Tết Cổ Truyền Ở Việt Nam Với Những Phong Tục Tập Quán Cổ Truyền

 

“Tết” từ chữ “tiết”, nghĩa là mùa, hay hiểu rộng ra là mùa Hội. Tết Nguyên đán cổ truyền, theo truyền thống, là dịp sum họp gia đình, thăm viếng thân nhân, thờ phụng tổ tiên… Tết cũng là dịp nghỉ ngơi, đi chơi để chuẩn bị cho một năm mới hanh thông, thịnh vượng…

Phong tục tập quán ngày Tết phản ảnh những đặc thù của nền văn hoá Việt Nam qua nhiều thế hệ, tùy thuộc vào từng vùng miền trên đất nước. Nhưng chúng ta vẫn có thể chia ra làm 2 loại chính: Phong tục đón Tết với gia đình và đón Tết với xóm làng.

Như tất cả các nước khác ở vùng Đông Nam Á – Tết Nguyên đán Việt Nam có thể nói rất đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Dù trải qua bao biến động của lịch sử – Dan tộc Việt nam vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc ta từ trong ngày Tết Nguyên đán cổ truyền.

Thời báo Mê Kông trân trọng giới thiệu cùng độc giả một số phong tục tập quán của dân tộc Việt – Nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

1-Chợ Tết

Chợ Tết có không khí khác hẳn với những phiên chợ thường ngày trong năm. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải để “có cái ăn” mà đó là thói quen, là không khí ngày lễ hội. Chợ Tết thường được bố trí ở những bãi đất rộng, cũng có thể diễn ra ngay nơi chợ thường ngày. Trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi sự tấp nập của cảnh người mua kẻ bán…

2-Cây nêu ngày Tết

Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5-6m. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng điạ phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ). Đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tạo thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai…Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…

3-Câu đối Tết

Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ” nhân ngày Tết.
Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên thường được gọi chung là câu đối đỏ.

4-Hoa Tết

Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà. Theo quan niệm, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu Xuân.

Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành mai vàng hoặc cây mai vàng  hơn, màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống.

5-Dọn dẹp bàn thờ – Rước vong linh tổ tiên, ông bà…

Trong gia đình người Việt – Hầu như nhà nào cũng thường có một bàn thờ tổ tiên, gia trung, ông bà…Tùy theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất.

Việc chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ  Lễ vật dâng cúng ngày Tết thường là cặp bánh chưng xanh, mâm ngũ quả (tùy mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa); một lọ hoa tươi (hoặc một cành đào nhỏ); hộp bánh, chai rượu… Ngoài ra còn có hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ, với ý nghĩa để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

6-Màu của ngày Tết

Màu chủ lực trong ngày Tết là màu đỏ. Theo quan niệm, màu đỏ là màu phát tài và may mắn. Ngày Tết của Việt Nam ngập tràn màu đỏ: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ.

Người Việt Nam cũng thích trưng những loại hoa ánh đỏ như hồng, mãn đình hồng, hoa đào… Trang phục có tông màu đỏ cũng được ưa chuộng để mặc Tết.

7-Xuất hành và hái lộc ngày Tết

“Xuất hành” là lần ra khỏi nhà đầu tiên, tính từ thời khắc giao thừa trong ngày đầu năm, để mong gặp được điều may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may…

Tục hái lộc ở các Đền, Chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm.

8-Lễ xông nhà (hay xông đất):

Nhiều người tin rằng người đầu tiên bước vào nhà mình ngay đầu năm mới, dịp Tết Nguyên Đán – Sẽ mang lại hên hoặc xui cho gia đình suốt cả năm. Nên người ta hay mời người có vận may (khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc làm ăn phát đạt, phục hậu…) đến xông nhà giúp. Người xông nhà phải ăn mặc chỉnh tề, bước vào cửa chính rồi đi quanh nhà, đến bếp, ngụ ý đem lại may mắn vào từng góc nhỏ nhất nhà gia chủ đến xông nhà.

9-Chúc Tết

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng.
Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên.

10-Xin chữ đầu xuân

Ngoài phong tục khai bút đầu năm, người Việt còn có một phong tục khác cũng đề cao tinh thần quý chữ. Đó là phong tục Xin chữ đầu năm.

Tục xin chữ đầu năm đã trở thành phong tục và nét văn hóa mỗi độ xuân về. Đầu năm thường gắn với việc cầu xin những điềm lành, việc lành trong ao ước của con người qua những cuộc hành hương về nơi linh thiêng nhất. Xin chữ là một trong những hoạt động tâm linh ấy. Việc mang ý nghĩa này có ở nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước. Từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn… ta thường bắt gặp những gương mặt giống nhau ở sự thành tâm của người xin chữ trước người cho chữ…

Việc xin chữ đầu năm ngày một thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ Tết đến Xuân về.

 

Nguồn: mekongsean.vn

Sưu tầm: Lệ Hồng - P. DVKH

zalo

Đặt hàng online

zalo