Phát triển kỹ năng chịu trách nhiệm

 

 1. Hiểu rằng trách nhiệm phải do nỗ lực để có được. 

Nó không phải thứ bạn nghiễm nhiên được hưởng. Nếu ai đó lưỡng lự giao thêm trách nhiệm cho bạn, có lẽ là do bạn vẫn đang thờ ơ với trách nhiệm đã có. Bạn có thể nghĩ: "Trách nhiệm của mình hiện nay thật nhỏ bé/tẻ nhạt/ngu ngốc/…, và nếu mình được giao nhiều thử thách hơn, mình sẽ đón nhận nó nghiêm túc hơn," nhưng đó là đặc tính của những người vô trách nhiệm; họ chỉ làm những việc mang tính thách thức, vui vẻ, mới lạ, và khi những tính chất đó không còn nữa, họ mất đi hứng thú.  

2. Cho dù bạn đang ở nơi làm, trường học, hay hoạt động ngoại khóa, bạn cần phải chứng minh rằng bạn có thể giải quyết những việc nhỏ trước khi được giao những trách nhiệm lớn hơn.  

3. Ngừng viện cớ

Trong bất cứ tình huống nào cũng có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Người vô trách nhiệm có xu hướng đổ lỗi lên những yếu tố này, và lấy chúng ra làm lý do. Bất cứ khi nào bạn đưa ra một cái cớ, nó sẽ theo kiểu "Mình không chịu trách nhiệm về việc này bởi vì…" và thực ra bạn đang nói "Mình chẳng có trách nhiệm gì". Hãy chú ý tới cách bạn nghĩ và nói: bạn có thấy mình đang viện cớ không? Những cái cớ này có rất nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là "Mình sẽ/đáng ra sẽ, nhưng...".

Lần tới khi bạn thấy mình đang viện cớ, hãy thay đổi lời lẽ của mình. Hãy thừa nhận tại sao bạn đã không làm được việc ấy. Có phải bạn đã quá lười, quá mệt, hay muốn làm một việc gì đó vui thú hơn? Thừa nhận nó cũng không sao. Trên thực tế, tốt hơn cả là trung thực thừa nhận lý do đã không làm gì trước khi bạn tiếp tục.

4. Thừa nhận lỗi lầm.

Tận dụng triệt để lỗi lầm là một cách chứng tỏ trách nhiệm. Việc này không chỉ biến thời gian sai lầm thành kinh nghiệm đáng quý mang tính bước ngoặt mà còn tránh cho bạn khỏi phí phạm tương lai bằng cách đảm bảo bạn sẽ không lặp lại việc đó lần nữa. Một trong những điểm then chốt của việc chịu trách nhiệm là khả năng nói: "Mình đã làm hỏng lần này. Mình sẽ không tái diễn nữa."

Lần tới khi bạn gặp tình huống tương tự, hãy nhắc nhở bản thân về những sai lầm của lần trước, và đảm bảo rằng bạn sẽ không mắc phải nữa.

5. Ngừng đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của mình. 

Một cách khác để chịu trách nhiệm là ngừng đổ lỗi lên những người xung quanh. Hãy tự nhắc bản thân rằng bạn trượt bài kiểm tra môn toán bởi vì bạn đã không học bài, chứ không phải vì giáo viên ghét bạn; bạn phản bội bạn trai vì bạn chọn như thế, mà không phải do anh ấy không quan tâm đầy đủ đến bạn; bạn đi làm muộn do không kịp dậy sớm, không phải do giao thông tồi tệ. Đương nhiên cuộc sống không công bằng, và rủi thay, một vài người gặp trắc trở hơn số còn lại. Bạn có thể buộc tội cha mẹ không yêu thương mình đủ nhiều và góp phần đẩy bạn vào con đường đen tối, nhưng bạn không thể thay đổi cuộc đời cho tới khi bạn chịu trách nhiệm về hành động của mình và cố gắng thay đổi nó.  

6. Ngừng than thở. 

Than thở là một thói quen vô dụng của người vô trách nhiệm. Nếu bạn chẳng làm gì ngoài việc than thở về sếp, về thời tiết, hay về mức giá cao quá đáng của cốc cà phê latte tại Starbucks, bạn sẽ không thể tiến xa được. Than thở là một cách để đổ lỗi cho thế giới về những vấn đề của bạn thay vì đi tìm giải pháp và học được rằng bạn có thể thay đổi những gì. Có lẽ bạn không thể thay đổi giá cà phê latte của Starbucks, nhưng bạn có thể sắm máy pha cà phê cho riêng mình và pha cà phê mỗi sáng với chi phí rẻ hơn.

Mỗi khi bạn mở miệng than phiền, hãy ngừng lại và thay vào đó nói một điều tích cực. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nó thay đổi nhãn quan của mình như thế nào.

7. Ngừng đóng vai nạn nhân. 

Thế giới không phải ở đó để chống lại bạn. Nếu bạn muốn bắt đầu có trách nhiệm thì hãy ngừng việc nghĩ rằng tất cả mọi người đều muốn làm khó bạn. Cảnh sát giao thông không phạt bạn lái xe quá tốc độ bởi vì họ quyết tâm phạt bạn; họ làm vậy vì bạn đã vi phạm luật. Sếp bạn không từ chối tăng lương bởi vì họ muốn thấy bạn thất bại; họ làm vậy vì kết quả của bạn chưa xứng đáng, hay đơn giản chỉ vì công ty không thể trả nhiều hơn.  

8. Chấp nhận những gì ngoài tầm kiểm soát. 

Hiểu rằng có những điều trong cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta cũng quan trọng không kém như việc chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Bạn không thể chịu trách nhiệm cho thói rượu chè của bạn thân; bạn không thể chịu trách nhiệm cho thất bại của toàn bộ công ty trừ khi đó hoàn toàn là lỗi của bạn; bạn không thể chịu trách nhiệm cho việc bạn cùng nhà không trả nổi tiền thuê đúng hạn. Tập trung vào những việc bạn có thể kiểm soát, và đừng cố giải quyết mọi vấn đề của thế giới, nếu không bạn sẽ chỉ đau đầu mà thôi.

 

Nguồn: ybox.vn

Sưu tầm: Tuyết Hương – TT. XVNT

zalo

Đặt hàng online

zalo