Vì sao nói lời xin lỗi lại khó đến vậy?

 

Lời xin lỗi luôn là điều chúng ta được dạy ngay khi còn rất bé. Một lời xin lỗi chân thành có tác dụng bày tỏ nỗi ân hận vì đã gây ra sự phiền toái, tổn thương hay thiệt hại cho người khác. Tuy nhiên, nói ra lời xin lỗi không phải lúc nào cũng dễ dàng. Theo nhà trị liệu tâm lý Beverly Engel, có rất nhiều chướng ngại trên con đường thực hiện điều đúng đắn.

1. Tổn thương lòng kiêu hãnh

Xin lỗi tức là gạt lòng kiêu hãnh sang một bên để thừa nhận thiếu sót của bản thân. Với một số người đây là điều quá nhạy cảm và mạo hiểm. Họ không muốn thừa nhận mình có sai sót hoặc điểm yếu. Vì vậy, con người thường có xu hướng biện hộ hoặc đổ lỗi cho người này, việc kia, thậm chí cho... thời tiết thay vì đứng ra chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân.

2. Dấu hiệu của sự yếu đuối

Đối với nhiều người, đặc biệt là phái mạnh chịu ảnh hưởng của tính nam độc hại, xin lỗi thể hiện sự yếu đuối. Những người này có xu hướng muốn được công nhận là luôn đúng và muốn được xem như người mạnh mẽ và quyền lực. Họ sợ rằng những sai lầm này sẽ khiến họ yếu kém hoặc thất bại.

Tuy nhiên, xin lỗi và nhận trách nhiệm cho những tổn hại đã gây ra mới là một biểu hiện của sự dũng cảm và mạnh mẽ. Khi chấp nhận lỗi lầm của mình, họ đang bộc lộ bản thân trước ánh mắt soi xét của người khác. Đây là điều chỉ người mạnh mẽ mới làm được.

Nhiều người sợ rằng thừa nhận sai lầm này sẽ khiến họ yếu kém hoặc thất bại. | Nguồn: Shutterstock

3. Sợ hãi sự hổ thẹn

Một phần nguyên nhân là vì đã từng trải qua quá nhiều sự xấu hổ trong thời thơ ấu. Ngoài ra, việc sống giữa một cộng đồng thường chỉ trích hoặc bác bỏ lẫn nhau sẽ khiến một số người dựng lên cơ chế phòng thủ. Họ cho rằng cách đơn giản nhất để giải quyết vấn đề là tránh né các nguy cơ rơi vào tình trạng bị chỉ trích, bao gồm việc thừa nhận sai lầm và xin lỗi.

4. Lo lắng về hậu quả

Nhiều người cho rằng nếu họ mạo hiểm xin lỗi thì có thể bị khước từ và không nhận được sự tha thứ từ người khác. “Lỡ như anh ấy không bao giờ nói chuyện với tôi nữa thì sao?” và “Lỡ đâu cô ấy rời bỏ tôi thì sao?” là hai câu nói phổ biến nhất của nỗi sợ này.

Số khác thì e ngại việc xin lỗi vì không muốn bị vạch trần trước mặt người khác, tiếp đó là huỷ hoại danh tiếng của mình. Những người này luôn thường trực nỗi lo “Lỡ như cậu ta nói với mọi người điều tôi đã làm thì sao?” mỗi khi cân nhắc đến việc nói xin lỗi.

Một số người lại sợ mình sẽ mất đi sự tôn trọng của người khác. “Lỡ như cô ấy nghĩ tôi kém cỏi thì sao?”. Ngoài ra, cũng có những người sợ sự trả đũa, “Lỡ mình bị mắng thì sao?” hay “Lỡ mình bị trả thù thì sao?”. Cuối cùng, nỗi sợ bị vạch trần hay thậm chí là bị bắt giữ có thể ngăn chúng ta làm điều cần làm. Kể cả những người rất hối lỗi vì hành động sai trái của mình cũng chần chừ vì sợ thiệt hại.

Nhiều người sợ việc bị khước từ, bị vạch trần hoặc hạ thấp sau khi nhận lỗi. | Nguồn: Shutterstock

5. Thiếu nhận thức và mất khả năng thấu cảm

Nhiều người không xin lỗi vì họ hoàn toàn không biết hành động của mình đã để lại hậu quả gì cho người khác. Họ không xin lỗi đơn giản vì không nhận thức được mình sai ở đâu. Có thể họ quá tập trung vào tổn hại từ người khác mà quên mất điều ngược lại, hoặc có khả năng là họ chỉ tập trung vào bản thân.

Mỗi người đều có nỗi khổ riêng. Và trong nỗ lực sau cùng để chấm dứt nỗi khổ, nhiều người chọn cách đóng cửa tâm trí hay hóa đá trái tim. Mặc dù mục đích ban đầu là để không cảm nhận nỗi đau của mình nữa, nhưng dần dần họ cũng không nhận thấy được nỗi khổ của người khác. Từ đó, họ mất đi khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận.

Một số khác không xin lỗi đơn giản vì không nhận thức được mình sai ở đâu. | Nguồn: Shutterstock

Kết

Khi thừa nhận mình sai, vượt qua nỗi sợ và sự kháng cự đối với việc xin lỗi, chúng ta hình thành một sự tôn trọng sâu sắc đối với chính bản thân mình. Lời xin lỗi còn là cách con người trao nhau thấy tấm lòng trân trọng đối với mối quan hệ, và rộng lượng cho đôi bên thêm một cơ hội nữa.

 

Nguồn: vietcetera.com

Sưu tầm: Vũ Phương - Tổ Kỹ thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo