Bảo vệ và quản lý hiệu quả nguồn nước ngầm

 

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học, mức nước ngầm tại vùng ÐBSCL đang ngày càng thấp do khai thác và sử dụng không kiểm soát. Ðiều này không chỉ suy giảm nguồn nước ngầm, mà còn là nguyên nhân gây sụt lún đất, xâm nhập mặn… Làm thế nào để khai thác, quản lý và bảo vệ nguồn nước ngầm vùng ÐBSCL một cách hiệu quả là mối quan tâm lớn hiện nay.

 

*Nhiều mối đe dọa

 

Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay tài nguyên nước ngầm ở ĐBSCL đang sụt giảm số lượng và chất lượng đáng kể; đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt nguồn nước ngọt từ nguồn nước mưa và dòng chảy sông ngòi. Nhất là vào mùa khô, nên việc khai thác nước ngầm gia tăng.


Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm ở một số nơi trong khu vực ĐBSCL bắt nguồn từ việc hút nước không đều, làm mực nước ngầm giảm là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún đất và tăng độ mặn nguồn nước ngầm.

 

Ngoài ra, khai thác nước ngầm tràn lan còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, như: cơ sở hạ tầng bị phá hủy, gia tăng rủi ro do lũ, xói lở vùng ven biển, thay đổi dòng chảy trên hệ thống sông, xâm nhập mặn nước mặt và nước dưới đất... Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, chia sẻ: Phần lớn gia đình ở nông thôn vùng ĐBSCL đều có một giếng khoan, có hộ có 3-4 giếng. Người dân cho rằng nước ngầm là nguồn nước vô tận, nên sử dụng rất thoải mái thậm chí phung phí.

 

Ngoài dùng trong sinh hoạt gia đình có hộ còn bơm nước ngầm phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Điều này dẫn đến mực nước tầng nông suy giảm nhiều, hiện có khuynh hướng khai thác giếng nước ở tầng sâu hơn 300m. Đặc biệt có nghiên cứu cho thấy mặt đất bị lún trung bình 1-2 cm/năm, do hút nước làm tầng chứa nước bị nén xuống gây lún đất. Cá biệt có nơi lún đất đến 4cm/năm. Lún đất dẫn đến nguy cơ ngập nước trầm trọng hơn và nguy hiểm hơn là có thể làm nghiêng, nứt tường, sập nhà hay công trình xây dựng.


Một số nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy nguồn nước ngầm vùng ĐBSCL có nguy cơ nhiễm Asen (thạch tín) cao. GS. TS Stefan Norra, Học viện Công nghệ Karlsruhe (CHLB Đức), cho biết: Khu vực trọng tâm có nguồn nước nhiễm Asen ở Việt Nam là khu vực trầm tích thể.


Ở Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL. Tại đây, mối đe dọa tiềm ẩn của Asen là rất cao, đe dọa này bao gồm những bệnh do phơi nhiễm Asen. Asen trong trường hợp này không phải do con người mà do nguồn địa chất gây ra. Nguồn nước bị ô nhiễm Asen không chỉ được dùng để uống mà còn dùng cho chăn nuôi gia súc và tưới tiêu.

 

Vì vậy, cả chuỗi thức ăn đều bị ảnh hưởng. Việc phát triển của nồng độ Asen trong nước ngầm đến nay vẫn chưa thể đoán trước được. Các tác động đến sức khỏe con người có thể theo dõi sau nhiều thập kỷ, do việc tích tụ Asen vào cơ thể người.

 

Sử dụng nước sinh hoạt và tưới tiêu tiết kiệm là giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm

 

*Cần quản lý hiệu quả


Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay cho vùng ĐBSCL là phải phối hợp để quản lý tốt nguồn nước ngầm, hạn chế thấp nhất những rủi ro khi mực nước ngầm ngày một sụt giảm. Theo ý kiến của các chuyên gia, quản lý nước ngầm trong vùng được điều phối bền vững là một thành phần trong "sự phối hợp toàn diện để xây dựng các quy hoạch kinh tế - xã hội cũng như quản lý không gian và tài nguyên nước chiến lược" là cần thiết. Quản lý nước ngầm tổng thể lâu dài bao gồm nhiều giải pháp phi tập trung và cần được thực hiện nghiêm túc.

 

Tiến sĩ Alexander Scheuermann, Đại học Queensland (Úc), cho rằng: "Vùng ĐBSCL cần giảm thiểu và phân bố nơi khai thác mạch nước ngầm, bổ sung mạch nước ngầm nhân tạo, lọc bãi ngầm, cung cấp nguồn nước bề mặt. Thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy phép khai thác nước và thu phí sử dụng nước, đặc biệt cho ngành công nghiệp; có kiểm soát chặt chẽ, cấm hoặc giảm khai thác nước ngầm nhỏ, lẻ khó kiểm soát.

 

Ngoài ra, cần có quyết định cấp vùng hoặc địa phương về lưu lượng nước ngầm sử dụng cho thủy lợi, chăn nuôi, công nghiệp; thường xuyên quan trắc nước và chất lượng nước"… GS. TS Franz Nestmann, Học viện Công nghệ Karlsruhe (CHLB Đức), khuyến nghị: "Để bảo vệ và quản lý tốt nguồn tài nguyên nước trong tương lai, các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hiện đại bảo đảm cho sự phát triển hài hòa, bền vững của toàn vùng".


Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, cần thay đổi quan điểm của người sử dụng nước ngầm và cả cán bộ chính quyền theo hướng xem nước ngầm là nguồn "dự trữ chiến lược", bình thường không được bơm lên chỉ trừ trường hợp khô hạn ngặt nghèo như năm 2016.

 

Về phía Trung ương cần nhanh chóng nghiên cứu triển khai công nghệ bơm nước vào tầng chứa nước để dự trữ vừa giúp nâng cao mực nước ngầm đang bị suy giảm vừa giúp cải thiện tình trạng lún đất.

 

Vùng ĐBSCL xây dựng phương án dự trữ nhiều nước mặt trong mùa mưa theo cách phân tán, bảo đảm toàn vùng trong mùa khô luôn có nước trữ trong lớp đất mặt và thuận tiện cho địa phương cần thì có ngay mà ít tốn chi phí xây dựng vận hành nhất. PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, cũng cho rằng: Cộng đồng cần tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất. Các địa phương hạn chế cấp phép và khai thác nước ngầm. Thực hiện nghiên cứu và triển khai bổ cập nhân tạo nước ngầm ở các tầng dưới đất. Áp dụng các phương pháp khoa học tái chế nước qua sử dụng và xử lý nước mặn thành nước ngọt cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là các địa phương ven biển.


Ngoài ra, Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần được triển khai xây dựng theo nguyên tắc quy hoạch sử dụng nguồn nước ưu tiên khai thác nguồn nước mặt; chỉ sử dụng nguồn nước dưới đất tại những khu vực không có khả năng khai thác nguồn nước mặt.

 

Định hướng đến năm 2050, nguồn nước chính cấp nước cho vùng ĐBSCL là nguồn nước mặt từ sông Tiền và sông Hậu; nghiên cứu sử dụng thêm các nguồn nước lợ, nước mưa. Từ đó, tiến tới thay thế các nhà máy nước ngầm tại các đô thị; nâng công suất các nhà máy nước liên vùng hiện có.

 

Nguồn: pktomon.com

Sưu tầm: Xuân Lạt

zalo

Đặt hàng online

zalo