Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn gắn liền với việc xây dựng nông thôn

Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều về ô nhiễm môi trường ở nông thôn do việc xử lý chất thải chưa đúng qui định, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật,… làm cho nguồn nước, không khí,… bị ô nhiễm. Ðây chính là nguyên nhân dẫn đến người dân các vùng nông thôn thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh.

Ở nước ta, mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ em và tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đã giảm, song các bệnh liên quan tới nước và vệ sinh môi trường vẫn là vấn đề lớn về sức khỏe. Theo Tổ chức Unicef, bệnh tiêu chảy là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ốm đau trên phạm vi toàn quốc, làm cho khoảng 250.000 người phải nhập viện mỗi năm; ước tính có tới 44% trẻ em Việt Nam bị nhiễm giun tóc, giun móc và giun đũa. Đây cũng là một phần lý do tại sao Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.


Khi nói đến môi trường sống mà không nói đến sự bảo vệ nó thì chưa đủ, môi trường sống này nếu được bảo vệ và giữ gìn vệ sinh không bị ô nhiễm thì sẽ đưa dần mức sống của muôn loài đến chỗ an ổn, yên vui và thanh bình. Do vậy, vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ-TTg, ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”, trong đó có nội dung thứ 9 là “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”.


Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Bộ tiêu chí Quốc gia Nông thôn mới” gồm có 19 tiêu chí theo Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 4 năm 2009; tiêu chí 17 là “Đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế, công sở và các khu dịch vụ công cộng; thực hiện các yêu cầu về bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn xã”.


Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011 - 2015, có chỉ tiêu: phấn đấu từ 20% - 25% xã đạt tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, trong giai đoạn này, tỉnh phấn đấu đạt các mục tiêu như: 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 60% số xã được thu gom rác thải; 65% số hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó 30% chuồng trại được xử lý bằng hầm biogas,…
 

Bằng nhiều hoạt động được triển khai có hiệu quả, Sóc Trăng qua 5 năm thực hiện Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (2006 - 2010), đến nay tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực nông thôn đạt 85%; tỷ lệ số hộ nông thôn được cấp nước đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế là 25%. Tuy nhiên, kết quả đó còn chưa đạt được những mục tiêu, mong muốn của chúng ta. Khu vực vùng sâu, vùng xa hiện còn rất khó khăn về nhu cầu sử dụng nước sạch, đặc biệt là về vệ sinh môi trường. Môi trường ô nhiễm do các nguồn nước sông bị ứ đọng nước thải chưa qua xử lý, do nạn vứt rác thải tùy tiện, do thói quen trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày,…
 

Ðể cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn theo ý kiến nhà chuyên môn, biện pháp quan trọng nhất là thông qua vận động cộng đồng để thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện của người dân nông thôn. Giải pháp này không chỉ phù hợp điều kiện kinh tế hiện nay mà còn có tính chiến lược, lâu dài. Cần lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng Nông thôn mới; đồng thời cung cấp dịch vụ thu gom rác thuận tiện cho người dân. Mặt khác, để gom rác thải hiệu quả, cần phải có đội ngũ với phương tiện, trang thiết bị và nhân lực đầy đủ. Tuy nhiên, ở các vùng chưa tổ chức được lực lượng, cách làm hiệu quả và đơn giản nhất là không vứt rác bừa bãi; tận dụng khu đất vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ; hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại cho môi trường như: túi ni-lông, các loại bao bì bằng nhựa,...
 

Việc hình thành nếp sống văn minh và ý thức tự giác bảo vệ môi trường đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân và người dân nông thôn còn là một vấn đề cần được các cấp, các ngành và toàn xã hội hết sức quan tâm, tuyên truyền, hướng dẫn để tiếp tục xây dựng. Vấn đề này cũng đòi hỏi sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, trước hết là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp; đặc biệt là cấp cơ sở.
 


Theo giaoducsuckhoe.soctrang.gov.vn
Sưu tầm: Diệu Niệm – P. kinh doanh

zalo

Đặt hàng online

zalo