NGHỆ THUẬT NÓI “XIN LỖI” GIÚP BẠN ĐẸP HƠN TRONG MẮT MỌI NGƯỜI

 

Xin lỗi là hành động tự nhận khuyết điểm, sai sót của bản thân. Lời xin lỗi còn là sự đồng cảm, sẻ chia với người ta đã làm tổn thương, là lời nói bù đắp tinh thần, hóa giải cảm xúc tiêu cực. Văn hóa xin lỗi là một vẻ đẹp đáng quý trong giao tiếp giữa con người với con người. 

 1. Tại sao nói lời "Xin lỗi" lại khó đến vậy

Mẹ tôi thường nói rằng, một người biết nhận lỗi là một người vô cùng dũng cảm. Bởi thừa nhận lỗi lầm luôn là kẻ thù với cái tôi của bản thân. 

Chúng ta luôn gặp khó khăn trong việc nói xin lỗi, không chỉ là với người trẻ mà thậm chí cả người đã trưởng thành đôi khi cũng lúng túng. Lời xin lỗi thốt ra thật đơn giản khi bạn vô tình đụng phải ai đó trên đường, bạn làm rơi món đồ của đồng nghiệp kế bên, bạn gọi nhầm tên của một người bạn,... Bạn sẽ xin lỗi một cách rất nhanh chóng không chút suy nghĩ, bạn hiểu rõ đó là lỗi của mình, tuy nhiên hãy thử tưởng tượng vẫn là lỗi của bạn nhưng lại ở trong tình huống hai người đang tranh luận gay gắt, liệu bạn có đắn đo khi nói xin lỗi?

Thông thường lời xin lỗi khi bạn đụng phải người khác rất dễ dàng để nói bởi nó cũng rất dễ chấp nhận, người bị bạn va phải có thể rất đau nhưng vì câu xin lỗi đó cũng sẽ nguôi ngoai và đáp lại “Tôi không sao đâu”. Nhưng khi đem “Tôi xin lỗi” như một lời bù đắp cho những hành động gây tổn thương cho người khác thì thật là khó mở lời. Có một lần nọ, khi ấy tôi mới chỉ 16 tuổi, tôi rất thẳng tính và không khéo léo một chút nào. Khi được một anh khối trên theo đuổi, tôi cũng rất vui, tuy nhiên tôi không thích anh ấy nên luôn từ chối thẳng thừng và chặn mọi cơ hội để anh được tiếp cận mình. Tôi vẫn nhớ rõ một câu hôm ấy tôi nói với anh: “Anh không bận học để thi à? Em đâu có thích anh!”. Ngay cả khi nói câu này, tôi biết mình thật tồi nhưng đã quá muộn để rút lại lời đã nói. Lúc ấy tôi muốn nói xin lỗi và giải thích rằng ý của tôi không phải như vậy, tôi chỉ muốn tôi và anh ấy là bạn bè, anh ấy cần tập trung cho tương lai của bản thân. Cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa một lần gặp lại, hình ảnh cuối cùng mà tôi nhớ về anh là dáng vẻ vô cùng thất vọng, tôi có thể cảm nhận được nỗi buồn ấy đau đớn như thế nào nhưng tôi vẫn nhất quyết không xin lỗi, không nói thêm điều gì, chỉ kết thúc mối quan hệ một cách nhanh chóng. Tôi biết anh ấy đã khóc và thực sự sau nhiều năm, tôi vẫn nghĩ về chuyện ấy rồi hối hận, mắng mỏ bản thân rất nhiều. Một lần khác nữa, mẹ tôi là người chuẩn bị cơm trưa cho tôi mang đi làm hàng ngày, nhưng vì sáng hôm ấy mẹ tôi có việc phải ra ngoài từ sớm nên chỉ nấu đồ ăn sẵn và chưa cho vào hộp cơm. Chỉ mỗi điều ấy mà tôi giận dỗi đùng đùng, không thèm mang đồ ăn theo. Kết quả đến tối về thì tất cả đồ ăn đã hỏng và phải vứt sạch đi. Mẹ đã mắng tôi thậm tệ vì bỏ phí đồ ăn và công sức của mẹ. Ấy vậy mà tôi không những cảm thấy có lỗi mà còn to tiếng đáp trả mẹ.

Đấy là lần đầu tiên và duy nhất tôi to tiếng với mẹ như vậy, nghĩ đi nghĩ lại chẳng thấy bản thân mình đúng chỗ nào nhưng vẫn cố chấp chẳng nói một câu xin lỗi nào với mẹ. Bởi cái tôi quá to lớn, bởi thể diện của bản thân mà tôi chấp nhận để những người xung quanh mình phải chịu đựng cảm xúc tiêu cực ấy. Hay có nhiều tình huống quen thuộc hơn, rất nhiều bậc phụ huynh khi dạy con học, họ có những sơ xuất và nhầm lẫn dẫn đến giảng sai bài cho con. Nhưng khi đứa trẻ phát hiện ra và vặn vẹo lại, thì có mấy ai dám nói “Bố/mẹ xin lỗi, để bố/mẹ rút kinh nghiệm”, hay chỉ lấy một lí do khác bao biện và đánh lạc hướng con sang một bài khác. Dần dần những đứa trẻ ấy cũng học theo cách bố/mẹ chúng từng làm, nhất quyết không chịu thừa nhận lỗi của mình và nỗi sợ phải chịu trách nhiệm khiến chúng muốn tránh né sự thật là “Mình đã sai”.

“Con người vốn có tính phòng ngự cố hữu rất khó sửa đổi. Để tự bản thân trực tiếp chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình, thực sự là khó khăn”, đây là một câu trích dẫn miêu tả chính xác tôi, những con người cố chấp, tiết kiệm “xin lỗi”. Và tôi ở đây, để “xin lỗi” bản thân, vì đã không có dũng khí nói câu ấy. Tựa như “Tôi cảm ơn”, tôi tập nói “Tôi xin lỗi”.

 2. Học cách "Xin lỗi" như thế nào

Nói lời “xin lỗi” như một thử thách trong cuộc sống, đặc biệt là khi bạn cho rằng mình đúng, bạn bị hiểu lầm, tuyệt nhiên suy nghĩ ấy rất khó xê dịch. Một lời “xin lỗi” mang sứ mệnh bù đắp, mưu cầu sự tha thứ khi nó được đáp ứng bởi hai yếu tố chân thành và trách nhiệm. Một lời xin lỗi theo sau đó là “nhưng mà…” thì điều ấy chứng tỏ bạn vẫn chưa hoàn toàn thừa nhận trách nhiệm. Nếu bạn chỉ nói “Tôi xin lỗi” và để đó, thì đối phương sẽ chẳng cảm nhận được chút thành ý nào từ bạn. Bạn phải thể hiện sự hối hận và trách nhiệm với hành động của mình, hiểu rằng mình đã làm tổn thương người ấy thế nào.

Một lời xin lỗi không thành khẩn có nguy cơ tàn phá các mối quan hệ xung quanh bạn. Tôi từng đọc nhiều bài viết trên mạng xã hội, họ tranh luận về việc một anh chàng luôn xin lỗi người yêu bất kể là ai đúng ai sai. Có người cho rằng anh ta làm vậy là nhu nhược, sợ mất người yêu, nếu cứ xin lỗi vậy rồi sẽ có ngày cô ấy được đà làm tới. Ngược lại, có những người cho rằng anh ta thật biết nhường nhịn bạn gái. Theo tôi, trong tình yêu vốn đã chẳng có ai đúng mà cũng chẳng có ai sai. Phần lớn các cặp đôi yêu nhau đều gặp phải những bất đồng trong quan điểm, căng thẳng nhất là dẫn tới chia tay. Khi xảy ra mâu thuẫn, tâm lý nóng giận khiến chúng ta mất bình tĩnh, mất đi khả năng lắng nghe đối phương. Việc chúng ta hay làm lúc ấy là khẳng định lý luận của mình đúng, không ai chịu lùi một bước và thậm chí dùng lời lẽ xúc phạm làm tổn thương người kia với mong muốn chứng minh mình là người chiến thắng. Nhưng rốt cuộc chiến thắng những người mình thương yêu thì bạn cũng đâu có nhận được bất cứ phần thưởng nào, điều ấy chỉ khiến cảm xúc của hai bạn thêm nặng nề và việc khó nhất chính là trở lại như bình thường. 

Sau khi cãi vã căng thẳng bạn chấp nhận nói chuyện với đối phương một cách thân mật chứ? Nếu là người bị xúc phạm trong cuộc tranh luận đó, bạn chắc không ấm ức, không để bụng? Dù thắng hay thua, dù là người đúng hay sai, bạn vẫn sẽ có những cảm xúc tiêu cực, thất vọng và sau này đã giảng hòa, trong tiềm thức của bạn vẫn có những mặc cảm, những kí ức không vui vẻ về những lời nói đã qua. Xin lỗi đôi khi không có nghĩa là bạn thua, xin lỗi thể hiện sự tôn trọng của bạn với đối phương. Học cách xin lỗi đúng cách và chân thành là kỹ năng quan trọng nếu bạn muốn xây dựng các mối quan hệ lâu dài trong và ngoài công việc. Sau cùng, lời xin lỗi ấy phải có giá trị, đừng tùy tiện hay lạm dụng quá mức, điều ấy chỉ khiến người kia không còn tin tưởng vào câu nói và sự thành thật của bạn nữa.

Xin lỗi thật khó cho dù bạn xin lỗi về điều gì và bạn đã xin lỗi ai. Vậy làm thế nào để “xin lỗi”

  • Thể hiện sự hối hận về hành động bạn đã làm. Một lời xin lỗi chứa đựng sự chân thành sẽ khiến đối phương giải tỏa cơn giận.
  • Đồng cảm với họ. Bạn hãy tưởng tượng mình là người đón nhận những lời nói xúc phạm ấy, liệu bạn có tổn thương không cơ chứ? Hãy đặt mình vào họ và nhìn nhận lỗi sai của mình.
  • Nhận trách nhiệm của bản thân. Bạn sẽ củng cố được uy tín của bản thân khi biết chịu trách nhiệm cho những gì mình gây ra, mọi người cũng sẽ nhìn nhận bạn là một người chín chắn, trưởng thành hơn.
  • Đề nghị sửa sai và thay đổi. Lời xin lỗi của bạn sẽ trở nên thành khẩn hơn khi có yếu tố cam kết trong tương lai, và khi đã hứa hãy cố gắng thực hiện chúng, nếu không mọi lời xin lỗi của bạn sau này đều là vô nghĩa.

Và nên nhớ:

  • Xin lỗi không có nghĩa là bạn đánh mất quan điểm của mình, lời xin lỗi tới đối phương cốt yếu để chứng tỏ bạn coi trọng mối quan hệ ấy hơn cái tôi của bản thân.
  • Bạn xin lỗi không đồng nghĩa người đó phải tha thứ cho bạn chỉ vì bạn đã biết lỗi. Bởi sự xúc phạm ấy có thể đã giết chết lòng tin yêu của họ đối với bạn và họ cần thời gian để nguôi ngoai.
  • Ngôn ngữ cơ thể khi xin lỗi ai đó cũng rất quan trọng, bạn không thể xin lỗi mà tay vẫn đang cầm cái bánh mì nhai nhồm nhoàm và mắt nhìn lên không trung đúng không?

Lời đã nói, việc đã làm đều không thể rút lại

Việc bạn chỉ có thể làm là sửa sai.

Không xin lỗi hoặc đưa ra lời xin lỗi nửa vời, miễn cưỡng sẽ làm hỏng mối quan hệ của bạn với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.

Tuy nhiên, đòi hỏi sự tha thứ cũng không phải là một phần của lời xin lỗi. Người bị xúc phạm có thể chấp nhận một lời xin lỗi chân thành, nhưng không sẵn sàng tha thứ cho những thiếu sót. Bạn không thể ép buộc họ phải bỏ qua lỗi lầm của bạn.

 

Bạn của tôi à, một lời xin lỗi chân thành chính là một món quà vô cùng quý giá trong cuộc sống này. Vậy nên, đừng ngại ngần nói “Tôi thật lòng xin lỗi” khi mắc sai lầm, bạn nhé!

 

Nguồn: ssstutter.com

Sưu tầm: Xuân Vương - BP. Kho

zalo

Đặt hàng online

zalo