Bảo dưỡng ô tô: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trong quá trình sử dụng xe, các thiết bị vận hành dẫn tới hao mòn, hiệu suất giảm, thậm chí hư hỏng. Tuy nhiên, do quá trình này thường xảy ra từ từ nên lái xe khó nhận biết.

 

Trong quá trình sử dụng xe, các thiết bị vận hành dẫn tới hao mòn, hiệu suất giảm, thậm chí hư hỏng. Tuy nhiên, do quá trình này thường xảy ra từ từ nên lái xe khó nhận biết, chỉ đến khi những biểu hiện lạ xuất hiện thì bạn mới cho xe vào xưởng thì khi đó, xe đã phải sửa chữa - nghĩa là đã nhiễm bệnh.

 

Có nhiều trường hợp biểu hiện lạ xuất hiện rất nhanh và là nguyên nhân gây tai nạn... Để phòng bệnh, tránh phải sửa chữa lớn và nguy cơ gây tai nạn, cách tốt nhất là bạn nên bảo dưỡng thường xuyên, đúng cách. Theo các chuyên gia kỹ thuật ô tô, dưới đây là một số hạng mục tối thiểu mà chủ xe cần quan tâm.

 

1. Thay dầu động cơ

 

Dầu nhờn có vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của động cơ. Vì thế, cần kiểm tra mức dầu hàng tuần với những xe sử dụng thường xuyên, có thể 2-3 tuần hoặc lâu hơn với xe ít sử dụng. Thông thường, các chuyên gia khuyến cáo nên thay dầu thường xuyên trong khoảng 5.000 km vận hành nhằm giữ cho động cơ sạch sẽ, hiệu suất cao nhất.

 

Tuy nhiên, với những trường hợp xe vận hành liên tục trên quãng đường dài vài trăm km thì cần thay dầu sớm hơn, tùy theo quãng đường vận hành liên tục ra sao. Ngoài việc dựa vào quãng đường, bạn có thể kiểm tra khói xả, độ nhớt (bằng cách quan sát và bằng cách xoa hai đầu ngón tay có dầu). Khi độ nhớt giảm, có cặn khét, khói đen... là đã đến lúc phải thay dầu mới. Mỗi xe và mỗi khu vực địa lý lại phù hợp với một loại dầu khác nhau nên việc lựa chọn dầu nên theo hướng dẫn của các nhà sản xuất ô tô.

 

2. Dây cu-roa, ống cao su

 

Dù ngày nay với sự phát triển của công nghệ, độ bền của dây cu-roa ngày càng tăng nhưng không vì thế mà bạn lơ là. Các chuyên gia kỹ thuật ô tô cho hay, khi xe đã chạy được trên 80.000 km, thường tương đương khoảng 5-6 năm sử dụng, bạn phải kiểm tra toàn bộ dây cu-roa.

 

 

Bất kỳ vết mòn vẹt, vết nứt dù nhỏ cũng là dấu hiệu đã đến lúc cần phải thay dây mới. Tương tự là các ống dẫn bằng cao su. Thậm chí, dù không thể phát hiện những hao mòn hư hại bằng mắt thường thì các chuyên gia cũng khuyên bạn nên thay cả dây cu-roa và các dây cao su sau khoảng 80.000 km.

 

3. Kiểm tra hệ thống phanh

 

Đầu tiên bạn cần làm là mở nắp capo và kiểm tra dầu phanh còn đủ hay không. Thông thường sẽ có khoảng giới hạn Max và Min gạch trên bình dầu phanh. Trường hợp dầu nằm sát vạch Min thì cần phải đưa xe tới xưởng để kiểm tra vì có thể phanh đã bị mòn. Nếu trong một thời gian ngắn mà lượng dầu phanh giảm nhanh thì rất có thể hệ thống phanh đã bị chảy dầu.

 

Trong quá trình vận hành, khi đạp phanh bạn có cảm giác như rung thì nhiều khả năng đĩa phanh đã bị cong, cần sửa chữa hoặc thay thế. Trường hợp nhấn phanh mà phanh không đứng, lún dần xuống là xi lanh chính của phanh đã bị hỏng - hiện tượng nguy hiểm cần phải thay thế khẩn cấp. Với những xe hiện đại, nhiều hư hại hoặc trục trặc của hệ thống phanh sẽ được hiển thị trên bảng điều khiển trung tâm.

 

4. Hệ thống đèn, cần gạt nước, lốp

 

Hệ thống chiếu sáng cũng như cần gạt nước tốt giúp bạn an tâm khi lái xe trong điều kiện trời tối hoặc trời mưa. Ngược lại, sự trục trặc của những hệ thống này có thể mang lại cho bạn những phiền toái, thậm chí nguy cơ gây tai nạn vì tầm nhìn bị hạn chế. Vì thế, cần kiểm tra khả năng hoạt động của đèn pha, cốt, đèn tín hiệu (signal) cũng như cần gạt nước trước (sau - nếu có)...

 

Ngoài ra, bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra lốp, áp suất lốp để đảm bảo xe có độ bám đường tốt nhưng lốp không quá “non” dẫn tới tiêu hao nhiên liệu hơn bình thường. Ngoài ra, cũng có thể đảo vị trí lốp, trong ra ngoài để xe vận hành cân, tốt nhất.

 

5. Vệ sinh nội, ngoại thất

 

Đừng vì ngại mà không đưa xe vào nơi rửa xe bởi điều này không những giúp xe sạch sẽ mà còn giúp bảo vệ màu sơn xe. Tương tự, việc vệ sinh nội thất xe cũng rất quan trọng, giúp bạn cảm thấy an toàn, thoải mái khi bước vào trong xe. Nên nhớ đây là phương tiện vận chuyển người nên hạn chế tối đa việc đưa hàng hóa có mùi lên xe, các hóa chất...

Theo GTVT

 

Sưu tầm: Xuân Lạt

zalo

Đặt hàng online

zalo