Tôi đang biện minh ư? Làm gì có chuyện đó

 

Biện minh, biện bạch, hoặc đổ lỗi là cách mà chúng ta thường xuyên làm khi gặp phải những điều không như ý. Đó là hành động “có điều kiện” hình thành qua thời gian khá dài. Việc biện minh là cách dễ dàng để bào chữa cho sự tầm thường thông qua việc đổ lỗi cho một vật trung gian, một ai đó, một sự kiện nào đó. Thông qua đó, chúng ta né được trách nhiệm cho những sự việc mà đáng ra nên thuộc về chúng ta. Trong bài viết này, sẽ bàn về một “sự ngu dốt” rất lớn của con người: những lời biện minh.

Tôi sai, nhưng thật ra đó không phải lỗi của tôi

Biện minh là một cách nói khác của “Tôi sai rồi, nhưng thật ra không phải lỗi của tôi”. Ví dụ ư, điểm qua một vài nhé:

  • “Tôi không thăng tiến trong công việc, vì tôi gặp toàn những ông sếp, ông chủ chả ra gì. Họ chẳng đếm xỉa đến khả năng của tôi.”
  • “Tôi thi rớt (hoặc điểm thấp) vì giáo viên chẳng cho chúng tôi đủ thời gian ôn bài.”
  • “Cuộc hôn nhân của tôi thất bại (hoặc không hạnh phúc) vì vợ (chồng) tôi chẳng quan tâm chăm sóc hay chẳng màng tìm hiểu tôi.”
  • “Công ty thất bại không phải lỗi của tôi. Trong thời buổi Covid như thế này, ngay cả các công ty lớn còn lao dốc.”

Thật ra không phải tại tôi (ảnh: internet)

Đá quả bóng trách nhiệm cho người khác bao giờ cũng dễ hơn là phải đối diện với nó và tự mình gánh trách nhiệm và giải quyết hậu quả. Những lời biện minh như trên cho phép bất kỳ ai trong chúng ta gán trách nhiệm (thường là lỗi lầm, hậu quả) cho người khác. Những tình huống chúng ta né tránh có thể là bị điểm kém, bị từ chối, gặp xung đột, đơn độc, hay bị chỉ trích… Và chẳng là bất thường khi chúng ta ai cũng muốn né tránh những tình huống éo le như thế. Tuy nhiên, trốn tránh hoặc đổ lỗi thường khiến chúng ta mất cơ hội sửa chữa những rắc rối thực sự mà đáng lẽ ra chúng ta cần giải quyết.

Những lời biện minh này chỉ giúp chúng ta thoát khỏi trách nhiệm, đặt chúng ta vào vai trò nạn nhân, và trút lỗi sang người khác. Khi nào còn cho rằng đây là lỗi của người khác, thì chúng ta chẳng việc gì phải ra tay cải thiện tình hình. Vì sao ư? Đâu phải lỗi của mình – mình chỉ là nạn nhân!

Ba điều chúng ta sẽ chắc chắn gặp phải khi luôn biện minh

1. Luôn có một lời biện minh, khi bạn muốn

Nếu chúng ta thật sự muốn tìm một lời biện mình, nó sẽ xuất hiện ngay lập tức. Và một khi tìm được, chúng ta sẽ bám víu đến cùng. Một ví du: Khi biết rõ là cần phải tập thể dục nhiều hơn và thay đổi chế độ ăn để giải quyết bệnh tiểu đường, rất nhiều bệnh nhân sẽ đưa ra những lý lẽ để biện mình: “Nhưng thật không may là tôi không có thời gian”, “Tôi vẫn thường ăn như vậy mà, tôi quen rồi”, “Tôi làm việc rất khuya nên không thể dậy sớm để đến phòng tập gym được”, “Nếu chỉ ăn những gì tốt cho sức khỏe, tôi sẽ bỏ qua nhiều sơn hào hải vị mất”. Nhiều người thậm chí còn cù nhầy đến mức dám nói ra những lời biện minh đáng xấu hổ, đại loại “Chúng ta ai cũng phải chết vì một lý do nào đó, đúng không?”. Những lời biện minh này nghe có vẻ hợp lý, những vấn đề là những lời biện minh này có giúp người bệnh kiểm soát được căn bệnh trong người không? Tôi hy vọng, những người đưa ra những lời biện minh kiểu như này sẽ kịp nhận ra vấn đề trước khi quá muộn.

Điều đáng báo động là rất nhiều người không nhận ra tác hại của việc luôn biện minh. Đơn cử như những người nghiện thuốc lá, nghiện rượu luôn đưa ra lý lẽ gì đó cho việc chấp nhận thói quen xấu như những điều sẽ giúp cuộc sống họ tươi đẹp hơn (giảm stress, giao lưu…). Rồi đến một ngày bệnh tật kéo đến “Thật không ngờ thói quen đó lại hại đời ta?”.

Đọc đến đây, có một vài câu hỏi muốn hỏi độc giả, đặc biệt các em sinh viên:

  • Tại sao khả năng tiếng Anh của bạn chưa đủ tốt?
  • Tại sao việc học trên trường của bạn chưa thực sự khởi sắc?
  • Tại sao chuyện tình cảm của bạn còn nhiều rắc rối?
  • Tại sao sức khỏe của bạn lại “yếu xìu”?
  • ….

Hãy suy nghĩ và đưa ra “lý lẽ” thuyết phục nhé. :))

2. Khi sử dụng những lời biện minh, sẽ có đồng minh

Chúng ta hoàn toàn có thể đoán chắc là một khi bắt đầu dùng đến bất cứ lời biện minh nào, chúng ta sẽ tìm được đồng minh. Chúng ta có yên tâm là sẽ có. Bất kể những lời biện minh có vô lý hay giả tạo thế nào, vẫn luôn có ai đó tin, chia sẻ, và đồng cảm với chúng ta. Họ sẽ nói “Tôi hoàn toàn thông cảm với bạn, tôi đã từng bị y như thế”

Nếu gặp tình huống này, hãy tự hỏi đồng minh của chúng ta là người như thế nào? Họ có là “hình mẫu lý tưởng” của chúng ta không? Thông thường là không: họ thường là người thất bại! hoặc khá hơn thì chưa có gì đột phá trong cuộc đời. Những người thành công, ít khi (hoặc không) đổ lỗi và biện minh.

Hãy ngừng biện minh (ảnh: internet)

3. Biện minh chẳng thay đổi được gì

Sự thật hai năm rõ mười phía sau những lời biện minh là chúng chẳng thay đổi tình hình. Chúng chẳng giải quyết được những vấn đề, những rắc rối mà chúng ta đang cố gắng né tránh. Với những cái cớ êm tai, cuộc sống vẫn như cũ. Nếu trước đó cuộc sống chúng ta bình bình, thì nó tiếp tục bình bình (chưa kể có xu hướng xấu đi). Như vậy, sự biện minh chẳng khác gì thuốc độc, sử dụng chúng thì coi như chúng ta đang chuẩn bị “tự sát” – chuẩn bị cho thất bại. Tệ hơn nữa, cứ mỗi lần viện cớ, biện minh là chúng ta tiến thêm một bước tới việc khiến nó trở thành một phần trong cuộc sống mình.

Nhà soạn nhạc thiên tài Shakespeare đã hiểu điều này hơn ai hết. Ông đưa ra lý do để khuyên nhủ người đời hãy tránh sử dụng những lời biện mình: “Thường xuyên biện minh cho một lỗi lầm, chỉ làm cho lỗi lầm đó ngày một trầm trọng”. Ví dụ như nếu chúng ta thường xuyên nói “Tôi chẳng rảnh”, hoặc “Tôi bận lắm” hoặc “Tôi chẳng có thời gian” để bào chữa cho việc không làm những thứ đáng lẽ nên làm, thì sẽ đến lúc chúng ta nhận ra mình đã mất quyền làm chủ thời gian và cuộc sống của chính mình. Chúng ta sẽ có một cuộc sống đối phó, thụ động, luôn trong tình trạng “bận rộn” với những deadline này tới những chuyện khẩn cấp khác. Mỗi lần đưa ra biện minh, hiệu lực của nó sẽ lớn hơn và quen thuộc hơn với chúng ta. Cuối cùng đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành hiện thực của ta. Thật ra, những lời biện minh là con đường dễ nhất để làm bạn với kẻ thù lớn nhất của thành công: sự tầm thường!

Lời kết

Việc lặp đi lặp lại những lỹ lẽ và viện dẫn xuôi tai sẽ cản trở chúng ta hành động. Một cách vô thức, chúng ta lặp lại những tiêu cực trong cuộc sống mình mà không thể dứt ra. Những lời biện minh chẳng hơn gì những lời nói dối được ngụy trang dưới những lớp áo tưởng như sự thật. Cuộc sống sẽ chẳng thể tốt hơn.

Vì vậy, chúng ta hãy vứt ngay vào sọt rác những lời thanh minh và viện dẫn rác rưởi. Bạn bè chúng ta không cần chúng, người thân ta không cần chúng, thành công của ta căm ghét chúng và chỉ ta mới là người quyết định có dùng chúng hay không.

 

Nguồn: ktck-humg.com

Sưu tầm: Hà An - Tổ Hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo