Đãi ngộ hấp dẫn chặn "nhảy việc" sau Tết

            

Để đối phó với tình trạng biến động nhân sự sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhằm giữ chân người lao động, đặc biệt là hoạt động chăm lo đời sống cho công nhân trong dịp Tết.

Theo thống kê, sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều doanh nghiệp treo bảng tuyển dụng nhân sự nhất trong năm, vì tình trạng lao động "nhảy việc" diễn ra ở thời điểm này gần như cao nhất trong năm.

Sau kì nghỉ Tết kéo dài, lao động không trở lại làm việc khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các ngành nghề cần nhiều nhân công.

Tuy không phải là hiện tượng “chảy máu chất xám” đáng báo động nhưng tình trạng người lao động đến hẹn...không lên vẫn khiến thị trường lao động có sự xáo trộn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Đây cũng là nguyên nhân khiến các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên bất ngờ rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân công ngay sau khi khai trương công việc cho năm mới.

Lý giải thực trạng trên, các chuyên gia lao động cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng "nhảy việc" sau Tết là do chưa hài lòng với mức độ đãi ngộ, lương thưởng, phúc lợi xã hội của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sau một thời gian làm việc, nhiều lao động cảm thấy không mặn mà với công việc cũ, môi trường cũ nên muốn có sự thay đổi.

Để đối phó với tình trạng biến động số lượng lao động sau Tết, nhiều doanh nghiệp chủ động giữ chân người lao động bằng nhiều chính sách đãi ngộ trong suốt năm đồng thời chăm lo chu đáo trong dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ xe đưa đón trước và sau kì nghỉ Tết kéo dài.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, những năm gần đây số lượng công nhân lao động nghỉ việc sau tết không còn diễn ra mạnh mẽ như trước.

Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chú trọng, quan tâm đến đời sống, có chế độ đãi ngộ tốt cho công nhân lao động. Năm 2018, tỷ lệ quay trở lại làm việc đúng quy định tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội đạt gần 100%.

Tình trạng thay đổi việc làm hàng năm là chuyện khó tránh khỏi nhưng nếu được sự quan tâm của doanh nghiệp, thì người lao động sẽ cảm thấy ấm lòng, gắn bó thực sự với công việc ngay cả khi khó khăn vất vả.

Anh Nguyễn Minh Trí ( công nhân khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Dịp tết Kỷ Hợi 2019, ngoài lương, thưởng và quà cho người lao động, công ty tôi còn bố trí xe đưa về quê và đón sau kỳ nghỉ Tết".

Việc mua vé tàu xe không chỉ khó khăn mà còn quá đắt đối với những người lao động có thu nhập thấp. Sự quan tâm chu đáo của của các doanh nghiệp sẽ tạo ra sự gắn bó lâu dài để người lao động yên tâm với công việc và nơi làm mà mình đã lựa chọn.

Theo các chuyên gia lao động, cơ chế quản lý và cách sử dụng người lao động hợp lý, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa các dịch vụ, phúc lợi xã hội, chăm lo thiết thực tới công nhân lao động là biện pháp lâu dài thu hút người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trong điều kiện khác nhau, có thể doanh nghiệp còn chưa đáp ứng hết nhu cầu cho công nhân thì người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp giữ vững ổn định sản xuất, có như vậy quan hệ sản xuất mới lâu bền.

Nguồn: anninhthudo.vn

Sưu tầm: Thanh Hùng – Tổ Kỹ Thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo