Tham gia CPTPP: Công đoàn VN chấp nhận thách thức chưa có tiền lệ

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN chia sẻ như vậy tại phiên bàn luận về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 5-11 của Quốc hội.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng CPTPP  sẽ có yêu cầu đầy khắt khe về chống tham nhũng và minh bạch hóa, dẫu VN sẽ phải “gò mình” nhưng sẽ đem lại lợi ích.

"Vì lợi ích đất nước, Công đoàn VN sẵn sàng chấp nhận"

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN - cho rằng nếu vào CPTPP, Công đoàn VN sẽ phải đối diện với những thách thức lớn "chưa có tiền lệ". Đó là sự ra đời của một tổ chức đại diện người lao động bên cạnh Công đoàn VN hiện nay.

Ông Hiểu nêu thực tế ngoài nhiệm vụ chăm lo cho người lao động, Công đoàn VN còn phải thực hiện chức năng đoàn thể chính trị. Trong khi đó tổ chức mới chỉ thực hiện nhiệm vụ chăm lo quyền và lợi ích của người lao động. "Thực tế sẽ phát sinh không ít khó khăn trong triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, lãnh đạo tổ chức đình công..." - ông Hiểu nói.

Dẫu vậy, ông Hiểu nhấn mạnh "dù thách thức, khó khăn nhưng vì lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, Công đoàn VN sẵn sàng chấp nhận, đối diện thách thức, đồng thời coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn".

Lợi ích cho người lao động

Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, CPTPP mang lại cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ và nâng cấp, làm sâu sắc thêm mối liên hệ với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của VN.

Tuy vậy, VN sẽ phải thực hiện các yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường phòng chống tham nhũng và minh bạch hóa. Trước những yêu cầu đầy khắt khe đó, dẫu phải "gò mình" lại để có thể bước vào cuộc chơi nhưng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người lao động, cho xã hội, cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa dịch vụ "made in VN".

Tuy nhiên, ông Lộc nhấn mạnh bài học từ việc thực thi 10 hiệp định thương mại (FTA ) cho thấy các FTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được là khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan trung bình chỉ tận dụng chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về doanh nghiệp FDI, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi doanh nghiệp VN.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết kết quả xếp hạng cho thấy môi trường kinh doanh của VN đang "đội sổ" 11 nền kinh tế CPTPP. Bởi vậy điều cần làm lúc này là chuẩn bị, trang bị kỹ năng lực cho cả chính quyền và doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng hoạt động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ cần hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp, trong mọi kế hoạch cần phải tham vấn cộng đồng.

Thị trường không dễ tiếp cận

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng CPTPP là một thị trường rất lớn với 11 quốc gia, kim ngạch xuất nhập khẩu là 10.000 tỉ USD, có 500 triệu dân. Tuy nhiên đây cũng là một thị trường không dễ tiếp cận. Ông Ngân cho rằng sản phẩm giá rẻ (chất lượng kém) sẽ không có cơ hội để vào khu vực này.

Ông Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh cần cấp bách có lộ trình chuyển đổi các nguồn nguyên liệu để đủ điều kiện đảm bảo quy tắc xuất xứ từ đó để được hưởng ưu đãi từ CPTPP.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ thị trường Trung Quốc. Ông Cường cho rằng VN có thể trở thành trung tâm thực hiện các ngành công nghiệp chế tạo chế biến cho khối và cho khu vực, và đề nghị Chính phủ phải đẩy mạnh cải cách hành chính theo các chuẩn mực quốc tế để thu hút nhà đầu tư.

Đề nghị mở rộng diện cấp thị thực điện tử

Về việc cấp thị thực điện tử đang được VN áp dụng với 46 quốc gia trong hai năm qua, do sắp hết thời hạn thí điểm, Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết mới cho phép kéo dài thời gian.

Trung tướng Bùi Mậu Quân (đại biểu Hải Dương) cho rằng qua thí điểm thì thấy việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài hết sức đơn giản, họ chỉ cần ở nhà dùng smartphone hoặc máy tính để làm các thủ tục, sau 3 ngày có thể được cấp thị thực. "Một số nước khác đang thuyết phục VN cấp thị thực điện tử cho công dân của họ. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục mở rộng và bổ sung các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử" - ông Quân nói.

Bộ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Tô Lâm giải thích việc mở rộng phạm vi bao nhiêu nước, bao nhiêu cửa khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. "Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, sẽ có một nghị quyết hoặc một thông tư để điều chỉnh việc thực hiện nghị quyết này cho phù hợp thực tế" - ông Lâm nói và cho biết Chính phủ trình Quốc hội cho kéo dài thời gian thí điểm đến hết năm 2021, vì thời điểm này sẽ sửa đổi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài vào VN.

Cảnh sát biển VN là "lực lượng vũ trang"

Ngày 5-11, thảo luận dự án Luật cảnh sát biển VN (CSBVN) lần cuối trước khi Quốc hội thông qua. Theo dự án luật, CSBVN có nhiệm vụ và quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển VN. CSBVN cũng được quyền truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển, bắt giữ tàu biển theo quy định, tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự...

"Trong bối cảnh tình hình Biển Đông phức tạp như hiện nay, việc Quốc hội ban hành luật này là hết sức cần thiết" - đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) bày tỏ, đồng thời ủng hộ quan điểm quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân như dự thảo luật. Nhiều ý kiến cũng đồng tình đây cần là lực lượng vũ trang. Quốc hội dự kiến thông qua dự án luật vào cuối kỳ họp này.

 

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Nguồn: trungtamwto.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - IT

zalo

Đặt hàng online

zalo