Giá trị của sự tôn trọng

 

Trong cuộc sống chúng ta thường nhắc đến cụm từ “tôn trọng” khá nhiều lần. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi người cũng đã được giáo dục về việc phải tôn trọng người khác. Vậy tôn trọng là gì, điều đó có thực sự cần thiết trong cuộc sống hay không? Tôn trọng theo định nghĩa "Là sự đánh giá đúng mực và coi trọng danh dự, phẩm giá, lợi ích của người khác. Thông qua sự tôn trọng, mỗi người sẽ thể hiện lối sống văn hóa riêng của mình".  

Tôn trọng vì thế cũng có thể hiểu là trạng thái thể hiện lối sống và văn hóa của mỗi người trong cộng đồng. Đồng thời đó cũng là sợi dây kết nối, tạo mối quan hệ gắn kết, chân thành và tốt đẹp giữa con người với con người.

Khi bạn cho đi điều gì thì cũng sẽ nhận lại được những thứ tương tự sự tôn trọng cũng vậy. Chỉ khi dành cho người khác những điều tốt đẹp, cư xử tử tế thì mới nhận lại điều tương ứng. Mỗi hành vi, cử chỉ, cách đối nhân xử thế hằng ngày đều có thể đánh giá được con người mỗi chúng ta. Vì vậy, mỗi người cần hoàn thiện bản thân và thể hiện sự tôn trọng với tất cả mọi người qua những điều nhỏ nhất.

 

BIỂU HIỆN CỦA SỰ TÔN TRỌNG TRONG CUỘC SỐNG HIỆN NAY

Có rất nhiều cách để chúng ta có thể biểu hiện sự tôn trọng đối với những người xung quanh. Đôi khi điều này được thể hiện qua những điều nhỏ nhặt đến không ngờ. Những dấu hiệu rất bình thường trong cuộc sống cho thấy bạn và người khác đang được tôn trọng, bạn có thể dễ dàng bắt gặp, đó có thể là:

THỂ HIỆN SỰ TỬ TẾ VÀ NHÃ NHẶN ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC

Bằng cách cư xử với mọi người như những gì mà bạn muốn nhận lại được. Bạn đã thể hiện biểu hiện đầu tiên của sự tôn trọng trong cuộc sống. Khi biết quan tâm đến cảm nhận của đối phương thì bản thân sẽ tự biết cách điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp nhất. Đôi khi chỉ những hành động nhỏ cũng khiến người khác ấm lòng và nhận rằng họ được bạn coi trọng. Đây là điều mấu chốt để gắn kết con người với con người và tạo ra xã hội tốt đẹp hơn. Hay là,

CƯ XỬ PHẢI PHÉP VỚI MỌI NGƯỜI

Ngay từ khi còn nhỏ chúng ta đã được dạy về việc cư xử lễ độ với tất cả mọi người. Đó không chỉ là ông bà cha mẹ mà còn là những người không thân thích ngoài xã hội. Thông qua những hành vi, cử chỉ, lời ăn tiếng nói mà có thể đánh giá được bạn có đang tôn trọng người khác và chính bản thân mình hay không. Luôn lễ độ và có chừng mực ở tất cả mọi nơi. Khi đi học, khi đi làm, khi tham gia giao thông, khi ra ngoài gặp gỡ bạn bè, trong bữa ăn,… Tất cả sẽ khiến bạn ghi điểm trong mắt mọi người và luôn được đánh giá cao về thái độ, kỹ năng. Tôn trọng cũng thể hiện bằng cách,

KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

Tất cả mọi người đều đáng nhận được sự tôn trọng, chỉ cần họ là người có ích, không làm điều xấu xa. Cho dù đối phương làm công việc bình thường hay cao cấp, cho dù là người thân hay lạ, tất cả đều nên được đối xử với thái độ như nhau.

Hãy cảm ơn khi người phục vụ bê nước hay đồ ăn đến cho bạn. Hãy để rác vào thùng chứ đừng ném toẹt trước mặt cô chú lao công. Hãy cúi đầu khi người khác nhường đường cho bạn…. Những điều tưởng như đơn giản đó sẽ khiến đối phương vui vẻ, cảm thấy được trân trọng và cũng dành cho bạn sự đối đãi tương tự. Tôn trọng cũng có nghĩa là,

KHÔNG LẤY KHUYẾT ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC LÀM NIỀM VUI

Con người luôn có khuyết điểm và không bất cứ ai hoàn hảo. Và thật ích kỷ, xấu xa nếu bạn mang điểm yếu của người khác ra để chế giễu, mua vui. Đây không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng mà còn bộc lộ bạn là người xấu tính, không biết cách cư xử phải phép. Bạn nghĩ sao nếu một ngày nào đó, chính bạn cũng sẽ bị cười nhạo vì những khuyết điểm của mình. Đến lúc đó bạn sẽ hiểu được cảm giác như thế nào là không được tôn trọng. Vì thế, hãy biết chấp nhận những điều không hoàn hảo của người khác cũng như chấp nhận chính bản thân mình. Thể hiện sự tôn trọng cũng là,

TÔN TRỌNG THÓI QUEN VÀ VĂN HÓA CỦA MỌI NGƯỜI

Mỗi người trong tập thể có những thói quen và lối sống khác nhau. Chỉ cần không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung thì tất cả đều đáng được tôn trọng và chấp nhận. Việc bài xích thói quen và văn hóa nghiêm trọng tương tự như nạn phân biệt chủng tộc, sẽ để lại rất nhiều hệ quả khôn lường. Có tôn trọng những đặc tính riêng của nhau thì mới tạo nên được sợi dây liên kết. Từ đó con người mới thuận hòa, xã hội bền vững và ngày càng phát triển. Bạn sẽ luôn nhận được sự tôn trọng nếu,

LẮNG NGHE Ý KIẾN CỦA NGƯỜI KHÁC

Được lắng nghe và bày tỏ ý kiến là một trong những nhu cầu của con người. Đây cũng là cách những thành viên khác bày tỏ sự tôn trọng đối với đối phương. Chắc hẳn đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những trường hợp cha mẹ gạt bỏ ý kiến của con cái, bắt ép con phải theo ý của mình. Đây cũng là một trong những biểu hiện của sự thiếu tôn trọng.
Biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác không chỉ thể hiện sự hiểu biết, để cao đối phương và cả bản thân mình. Có như vậy con người mới có thể sống với nhau dễ dàng, hài hòa và tốt đẹp. Vậy,

 

GIÁ TRỊ TÔN TRỌNG Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC CHU VĂN AN ĐƯỢC THỂ HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Chúng ta đều hiểu tôn trọng là đức tính tốt thể hiện ở sự nhã nhặn, tử tế, cư xử phải phép, không phân biệt đối xử.
Rằng mỗi cá nhân là một thực thể duy nhất, có quan điểm, và chính kiến riêng của chính mình. Trong hoạt động dạy học thầy cô tôn trọng mỗi học sinh, coi mỗi học sinh là đặc biệt và duy nhất, tránh tất cả sự so sánh giữa học sinh với nhau.

Một câu hỏi được đặt ra, vậy điểm số của học sinh thể hiện điều gì? Điểm số chỉ thể hiện được học sinh đó có tiến bộ so với chính mình hay không mà thôi, cũng có thể hiểu điểm số là những cột mốc, hay điểm nhận biết cho giáo viên và nhà trường biết được việc dạy học của mình có đi đúng hướng hay không mà thôi.

 

SỰ TÔN TRỌNG ĐƯỢC THỂ HIỆN THẾ NÀO TRONG TẬP THỂ CÁN BỘ GIÁO VIÊN CHU VĂN AN?

Đối với đội ngũ nhân viên và giáo viên, giá trị tôn trọng luôn được thể hiện ở niềm tin, luôn tin tưởng mỗi cán bộ giáo viên đều là người tốt. Cũng thể hiện ở việc trao quyền cho mỗi cá nhân. Từ phía cán bộ quản lý, đã bỏ việc chấm vân tay theo dõi giờ giấc, trao quyền trong công việc, thực hiện các nguyên tắc "không đổ lỗi". Điểm thi, điểm kiểm tra chỉ có giáo viên lớp đó biết và coi đó là các marker, dữ liệu trợ giúp cho mỗi giáo viên trong công tác chuyên môn...

 

TỪ BỎ TƯ DUY CŨ, HƯỚNG ĐẾN SỰ TÔN TRỌNG TỪNG CÁ NHÂN LÀ MỘT QUÁ TRÌNH

Nếp nghĩ, nếp sinh hoạt và làm việc không thể thay đổi được trong thời gian ngắn. Để thực hiện được giá trị "Tôn trọng" trong môi trường Chu Văn An thực sự là một quá trình cố gắng rất lớn, trước hết, làm gương đến từ phía những người làm quản lý. Cái khó nhất là cởi bỏ tư duy cũ, tư duy so sánh con người dựa vào điểm số, dựa vào học vấn, bằng cấp.... Cán bộ giáo viên trong trường luôn được chia sẻ các giá trị của trường, được cởi mở trao đổi trên một nền văn hóa "không đổ lỗi, không phán xét", được khuyến khích nêu ra những điểm chưa hài lòng và nêu ra ý kiến cải thiện nó. Tuy các hành động trong giai đoạn "chuyển đổi" này tại Chu Văn An chưa chứng tỏ được nhiều nhưng đã thể hiện quyết tâm thực hiện giá trị "Tôn trọng" trong từng lời nói và hành động.

"Chỉ khi nào chúng ta nhận thức đầy đủ về 'Tôn trọng' thì chính chúng ta và học sinh của mình mới thực sự 'hạnh phúc" - cô Nguyễn Thị Vân Trang Hiệu trưởng Nhà trường.

 

Nguồn: tieuhocchuvananhanoi.edu.vn

Sưu tầm: Hồng Phúc – P. Kế Toán

zalo

Đặt hàng online

zalo