Doanh nhân nói: Suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn vượt qua khủng hoảng

 

Để tránh bị cuốn theo vòng xoáy khủng hoảng, chúng ta cần kiểm soát tốt cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, xung quanh chúng ta bao trùm tâm lý hoang mang, sợ hãi và lo lắng. Có nhiều vấn đề bất thường, bao gồm: chính sách phong tỏa, kiểm soát của nhà nước, hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải, nhiều bạn bè, người thân mắc bệnh.

Để tránh bị cuốn theo vòng xoáy khủng hoảng, chúng ta cần kiểm soát tốt cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Trong bài viết trên Entrepreneur, nữ doanh nhân Joni Fedders cho rằng đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại việc kiểm soát suy nghĩ của chính mình, từ đó điều chỉnh cảm xúc và hành động theo chiều hướng tích cực.

Phản ứng của con người trước những vấn đề trong xã hội đã được tâm lý học nghiên cứu từ lâu. Một trình tự điển hình bao gồm các bước sau:

1. Trải nghiệm cuộc sống xung quanh. Nhiều thứ xảy ra, chính quyền yêu cầu không được ra khỏi nhà, con bạn bị bệnh hoặc bạn bị mất việc làm. Những sự kiện này tồn tại khách quan, nằm ngoài khả năng kiểm soát. Mọi thứ chỉ ở mức bạn đánh giá vấn đề tích cực hoặc tiêu cực.

2. Nảy sinh suy nghĩ. Sau khi nhận thấy những gì đang diễn ra ở môi trường bên ngoài, bạn sẽ suy nghĩ về tác động của nó đối với bản thân mình. Ví dụ, sau khi dịch bệnh bùng phát, bạn tự nhủ: Việc kinh doanh của tôi đang trong tình trạng hỗn loạn.

3. Suy nghĩ tạo ra cảm xúc. Nếu bạn nghĩ rằng công việc kinh doanh đang ở trong tình trạng bất ổn, bạn sẽ có cảm xúc tương ứng, đưa đến tâm lý lo lắng, thất vọng và hoảng loạn.

4. Cảm xúc dẫn đến hành động. Bạn đáp lại cảm xúc của mình bằng cách hành động, phản ứng lại hoặc không làm gì cả. Bạn có thể vội vã sa thải nhân viên mà không nghĩ đến hậu quả, hoặc từ chối thực hiện các thay đổi phù hợp, thụ động chịu đựng hoàn cảnh.

5. Hành động định hình cuộc sống. Những gì bạn làm và không làm trong thời điểm xảy ra khủng hoảng sẽ định hình tương lai của bạn, tất cả đều xuất phát từ suy nghĩ, cảm xúc ban đầu khi đối mặt với vấn đề.

Khi nhìn nhận với góc độ này, có thể thấy hầu hết giai đoạn trong quá trình kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, hành động đều nằm trong khả năng tư duy. Tuy nhiên, chúng ta lại không thể tác động đến các sự kiện khách quan, mà chỉ phản ứng sau khi nó đã xảy ra.

Phản ứng đầu tiên của bạn khi gặp tình trạng khủng hoảng có thể là: “Tôi không thể làm việc ở nhà, vừa làm cha mẹ vừa là giáo viên, quản lý việc kinh doanh; công việc chỉ hiệu quả khi mọi thứ bình thường trở lại”.

Nhưng nếu bạn dành thời gian để chú ý đến những suy nghĩ đó và tìm cách thay đổi theo chiều hướng khác thì sao?

Theo nguyên tắc chung, suy nghĩ mới không thể hoàn toàn đối lập với suy nghĩ ban đầu. Bạn không thể lừa dối não bộ của mình bằng câu nói “Chuyện này vui ghê, tôi thích tình trạng hỗn loạn”. Thay vào đó, chúng ta có thể thực hiện những thay đổi nhỏ, hướng tới trạng thái tâm trí cân bằng hơn với những suy nghĩ như:

- Tất cả những gì cần làm là vượt qua ngày hôm nay.

- Đây là việc khó khăn, nhưng tôi đã trụ vững thêm một ngày nữa.

- Tôi đang làm tốt nhất có thể.

Với sự thay đổi trong suy nghĩ và cảm xúc, chúng ta sẽ có hành động tích cực, từ đó đưa đến kết quả tốt hơn. Thay vì mang cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể chấp nhận, hài lòng hoặc hy vọng.

Điều đó đồng thời mang đến nguồn năng lượng mới, giúp chúng ta có động lực để chủ động trong công việc, cảm thấy mạnh mẽ và kiểm soát tốt hơn so với trước đây.

Cách kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ này không chỉ hữu ích trong hoàn cảnh hiện tại, mà còn có thể áp dụng cho mọi tình huống xấu khác như: vừa mất một khách hàng lớn, trải qua một năm hoạt động thua lỗ hoặc các tình huống không lường trước được trong quá trình kinh doanh và cộng sống riêng tư của bạn.

Trong tương lai, nếu có lúc nào đó, cảm giác như tất cả xung quanh bạn bỗng dưng sụp đổ, hãy dành một chút thời gian để trấn tĩnh lại. Cố gắng tách thực tế khỏi những thứ viễn vông, từ đó bạn nhìn nhận rõ hơn hoàn cảnh của mình, thay đổi suy nghĩ, kiểm soát cảm xúc, hành động tích cực và nhận được kết quả có lợi.

Rất khó loại bỏ hoàn toàn những vấn đề tiêu cực xảy ra trong cuộc sống của bạn. Thay vào đó, hãy thừa nhận sự tồn tại của chúng, chung sống với tư duy tích cực, làm việc hiệu quả để vượt qua các vấn đề gặp phải. Từ đó tiến đến tương lai bằng tâm thế tự tin, mạnh mẽ.

 

Nguồn: dantri.com.vn

Sưu tầm: Thanh Hùng – Tổ Kỹ thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo