Việt Nam đề xuất quản lý nguồn nước xuyên biên giới tại APEC

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhắc đến hạn hán nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long và đề nghị các nước quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới.

 

Phát biểu tại phiên họp hôm qua của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết biến đổi khí hậu, thiên tai và sự khan hiếm nguồn nước tác động đến phát triển bền vững và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực trong khu vực, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.

 

Chủ tịch nước nêu rõ đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một trong những vựa lúa quan trọng của thế giới, đang chịu tác động của nạn hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của hàng chục triệu người dân.

Đây là phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề "An ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước" và "Liên kết châu Á - Thái Bình Dương: Hướng tới kết nối hiệu quả và thiết thực".

 

Chủ tịch nước Việt Nam đã nêu ra 5 đề xuất, trong đó có việc cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nguồn nước trên các cấp độ, bao gồm quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gắn kết các chương trình kết nối khu vực, trong đó có kết nối của ASEAN và các chương trình kết nối tiểu vùng sông Mekong.

 

Trước đó, trong phiên toàn thể thứ nhất, Chủ tịch nước Việt Nam cho rằng APEC cần nắm bắt những xu thế mới, tích cực khởi xướng, điều phối thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế trên mọi tầng nấc, trong đó có Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

 

Với tư cách nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chào mừng các lãnh đạo và đại biểu các nền kinh tế thành viên đến tham dự các hoạt động tại Việt Nam với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".

 

Chủ tịch nước khẳng định đăng cai Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng. 

 

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 11/11 năm sau tại Đà Nẵng.

 

Khánh Lynh

Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc

Sưu tầm:: Thùy Linh – tổ hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo