Khi người ta mắc lỗi

 

Minh họa: ĐỖ THÚY HẰNG

Trong sinh hoạt thường nhật của bất cứ một xã hội nào, ở bất cứ một thời đoạn lịch sử nào, việc con người ta loay hoay mắc lỗi với nhau luôn là chuyện đương nhiên. Hoặc do sơ suất vô ý thô bạo, hoặc do chủ quan ngông nghênh ý thức kém, rất dễ dẫn đến những va chạm không đáng có. Nhưng theo thống kê của các cơ quan pháp luật, những lỗi tưởng như nhỏ nhoi đời thường lại chính là một trong các lý do lớn dẫn tới trọng án, thuật ngữ chuyên ngành gọi là “tội phạm do nguyên nhân xã hội”. Sự “cả giận mất khôn” đẫm đầy tính bản năng này, thường xảy ra khi mỗi cá nhân thiếu hụt văn hóa, đặc biệt là sự vắng thiếu một nền tảng đạo đức. Bởi đơn giản, cho dù là nặng nề “va chạm”, nhưng biết cách ứn

Chính vì thế mà trong giáo lý của một vài tôn giáo lớn, nhất là Phật giáo, chủ đề về những vấp ngã đạo đức ở từng người, thường biểu hiện qua khái niệm tội hay lỗi, luôn được quan tâm. Nhờ sự chân thành vất vả sám hối (sám là ăn năn lỗi trước, hối là chừa bỏ lỗi sau), được trời thương đất thứ, những người trót sa ngã sẽ suýt soát lại quay trở về gần trong trắng. Cũng vì lẽ đó, trên một tinh thần thương yêu đẫm đầy bao dung vị tha hỷ xả từ bi, hầu hết các tôn giáo lớn đều tạm chia sự “vấp ngã” ra thành nhiều mức độ. Có thể đấy mới chỉ là mong manh “lạc”, là non nớt “lầm”, nặng hơn sẽ là chủ quan “lỗi” còn hơn nữa mới là “tội”. Và ngay cả vấn đề “tội” cũng phân thành những lẽ trọng khinh. Và tùy theo mức phạm nặng nhẹ, từng người sẽ tự kiếm những hình thức sám hối tương hợp. Việc can thiệp của công lý pháp luật, chỉ là biện pháp bất đắc dĩ sau cùng. Thành ngữ ở ta cũng bảo “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Đâu phải ngẫu nhiên mà trong suốt những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của người Việt, chúng ta luôn gìn giữ một truyền thống khoan dung với những người đã từng trót mắc lỗi lầm. Và ngay trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp rồi chống Mỹ mới đây thôi, Đảng ta cũng luôn coi truyền thống nhân văn này là một sợi chỉ đỏ. Có lẽ nhờ phong khí đó, những tội phạm mang xuất xứ từ nguyên nhân xã hội, hầu như vắng mặt những người từng kinh qua hai cuộc chiến đã kể.

Vậy mà không hiểu sao ở những ngày hôm nay, cuộc sống đã bình hòa, bớt khắc nghiệt hơn rất nhiều, tinh thần khoan dung với lầm lỗi người khác ở một bộ phận không nhỏ của người dân chợt sa sút tới mức “bỗng dưng muốn khóc”. Nhan nhản trên các phương tiện truyền thông là những hình ảnh bạo lực bởi nhiều lý do lãng xẹt. Một đôi tình nhân đẹp như mơ đi xe tay ga, mải nói yêu nhau vô thức mấp mé đi vào đường ngược chiều. Một cặp vợ chồng com lê áo dài đèo đứa bé gái chừng bảy tuổi, chợt đột ngột không xi nhan quay xe. “Sầm”. Thế là nặng lời, thế là xô xát, thế là hơn cả cãi nhau. Phố phường đang thanh sạch nhờ những trận mưa chuyển hạ, chợt ngập đầy những man dại la hét chanh chua bắt đền mặc cả. Con bé con bảy tuổi kia sẽ không bao giờ nghĩ là bố mẹ mình lại tàn nhẫn đến thế. Và cô thiếu nữ đang trong trắng yêu kia, cũng sẽ không ngờ người yêu của mình nói được hai ngoại ngữ mà lại nhỏ nhen bần tiện đến thế. Thậm chí ở một vài trường hợp cá biệt, chính cô ta cũng nhảy choi choi tham gia. Do văn hóa chăng, do nhịp sống gấp gáp đương đại chăng. Chỉ biết, thiếu nữ xinh như mộng thoắt trở thành đanh đá hung hãn yêu tinh. Trung niên cao đạo bỗng dung tục cục cằn văng bậy. Động khẩu chán thì đương nhiên bốc hỏa thành động thủ. Chẳng một ai lại tự dưng khoan hòa bình tĩnh chịu nhận mình là sai, cho dù cái sai đó thật vớ vẩn. Từ “cái sẩy nẩy cái ung”, một cái ung rất dễ làm hỏng tình yêu, tình cha con, tình chồng vợ, tình hàng xóm láng giềng.

Sâu xa trong tâm thức của nhiều người quen sống trong môi trường cạnh tranh đô thị, thường hầu hết không muốn nhận lỗi về mình chứ đừng nói gì tới việc nhận tội. Cứ nhìn những cặp vợ chồng ở phố đang sắp sửa ly hôn hay đám người tình thị dân một thời say đắm yêu nhau đang chuẩn bị chia tay thì thấy. Hầu như ai nấy đều rạo rực chính khí, mồm năm miệng mười đổ lỗi cho người khác. Hình như càng đổ được nhiều lỗi cho người khác, người ta càng thấy tội của mình nhẹ đi. Phẩm chất này tồn tại một cách đặc biệt điển hình ở những quý ông có chút tiền có chút thế trót vào vai cao thượng cao quý. Lúc bị rơi mặt nạ, thường câu cửa mồm ở bọn họ là “thế các người cứ tưởng tôi ngu lắm à. Tôi không xin lỗi đấy”. Vâng, thưa quý ông. Chẳng ai tưởng ông ngu cả, mà chỉ cay đắng xót xa nghĩ, tại sao ông lại khôn ngoan đến vậy.

Văn hóa xin lỗi ở ta gần đây được tràn lan tranh luận trên mọi diễn đàn, nhất là trên facebook. Người nghiêm khắc đứng đắn cho là chưa có, người tử tế phóng khoáng lại cho là quá nhiều. Bởi rất đông đại gia nam thị dân lẫn lộn cả quan chức bây giờ thường hay nhầm “tội” với “lỗi”. Khi nhỡ dẫm phải chân người mẫu hay khẽ chạm vào vòng một của hoa hậu, bọn họ thường nức nở gào “mong quý bà quý cô tha tội”. Còn khi lừa tình làm tan đời một thiếu nữ mới lớn, bọn họ chỉ sụt sịt thốt “ai em so di”. Bọn họ ‘hậu hiện đại” quan niệm, một phép lịch sự xin lỗi cũng ngang như một nghi lễ tạ tội. Có lẽ vì thế khi nhỡ phải ra tòa vì tham nhũng hay vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, thì bao giờ bọn họ cũng thút thít xin người thân tha lỗi. Có người nhớ được dai hơn thì sẽ xin lỗi đồng nghiệp, thậm chí cả dân phố khu đó. Bọn họ hầu như không biết sám hối, dung tục trâng tráo biến cái tội thật to thành những lỗi vô cùng nhỏ.

Trong văn bia “Thái phó Trương thăng phủ mộ bi” của nhà Nho yêu nước người Việt đạo đức cao là Vũ Phạm Khải (1807-1872) có mở đầu bằng một câu “Ôi, quân tử luận về con người không phải ở chỗ họ không có lỗi mà ở chỗ họ có lỗi”. Đã sống là người, cho dù tử tế đến mấy cũng đều sơ suất mắc lỗi. Chỉ có điều, khi lỗi đã tha hóa thành tội thì xin đừng nhẹ nhàng nói “I’m sorry”.

Phải chăng, phần lớn những tội phạm do nguyên nhân xã hội, đa phần đều đến từ các thói quen đạo đức giả.

 

Nguồn: nhandan.com.vn

Sưu tầm: Mai Phương - BPSX

zalo

Đặt hàng online

zalo