Tết xanh vì môi trường trong sạch của chính chúng ta

Đâu chỉ đến Tết chúng ta mới cần dọn dẹp từng ngõ ngách trong ngôi nhà mà việc sống sạch và giữ gìn vệ sinh từ nhà ra ngõ đến nơi công cộng phải được coi là công việc hàng ngày để mọi người đều được sống trong bầu không khí trong sạch.

Tết xanh bằng cách nào?

Tết xanh ư? Dễ mà, chỉ cần mua hoa kiểng; về bày xung quanh nhà là xanh. Nhưng bạn sẽ mua như thế nào; mua với tâm thế nào? Tết xanh là xanh cho cả nhà vườn, cả người nông dân nữa, bạn có nghĩ vậy không?



Nhiều người mang ý nghĩ: 25, 26, 27 đi chợ hoa Tết ngắm hoa chụp hình post Facebook; đợi khuya 29 sáng 30 đi mua cho rẻ; khi nhà vườn sẽ bán tống bán tháo để về quê. Lúc đó sẽ dễ mặc cả để mua với giá chỉ còn một nửa.

Thậm chí dù thua lỗ; nhà vườn phải thuê xe để đổ đi hoặc vứt lại cho người dọn vệ sinh. Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì Tết còn gì vui nữa? Vui cho mình nhưng người khác có vui không? Người nào cũng khôn ngoan thì ai là kẻ dại? Chỉ cần mua hoa kiểng sớm thì nhà mình Xuân cũng về sớm mà nhà vườn cũng có cái Tết ấm no hơn. Đó là sống xanh.

Sử dụng đồ trang trí tái chế

Chị Nguyễn Thu Hà, 33 tuổi, sống ở H.Tiên Lữ, Hưng Yên, chia sẻ với Thanh Niên rằng ngày thường chị và gia đình có thói quen phân loại rác, ngày tết cần tăng cường việc này hơn khi số thực phẩm, hàng hóa mua về nhiều hơn. “Chúng tôi chỉ bỏ rác vô cơ không phân hủy được vào thùng để nhân viên chở rác mang đi. Còn lại thức ăn thừa, vỏ trái cây, rau héo úa… chúng tôi có hầm ủ để thành chất thải, có thể bón cây.”

Trong khi đó, mẹ chị Hà là bà Phạm Thu Phương, 61 tuổi, thường xuyên mang theo làn đi chợ để không lấy quá nhiều túi ni lông. Bà cũng giữ lại các túi ni lông có thể tái sử dụng, tránh thải nhiều loại túi này ra môi trường.

Anh Nguyễn Vương Hiền (38 tuổi, ở P.9, Q.8, TP.HCM, nghề kinh doanh), cho biết tết xanh là khi chúng ta biết tái sử dụng đồ trang trí các năm trước, không sử dụng bao lì xì làm bằng ni lông.

“Sau mỗi dịp tết, tôi thường thu lại các loại đèn nhấp nháy, bao lì xì chưa xài, thiệp treo, dây kim tuyến, đèn lồng… trang trí cất vào một nơi, tết sau lại mang ra lau, giặt sạch sẽ và dùng như mới. Tôi cũng thường lì xì cho các con cháu trong nhà phong bao làm bằng giấy có thể tái chế”, anh Hiền chia sẻ.

Không đốt nhiều vàng mã

Chị Trần Phương Anh, 22 tuổi, cử nhân Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, ủng hộ đón tết xanh bằng những việc đơn giản như không đốt nhiều nhang, vàng mã ở gia đình hoặc khi đến đền chùa, nấu nhiều món chay trong mâm cỗ tết truyền thống, ăn nhiều rau xanh, trái cây…

“Tôi thích trồng cây. Dịp tết nào chúng tôi cũng về quê ngoại ở Hải Dương thăm ông bà, người thân. Tôi nói với bố tôi chuẩn bị các cây ăn quả như sấu, khế ngọt, hoặc cây có bóng mát, có thể lấy lá uống như vối để chúng tôi có thể trồng trong mảnh vườn của bà ngoại vào năm mới.

Mỗi năm về thăm quê, nhìn những cây mình trồng lớn dần lên có một cảm giác vô cùng thú vị” - chị Phương Anh chia sẻ bí quyết đón tết xanh từng áp dụng các năm trước.

Mua thực phẩm xanh, đón Tết an lành

Nguyên tắc sắm Tết chung của người sống xanh là trữ trong nhà nhiều hoa quả; rau tươi, lượng thịt cá chỉ nhỉnh hơn ngày thường chút xíu. Không có khái niệm “quá tải tủ lạnh” dù là vào bất cứ ngày nào trong năm. Bạn cũng nhớ ưu tiên mua những mặt hàng nội địa; đặc sản địa phương, hàng rõ nguồn gốc để ủng hộ những người buôn bán chân chính; làng nghề truyền thống.

Tết xanh là chúng ta cũng nhắc ông xã bớt nhậu nhẹt bù khú ở nhà; để giữ sức khỏe cho phụ nữ; những người nai lưng phục vụ cho các bữa nhậu của đàn ông. Chồng say xỉn kiên quyết không cho chạy xe, đó cũng là sống xanh bạn nhé – theo Tiếp Thị Gia Đình.

Dân tộc ta bao đời nay đều tự hào mình có truyền thống nhân văn, đặc biệt là dịp Tết. Bạn còn nhớ Tết xưa không? Tết xưa rất giản dị, không ê hề thức ăn; không bia rượu tràn lan; không lo ngộ độc thực phẩm; không tai nạn giao thông khiếp hãi như bây giờ. Tết xưa thật sự đúng nghĩa là Tết xanh.

Bạn hãy thử năm nay, cùng gia đình mình tạo dựng lại bầu không khí Tết an nhàn, đủ đầy, thiêng liêng và dạy cho con trẻ ý nghĩa của Tết truyền thống dân tộc.

Nếu có thể, chúng ta có thể dành ít tiền ủng hộ cho những quỹ hội làm Tết cho người nghèo. Đó cũng là để Tết xanh hơn. Một chút vui, một chút hy vọng của những người cùng khổ đó cũng là màu xanh hy vọng.

Thay đổi tư duy để tương lai tốt hơn

Đâu chỉ là Tết thì mới bảo nhau dọn nhà; dọn hẻm cho sạch? Việc sống sạch và giữ gìn vệ sinh công cộng; phải được coi là công việc hàng ngày; một thứ kỷ luật tự thân để không chỉ ta mà mọi người cũng đều sống trong bầu không khí an toàn, sạch.

Nhiều năm nay, tư duy khá nhiều người đều cục bộ kiểu sạch nhà mình là được; chỗ khác thì kệ, đằng nào chẳng có người dọn vệ sinh. Bạn nhìn đi, chính tư duy ấy đã tạo nên những người trồng rau sạch cho nhà mình ăn còn rau phun thuốc tăng trưởng đem bán cho người khác.

Chúng ta đều nghĩ mình khôn ngoan nhất, cố gắng giành lấy phần ngon nhất; sạch nhất, dễ dàng nhất; tiện nghi nhất cho mình… cuối cùng thì ta được gì? Ta giàu nhất chăng? Hay ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều người bán hàng giả; kém chất lượng, thực phẩm độc hại. Rồi ta vẫn nghe tỷ lệ ung thư đang tăng cao do ô nhiễm; do thực phẩm. Ta lo lắng rồi… bỏ qua (chắc ung thư nó chừa mình ra).

Tết đến, chúng ta đều hy vọng và cầu mong cho mình và người thân được những điều tốt lành. Màu của Tết trong tâm trí ta là màu đỏ của bao lì xì, của phước lộc. Năm nay chúng tôi muốn truyền đi thông điệp về mùa Tết xanh, Tết sạch để Tết cổ truyền thêm đẹp tươi, an lành cho mọi người.

Sưu tầm: Minh Hải – P.KTSX

zalo

Đặt hàng online

zalo