ĐI LÀM MÀ NHƯ ĐI ĐÁNH TRẬN, BÈ PHÁI KHẮP NƠI, PHẢI LÀM SAO ĐỂ SỐNG SÓT NƠI CÔNG SỞ?

 

Bạn có tin vào một tập thể các con người xa lạ đoàn kết, tình thương mến thương, xem nhau là một gia đình, cống hiến hết sức cho công việc, oà khóc khi thành công, động viên nhau khi thất bại?

Người ta nói làm sao để yêu đương là việc khó khăn muôn bề vì làm sao hai cá thể khác nhau hoàn toàn lại trở nên hoà hợp, yêu thương nhau, chịu đựng nhau được thì tôi tin rằng việc hàng chục con người ở môi trường công sở mà đoàn kết, gắn bó keo sơn như anh em một nhà là điều không thể. Mỗi người mỗi tính, mỗi hoàn cảnh xuất thân, mỗi điều kiện kinh tế gia đình, mỗi người đều có một miệng hai tai, mười người là mười miệng hai mươi tai và cứ thế nhân lên... Chúng ta có một cái "chợ" không hơn không kém. 9 người 10 ý, có thể dưới trướng của sếp sẽ tạm yên, không có sếp sẽ không khác gì một xã hội thu nhỏ với hàng tỷ câu chuyện trên trời dưới đất, đồn thổi, nói xấu, chuyện phiếm, lời ra tiếng vào... 

Bạn còn nhớ lúc học phổ thông chứ? Thông thường trong lớp sẽ có ba nhóm: Nhóm A, nhóm B, nhóm còn lại gọi là nhóm bàng quang với mọi thứ, không thuộc A, cũng chẳng thuộc B. Thế thì môi trường công sở cũng tương tự như vậy. Đầy rẫy những mưu kế, chia bè kéo phái để thỏa mãn cái tôi của bản thân, mang lại lợi ích nhóm, chẳng hề vì mục đích chung cho công ty tốt lên. Trước mặt nhau có thể là những nụ cười thân thiện, những lời đãi đưa ngọt ngào nhưng chỉ cần thiếu một ai đó trong cuộc vui thì người đó ngay lập tức được đem ra mổ xẻ, đem lên bàn cân đo đong đếm. Nên những chú cừu non vừa mới bước chân vào chốn văn phòng đừng dại mà vắng mặt bất cứ một buổi cà phê, hội họp nào. Và cũng đừng lấy gì ngạc nhiên khi chỉ mới hôm trước, hôm sau mà chị bàn bên có thể đổi ngay thái độ với mình. Âu đó cũng là cái lẽ thường tình của "chốn hậu cung công sở" mà thôi. 

Lý do phổ biến nhất mà chốn công sở lại sinh ra bè nhóm là gì? Một là nhóm ma cũ bắt nạt ma mới, hai là lòng đố kỵ. Lý do thứ hai chiếm đến 70%. Đố kỵ tại sao bạn lại hoàn thành hết công việc làm gì, định làm nhóm trưởng à? Đố kỵ tại sao bạn lại đi làm 10 ngày 10 bộ quần áo mới, định làm người mẫu à? Đố kỵ tại sao bạn hay được đi tiếp khách với sếp, có ý đồ gì hay sao? Và cả 1000 lý do khác, kể cả vô thưởng vô phạt, kể cả những lời đồn thổi thêu dệt từ trên trời rơi xuống. Không quan trọng, chỉ cần thấy "chướng tai, gai mắt" là đã có thể đố kỵ rồi.

Đối với lý do chiếm 30%, chuyên gia tâm lý Robert B. Cialdini từng nói rằng: “Khi bạn mới chân ướt chân ráo bước vào công ty, bạn cần chuẩn bị sẵn cho mình một tâm lý vững vàng để đối mặt với mọi tình huống có thể xảy ra". Đồng nghiệp hoàn toàn có thể chơi "tiểu xảo", "giấu nghề" bởi lẽ bạn đâu thể lấy bí kíp làm việc của họ trong ngày một ngày hai. Bạn muốn hoàn thành suôn sẻ công việc ư? Hãy tích cực mua trà bánh, mỹ phẩm, nước hoa, hăng hái làm hết những việc vặt trong văn phòng và đừng quên liên tục khen ngợi một chiếc áo mới, váy thêu thật đẹp của chị "ma cũ".

Có nhiều người còn chia sẻ, họ đã từng bị đồng nghiệp làm quen, kết bạn thân với cả gia đình họ rồi bỗng nhiên một ngày đẹp trời, người đồng nghiệp đó cứ đi kể tội xấu xa về bạn với người thân của bạn, họ thêu dệt 1000 câu chuyện không có thực, ví dụ bạn đi tiếp khách với sếp thì họ bảo thấy bạn có tình ý. Thậm chí họ còn mượn gió bẻ măng, kể những câu chuyện lấp lửng trên mạng xã hội chỉ để dìm bạn xuống. 

Vậy gọi nôm na, người đố kỵ sẽ thuộc nhóm A, người bị đố kỵ thuộc nhóm B, bạn cứ nghĩ bạn sẽ chẳng có việc gì phải gia nhập A hay B và bạn sẽ ở nhóm thứ 3 - vô cảm, vô tình với tất cả mọi thứ? Bạn đi làm chứ chẳng phải đi đánh trận. Bạn đã đủ mệt mỏi với deadline công việc rồi không có thời gian để suy nghĩ thêm mưu kế nọ kia. Bạn đủ đau đầu với những đòi hỏi của khách hàng rồi chẳng thể nào nghĩ ra được mưu kế gì cả? Xin chúc mừng, không chóng thì chầy, bạn cũng sẽ bị tẩy chay và mặc nhiên bị lôi vào nhóm B thôi, nhóm A sẽ nghĩ ra cả 1001 cách để nói xấu bạn. 

Vậy thì làm thế nào để vượt ra được khỏi mớ bòng bong chốn công sở ấy? Đừng trách tại sao những con tắc kè hoa lại sống rất bền. Chẳng ai khuyên bạn là kẻ hai mặt, lúc thì đi lấy lòng nhóm A, lúc thì đi thương hại nhóm B để cân bằng 2 bên. Vì bạn chẳng thể nào đủ sức lực và thời gian để làm việc đấy đâu. 

Hãy đóng vai là một kẻ trung lập, làm tròn công việc ở công ty và nghĩ về lợi ích chung của tổ chức. Đừng gieo rắc "khẩu nghiệp" hay thêu dệt bất cứ điều gì về ai vì sẽ đến một ngày bạn phải trả giá bằng hàng tá câu chuyện đồn thổi không hiểu từ đâu ra về mình thôi. Không bao giờ được tỏ vẻ vô công rỗi nghề, bất tài để bị lôi kéo vào những câu chuyện đàm tếu không có điểm dừng. Cũng đừng có tham vọng quá mà dùng mưu hèn kế bẩn đi cướp công người khác. Chỉ cần thể hiện bản lĩnh và sự tròn vai ở năng lực làm việc để tạo lòng tin cho sếp và đồng nghiệp, khẳng định vai trò quan trọng ở công ty, để không ai có thể kiếm một cái cớ hoặc bắt được "gót chân asin" của mình. Quan trọng nhất là tập cách chấp nhận ở môi trường nào cũng có cá to, cá bé, cá dở hơi, cá thông minh, chỗ nước đục, chỗ nước trong, và bản thân phải thật tỉnh táo không để bị cuốn vào những chuyện bên lề tiêu cực không liên quan đển công việc của mình. 

Thỉnh thoảng nhiều người vẫn đùa rằng đi làm mà cứ như đi đánh trận, hết bè phái này đến nhóm kia, căng thẳng thủ thế để không bị tấn công. Thế nhưng chỉ cần bản lĩnh, bình tĩnh và biết quan sát, bạn sẽ có thể tìm được bình an và làm thật tốt công việc của mình ở chốn công sở.

 

Nguồn: bestie.vn

Sưu tầm: Mộng Vi – P. Kế toán

 

zalo

Đặt hàng online

zalo