Người thông minh phải biết nhận lỗi khi mắc sai lầm

 

Bạn đã bao giờ mắc sai lầm? Cách bạn giải quyết sai lầm ấy như thế nào? Tự mình nhận khuyết điểm hay đá quả bóng “tội đồ” sang chân đối phương? Cách xử lý vấn đề sẽ cho biết đâu là người thông minh và đâu là kẻ hèn nhát.

Khi còn bé, người ta có thể cất tiếng xin lỗi rất chân thành mà không cần ai phải nhắc nhở nửa câu. Thế nhưng không giống như việc chúng ta cao lớn thêm mỗi ngày, được va chạm với thế giới nhiều hơn, càng lớn, người ta càng khó khăn để nói trọn vẹn 2 từ “xin lỗi”.

Càng lớn người ta càng khó mở lời nói xin lỗi hơn.

Vậy lý do gì khiến con người ta tiết kiệm 2 từ xin lỗi ngay cả khi đã nhận thức được mình sai?

Nhà văn Harriet Lerner đã từng nói: “Con người vốn có tính phòng ngự cố hữu rất khó sửa đổi. Để tự bản thân trực tiếp chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình, thực sự là khó khăn”.

Xin lỗi chính là thừa nhận lỗi lầm của mình, điều này tất nhiên sẽ khiến người ta dễ rơi vào tình trạng cảm thấy yếu đuối, dễ bị tổn thương. Thế nên với bản tính phòng ngự cố hữu người ta tự sinh ra phản xạ chối bỏ, từ chối việc nhận khuyết điểm về mình.

Điều này đặc biệt dễ xảy ra với những người tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân”, tự đặt cho mình một chiếc “vòng kim cô” mang tên cái tôi quá lớn.

Quan niệm về cái tôi thường được hiểu theo hai khía cạnh. Về mặt tích cực, cái tôi đem đến sự hãnh diện phù hợp về những giá trị, nhân phẩm của chính bản thân. Trong khi đó, cái tôi tiêu cực lại dẫn đến sự nhận định sai về những giá trị, nhân phẩm của mình đưa đến sự tự ti hay tự tôn quá mức cần thiết.

Cái tôi quá mức có thể giết chết hạnh phúc cá nhân.

Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nhận thức cái tôi tích cực và cái tôi tiêu cực là rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng sẽ gây ra nhiều đổ vỡ, trở ngại… vì hình như cái tôi thường hay phát triển và được phóng đại cùng với cái tài. Cho nên căn bệnh cố hữu về sự kiêu ngạo và cố chấp thường lại rơi vào những người có những thành công nhất định trong xã hội. Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao, thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Vì thế, khi một người bình thường đón nhận sự bất đồng về ý kiến của người khác một cách cởi mở, thì các “sếp” có thể xem đó là “không thể chấp nhận được”. Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong nhà tù của sự tự mãn và kiêu căng của chính mình. Mà đã là tù nhân thì làm sao có hạnh phúc?

Một số khác lại hèn nhát không dám chấp nhận cái sai, những người này thường phạm lỗi rất tinh vi. Họ lừa mình dối người với suy nghĩ không ai biết ngoài chính bản thân. Thế nên họ học một chiêu bài “cứu nguy” cho lương tâm mang tên “đổ lỗi”.

Với những người này, việc đổ lỗi cho người khác dễ hơn tự mình đứng dậy thừa nhận sai lầm. Bởi lẽ khi đổ lỗi họ tháo gỡ được gánh nặng của bản thân, tự lừa phỉnh và dỗ ngọt mình trong lá chắn năng lực bản thân toàn vẹn, lại vừa thỏa mãn tâm lý muốn đứng trên tất cả mọi người, trở thành trung tâm vũ trụ. Hoặc đơn giản chỉ là đáp ứng ảo tưởng cái “uy” của riêng họ mà thôi.

Thế nhưng không giống như những gì người ta vẫn nghĩ. Cái tôi khi đứng một mình rất thanh cao nhưng chỉ cần ghép thêm một thanh âm nó lại trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Chữ "tôi" đi cùng dấu huyền sẽ thành "tồi", đi cùng dấu sắc sẽ thành "tối" và đi kèm dấu nặng chính là "tội". Qúa kiêu ngạo, giữ chặt lấy cái tôi sẽ khiến bạn chìm trong khổ sở.

Thực tế phũ phàng cũng chứng minh rõ ràng điều đó. Trong cuộc sống, những người thông minh thực sự phải là người biết dung hòa cả 2 yếu tố: cái tôi cá nhân và dũng cảm thừa nhận sai lầm.

Đầu năm 2016, trong buổi họp báo công bố việc Nokia bị mua lại bởi Microsoft, CEO của Nokia đã kết thúc bài phát biểu của mình với câu nói: “Chúng tôi không làm điều gì sai, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã thua cuộc”.

Sự sụp đổ của đế chế Nokia là bài học nhãn tiền.

Có thật Nokia đã không mắc sai lầm?

Câu trả lời chắc chắn là không. Trong một thế giới không ngừng vận động, việc bạn đứng yên trong khi các đối thủ không ngừng vươn lên đã là một sai lầm chí mạng.

Nokia từng là một “đế chế”. Hơn một thập kỷ, Nokia không hề có đối thủ cạnh tranh về doanh số. Nhưng giờ đây tất cả chỉ là ký ức đã tàn chỉ bởi lý do không dám nhận khuyết điểm, không thừa nhận sai lầm và bỏ quên lời xin lỗi.

Ngược lại, những người dũng cảm thừa nhận sai lầm, nhận trách nhiệm lại có kết quả hoàn toàn khác. Không cần lấy ví dụ xa xôi bởi Bác Hồ chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Sau những sai lầm về cải cách ruộng đất, uy tín của Đảng bị giảm sút, Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Trước quốc dân đồng bào, Người đã không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của người lãnh đạo cao nhất chính là Hồ Chí Minh.

Quan điểm của Bác là cần công khai khuyết điểm, công khai để nhận lỗi, thêm quyết tâm sửa lỗi. Bác từng chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm không công khai, chẳng khác nào có bệnh mà giấu bệnh”. Các đồng chí làm việc quanh Bác đều hoàn thiện nhân cách nhờ vậy.

Như Napoléon II đã nói: “Chúng ta sống với các khuyết điểm như mồ hôi của chính mình. Chúng ta hoàn toàn không hay biết gì hết. Nhưng nó chỉ làm cho người khác khó chịu thôi”.

Và châm ngôn sống của Stephen Gosson.

Thật vậy, con người ta sống ở đời làm sao tránh khỏi việc không mắc sai lầm. Thế nhưng con người ta hơn nhau chính ở chỗ đối diện với sai lầm đó ra sao. Nếu chúng ta biết tự nhận lỗi, tự sửa chữa mới là điều đáng quý.

Bởi lẽ nhờ biết loại bỏ sai lầm, con người mới tiến bộ trong việc tự tu sửa và trở thành người tốt. Nó giúp người ta vượt được mọi trở ngại, để tiến tới thành công trong giao tiếp, thậm chí nhận được sự kính trọng tột cùng của đối phương.

Thế nên, bạn cần nhớ kỹ một điều, người thông minh phải biết nhận lỗi khi sai lầm.

 

Nguồn: phapluatnet.nguoiduatin.vn

Sưu tầm: Mai Trinh - BP. Kho

zalo

Đặt hàng online

zalo