Ô nhiễm không khí ở Việt Nam: Đồng bộ các giải pháp

(TN&MT) – Hội thảo về “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội đã đưa ra những thông tin báo động về chất lượng không khí ở nước ta hiện nay. Từ đó, cung cấp thông tin cho các nhà quản lý, đại biểu quốc hội trong quá trình thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và xem xét thông qua những quyết sách quan trọng liên quan đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.

Báo động chất lượng không khí

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, ô nhiễm môi trường không khí đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường đô thị, các khu công nghiệp và làng nghề ở nước ta hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

 

 

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu khai mạc

tại Hội thảo "Ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp"

 

Ở Việt Nam, chỉ số chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức tương đối cao, hơn 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém; trong đó, Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao hơn thế giới. Giai đoạn từ 2011 – 2015 số ngày Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí kém chiếm tới 40-60% tổng số ngày quan trắc và có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu.

Chất lượng không khí ở khu vực nông thôn, các làng nghề đang có chiều hướng suy giảm, nhất là ở các làng nghề tái chế chất thải, tái chế nhựa, kim loại, giấy, sản xuất vật liệu xây dựng… Kết quả khảo sát những năm gần đây cho thấy, nồng độ bụi ở những làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt quy chuẩn từ 3 đến 8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt ngưỡng 6,5 lần. Trong 3 năm gần đây, do việc đốt rơm rạ sau thu hoạch cũng dẫn tới tình trạng “khói mù” ảnh hưởng đến giao thông công cộng và bầu không khí trong khu vực.

 

Ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường,

Bộ TN&MT tham luận về tác động của ô nhiễm không khí tới tình hình KT-XH

 

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, ô nhiễm không khí được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có nguy cơ tác động xấu đối với sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm không khí cũng có ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và biến đổi khí hậu (hiệu ứng nhà kính, mưa axit, suy giảm tầng ô – zôn)… Công nghiệp hóa càng mạnh, đô thị hóa ngày càng phát triển thì nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí càng nhiều, áp lực làm biến đổi chất lượng không khí theo chiều hướng xấu càng lớn, yêu cầu bảo vệ môi trường không khí càng quan trọng.

Nhiều thách thức trong kiểm soát ô nhiễm

Không chỉ báo động về tình trạng ô nhiễm không khí, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức giữa phát triển kinh tế xã hội và giải quyết ô nhiễm không khí; việc phát sinh nguồn gây ô nhiễm không khí ngày càng khó lường và công tác kiểm soát ô nhiễm còn nhiều vướng mắc.

 

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) - ông Nguyễn Hoàng Đức tham luận về

thực trạng quản lý nhà nước môi trường không khí và chống ô nhiễm không khí ở Việt Nam

 

Ông Nguyễn Hoàng Đức – đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, hiện nay việc áp dụng và tuân thủ quy định pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế; nên thực tế vẫn có những doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

Trong khi đó, công nghệ xử lý khí thải chưa đáp ứng được xu thế phát triển sản xuất, thậm chí còn lạc hậu khiến cho tình trạng xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường vẫn diễn ra trên diện rộng; Việc thực hiện quan trắc môi trường không khí còn mang tính hình thức, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý, thiết bị quan trắc chưa được đầu tư đồng bộ... Hoạt động kiểm kê khí thải cũng chưa được triển khai đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương.

 

Tham gia hội thảo,  ông Nguyễn Văn Thùy - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường,

Tổng cục Môi trường phân tích các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở nước ta hiện nay

 

Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nguồn phát thải chưa kịp thời, hiệu quả thấp. Ô nhiễm không khí có tính biến đổi theo thời điểm rất nhanh nhưng theo quy định về công tác thanh tra môi trường cần phải báo trước nên các cơ sở sản xuất có đủ thời gian để đối phó khiến cho thanh tra ô nhiễm không khí rất khó phát hiện kịp thời vi phạm và không chính xác; Trang thiết bị cho lấy mẫu khí thải để kiểm chứng còn nhiều hạn chế, lực lượng thanh tra viên còn mỏng, chưa đủ kinh nghiệm cần thiết để phát hiện vi phạm của doanh nghiệp; Kiểm tra khí thải trực tiếp trên đường đối với các phương tiện giao thông cũng chưa được thực hiện.

Cần giải pháp đồng bộ

Với tình trạng ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng, cần thiết phải có những nghiên cứu và xây dựng chính sách, giải pháp phù hợp. Theo ông Nguyễn Hoàng Đức, để kiểm soát ô nhiễm không khí trước mắt cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng không khí; hoàn thiện hệ thống tổ chức, phân công, phân nhiệm đơn vị đầu mối, đơn vị phối hợp và cơ chế phối hợp, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan về bảo vệ môi trường không khí từ trung ương đến địa phương.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về quản lý chất lượng không khí; tăng cường nguồn lực thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, huy động sự tham gia giám sát của cộng đồng trong công tác quản lý chất lượng không khí.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Ngoài ra, bổ sung nguồn lực thực hiện quan trắc môi trường không khí; tăng cường hiệu quả thông tin, dữ liệu quan trắc nhằm phục vụ kịp thời công tác quản lý chất lượng không khí; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường không khí.

Về lâu dài, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm cho rằng, phải kết hợp đồng bộ các nhóm công cụ nhằm quản lý chất lượng không khí; trong đó tăng cường áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý chất lượng không khí như cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải công nghiệp, dịch vụ, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải… Kết hợp đồng bộ công cụ pháp lý, có quy định và chế tài thực hiện cụ thể.

Công cụ kỹ thuật cần được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp: Xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và thực hiện kiểm kê nguồn phát thải; tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, năng lượng tái tạo…

Bài & ảnh: Tuyết Chinh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Sưu tầm: Ngọc Thanh – tổ kỹ thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo