Phản biện và tôn trọng phản biện

 

Phản biện và tôn trọng phản biện - Khi toàn cầu hóa càng phát huy tác dụng tích cực của nó, việc tự do ngôn luận, tự do tranh cãi ở mọi diễn đàn, mọi thời điểm không còn là rào cản cho tất cả mọi người nữa. Chưa bao giờ, ở Việt Nam, sự tranh cãi nhóm trở nên sôi động và đa dạng đến thế.

Tranh luận có tinh thần xây dựng, biết nhìn ra vấn đề và đặt câu hỏi đúng chỗ, đúng lúc, đó là một nguyên tắc phản biện mà ở bất kì tập thể lớn nhỏ nào đều phải có và duy trì nó. Trong một nhóm làm việc, trong công ty, ở văn phòng, phản biện chính là một bước đầu tiên cho các cuộc cách mạng ý tưởng, tạo nên sự sáng tạo, kích thích mỗi cá nhân bộc lộ khả năng của mình. Quyền được phản biện trong mỗi buổi họp, mỗi môi trường làm việc nhóm luôn luôn được đề cao.

Tại sao phải phản biện và tôn trọng phản biện ?

“Càng tranh luận, chúng ta càng xa rời chân lí”. Vạn vật có thể thay đổi liên tục, từ trạng thái này đến trạng thái khác. Chúng ta không thể nhìn vạn vật bằng đôi mắt cố định hay bất động. Một thời, tất cả mọi người đều tin Mặt trời quay xung quanh Trái Đất. Giả sử, nếu nhà khoa học ngày đấy không tự đặt lại một câu hỏi ngược “Trái Đất có thể quay xung quanh mặt trời không? Tại sao? Nguyên lí hoạt động như thế nào?”… thì chắc đến tận bây giờ chúng ta vẫn cứ ngu muội trong thứ được gọi là chân lí sai lầm ấy.

Một người tuyên bố ra bất cứ điều gì, đừng nên mặc cảm nếu chính mình hoặc đồng nghiệp mình nói không đúng. Chúng ta có thể sửa sai giúp nhau, tìm ra cái đúng đắn sớm hơn. Chúng ta cẩn thận phản biện đối phương và điều chỉnh ngay nếu các lập luận sai trái, phi logic. Các đồng nghiệp sẽ chỉ ra cho nhau biết được chỗ nhầm lẫn, non kém, và nghịch lí mà đối phương mắc phải.

Kant, một nhà triết học, sử dụng câu slogan “Hãy dám biết” để kích thích mọi người phản biện, tranh luận lẫn nhau. Ông nói, đó mới là lúc chúng ta dùng đầu óc của mình, chúng ta vận động và trưởng thành khỏi những điều cũ kĩ, được sắp đặt trước.

Làm thế nào để tránh rơi vào ngụy biện

Phản biện khác với ngụy biện. Phản biện thể hiện một cuộc tranh luận có chất lượng và ý nghĩa, các ý kiến mang tính xây dựng, đóng góp, chứ không chủ quan, cá nhân hay định kiến, chỉ trích nhằm vào đối tượng riêng lẻ hoặc những người đang tham gia tranh luận.

Phản biện sử dụng tính logic và các nguyên tắc của logic học để đưa ra quan điểm có thể đồng thuận hoặc trái với ý kiến ban đầu, nhưng không nhằm mục đích công kích cá nhân, sử dụng quyền lực, lợi dung cảm tính hay đánh đồng.

Có rất nhiều kiểu phản biện dễ sa vào ngụy biện, như cố ý công kích cá nhân : “Anh theo học một trường nhà giàu. Do đó, anh là người có tiền, anh ngạo mạn kiểu có tiền. Anh không bao giờ thấu hiểu về sự nghèo khổ”. Thay vì chỉ trích cá nhân ngạo mạn, người phản biện đúng không được đánh đồng đối phương, do không trải qua hoàn cảnh tương tự nên không thể nào đồng cảm, mà người phản biện nên lấy những ví dụ thực tế khách quan chứng minh quan điểm của mình khác quan điểm của đối phương.

Để tránh hình thức ngụy biện sai lầm, chúng ta hiểu về tính logic và một số nguyên tắc sai logic căn bản. Đặt câu hỏi đúng vấn đề và mục đích ban đầu đề ra. Đừng lấy cá nhân, định kiến để đưa ra quan điểm phản biện. Không thay đổi chủ đề bằng những luận điểm cá trích, những luận điểm nhằm đánh lạc hướng đối phương,…

Tôn trọng phản biện

Trong bối cảnh làm việc của người Việt Nam, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa phong cách phản biển đúng đắn trong môi trường làm việc, để đầy lùi các định kiến, các suy nghĩ lối mòn xuất hiện từ trước. Ngụy biện, ban đầu nghe có vẻ hợp lí, nhưng thực chất lại rất cảm tính, không có tính đóng góp và vô nghĩa trong tinh thần xây dựng và giải quyết vấn đề chung.

Chúng ta cần để cho phản biện phát triển theo hướng tích cực. Tức là đưa nó thành một công cụ được sử dụng đúng cách trong môi trường xây dựng của tổ chức, tránh sự nhàm chán mỗi cuộc họp, kẻ nói người nghe mà không có tương tác qua lại.

Phản biện chính là đi tìm sự nghi vấn, làm lay chuyển những định kiến và kiểm chứng lại niềm tin sẵn có. Phản biện chính la vừa tỉnh táo vừa lắng nghe người khác nói, đó là tinh thần lớn nhất của triết học và khoa học. Ứng dụng được phong cách phản biện và luôn phản biện trong môi trường teamwork nói chung cũng như cá nhân nói riêng, sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp của bạn phát triển vững mạnh.

 

Nguồn: eventsaigon.com.vn

Sưu Tầm : Thúy Vân - Tổ Hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo