp bạn bị người đồng nghiệp thân thiết quay ra nói xấu, bạn nên cố gắng lắng nghe xem tại sao họ lại nói xấu mình, mình có đúng như họ nói thật hay không? Nếu đúng là bạn mắc sai lầm hoặc gây hiểu nhầm với ai, bạn nên tự mình nhận lỗi rồi sau đó thẳng thắn góp ý với đồng nghiệp xấu để họ cư xử tế nhị hơn, thay vì lôi tật xấu của bạn kể cho người khác.

7. Hãy sẵn sàng bảo vệ chính mình.

Thật không may, đôi khi những đồng nghiệp xấu không chỉ bắt nạt bạn bằng lời nói mà còn giở thói sàm sỡ ở những nơi vắng người như hành lang, thang máy.... Dưới đây là những cách tự vệ mà các bạn cần biết

- Cú đá bất ngờ vào háng có thể làm cho đối phương cảm thấy đau đớn và bối rối một lúc đủ để bạn chạy thoát.

- Nếu đá vào háng không có tác dụng, bạn hãy thử đá vào vùng bụng (ngay dưới xương sườn), hay đá vào đầu gối khiến đối phương khuỵu xuống.

- Nếu kẻ bắt nạt túm lấy bạn hay dồn ép bạn, hãy cố gắng giữ thăng bằng, dùng tay trái túm lấy một cánh tay của họ và đánh vào khuỷu tay bằng tay kia, sau đó dùng tay kia gạt cánh tay còn lại của kẻ đó. Và ngay khi có cơ hội, bạn hãy chạy đến một nơi an toàn và kêu cứu.

8. Khẳng định năng lực và tập trung làm việc

Mục đích cuối cùng trong môi trường công sở của bạn là làm việc. Hãy bỏ qua những chuyện bên lề và tập trung vào làm tốt công việc của mình. Những kẻ bắt nạt cũng có công việc của họ, một khi họ nhận ra bạn chẳng “xi-nhê” gì trước những hành động xấu xí, ngược lại kết quả công việc ngày càng cao hơn, thì họ sẽ chẳng còn lí do gì hay thời gian để đi bắt nạt bạn nữa.

9. Giữ bình tĩnh

Cho dù bạn cảm thấy ấm ức, tức giận thế nào khi bị nói xấu, chèn ép thì cũng nên nhớ phải giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Việc bạn cãi nhau, gây gổ với người khác chỉ làm xấu thêm hình ảnh của bạn trong mắt mọi người . Hơn nữa, đó là điều họ mong muốn để đuổi bạn đi khỏi công ty nhanh hơn mà thôi. Hãy ứng xử chuyên nghiệp, kiểm soát cảm xúc cá nhân. Sẽ có những dịp thích hợp để bạn chứng tỏ khả năng của mình trước họ.

10. Nhờ HR hoặc cấp trên trợ giúp

Trong trường hợp bạn đã năm lần, bảy lượt chừa “đường lui” cho đồng nghiệp xấu tính nhưng họ vẫn chứng nào, tật nấy, cư xử hai mặt với bạn và thậm chí còn làm tổn hại đến danh dự của bạn trong nhóm làm việc thì hãy nhờ sự trợ giúp của cấp trên. Với bằng chứng cụ thể cùng lời trần thuật khách quan, sếp nhất định sẽ đưa ra phán quyết công bằng.

Nếu thương trường từng được ví như chiến trường – nơi các doanh nghiệp tìm mọi cách để lôi kéo khách hàng và cạnh tranh lẫn nhau thì ngày nay, môi trường công sở cũng lắm "mưu hèn kế bẩn" - nơi các nhân viên dìm hàng, hãm hại lẫn nhau để leo lên vị trí cao hơn, hạ uy tín đối thủ hoặc đơn giản chỉ vì… ghét. Vì thế bạn cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, làm việc cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu và nên có kiến nghị thẳng với sếp nếu như công việc gặp vấn đề đừng tìm cách “ăn miếng trả miếng” để biến mình thành kẻ xấu xa như họ. Tốt nhất là nên duy trì chiến thuật “im lặng là vàng” khi có xung đột xảy ra. 

 

Nguồn: bestie.vn

Sưu tầm: Trần Bé – BP.Mua hàng

zalo

Đặt hàng online

zalo