Hầu hết các nguồn nước bề mặt tại TP.HCM đã bị ô nhiễm

Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu cứ đối xử với các tài nguyên nước như hiện nay, đến năm 2030 – 2035, TP.HCM sẽ cạn kiệt các nguồn nước.


Nước ngọt tại TP.HCM không thiếu nhưng tính khả dụng không cao: Hễ mưa thì ngập và Thành phố tìm mọi cách để đẩy lượng nước này ra biển, trong khi đó nguồn nước ngầm đang sụt giảm và nắng thì khô hạn.

Tiết kiệm, bảo vệ và bổ sung nguồn nước đang là vấn đề cấp thiết được các nhà khoa học đặt ra tại hội thảo “Nước cho phát triển đô thị” được tổ chức tại TP.HCM ngày 21/3.


Mặt đất bị sụt lún do khai thác nước ngầm (Ảnh: Ngọc Ánh)

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM cho biết, hầu hết các nguồn nước bề mặt tại TP.HCM đã bị ô nhiễm, vượt chuẩn loại B từ 5 – 10 lần trong khi nước ngầm thì đang giảm cả về chất lượng lẫn số lượng. Vòng tuần hoàn tự nhiên của nước đang mất cân đối.

Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước – Sở TN –MT TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng trên 257.000 giếng khai thác nước ngầm, chủ yếu là giếng trong hộ dân và các tổ chức khai thác quy mô nhỏ. Lưu lượng nước khai thác ở mức 607.000 m3/ngày tuy còn nằm trong khả năng cho phép, nhưng do sự khai thác tập trung với lưu lượng lớn ở phía Tây Nam thành phố đã dẫn đến nhiều hệ lụy như suy kiệt về trữ lượng lẫn chất lượng, hạ thấp mặt đất kéo theo sự ngập úng, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Sở TN-MT TP.HCM thừa nhận, hiện nay chưa nắm được đầy đủ các công trình khai thác nước ngầm và chất lượng nước đang sử dụng của người dân khai thác; việc thăm dò, hành nghề khoan, khai thác không có giấy phép còn tràn lan. Do đó, từ sau năm 2020, nước ngầm chỉ được khai thác ở ba quận: 12, 9, Thủ Đức cùng hai huyện Hóc Môn và Củ Chi.

Theo TS Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường – Tài nguyên (IER thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), hiện nay chúng ta đang sử dụng nước quá phung phí, nước máy dùng cả cho việc rửa xe, tưới cây. Do đó, giá bán nước nên ở mức hợp lý, tránh bao cấp để người dân có ý thức tiết kiệm nước hơn. Ở các nước giàu có như Mỹ, Tây Âu họ đều trữ nước mưa để dùng cho các nhu cầu này.

Tại TP.HCM, chỉ cần mỗi hộ dân có hồ chứa khoảng 2 m3nước để dùng cho những nhu cầu không cần nước sạch lắm cũng đủ để giảm ngập cho thành phố. Trong nông nghiệp, áp dụng cách tưới nhỏ giọt, dùng bao ni -lông phủ bề mặt chống bốc hơi nước là những giải pháp hết sức đơn giản để có thể tiết kiệm nước.

Ở tầm quản lý nhà nước, cần có chế tài để giảm bê tông hóa bề mặt để thấm nước, trồng cây ở các hoa viên nên chọn những cây chịu hạn và đối với những tòa nhà lớn buộc phải xây dựng công trình chứa và sử dụng nước mưa.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Việt Kỳ - Trưởng khoa Địa chất – Dầu khí (ĐH Bách Khoa TP.HCM) đã đưa ra giải pháp mang tính đột phá: “bổ sung nhân tạo nước dưới đất bằng nước mưa”.

Qua phân tích, chất lượng nước mưa được thu gom trên mái nhà hoàn toàn đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Y tế, nước mưa chảy tràn tuy “bẩn” hơn nhưng còn sạch hơn nước sông. Do đó, nguồn nước này sẽ được thu gom để phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt của người dân và bổ sung nhân tạo các tầng nước ngầm.

Qua nghiên cứu, việc bổ sung nguồn nước ngầm bằng nhân tạo có thể bằng trữ lượng nước mà chúng ta đang xâm hại.

 

Nguồn: khoahoc.tv

Sưu tầm: Thanh Tuấn - IT

zalo

Đặt hàng online

zalo