Bảy thói quen của người thành đạt: Tư duy cùng thắng

 

Chúng ta không sống đơn độc trên thế giới này. Chúng ta phải tương tác với những người khác, những người mà ước muốn và tham vọng riêng của họ có thể xung đột với của chúng ta. Chắc chắn, mục tiêu của bạn trong cuộc sống có thể là kiếm công việc ở một công ty nào đó, nhưng công ty đó có mục tiêu riêng và có thể họ không nghĩ bạn là người giúp họ đạt được chúng. Có thể bạn đặt ra mục tiêu tập thể dục vào buổi sáng, nhưng vợ của bạn muốn bạn giúp cô ấy chuẩn bị cho lũ trẻ đi học

Làm thế nào để hướng tới thành công khi một cá nhân như bạn sống giữa các cá nhân khác với ước muốn tương tự?

VSCI xin tóm tắt câu trả lời cho câu hỏi trên của Covey thông qua bộ ba “thói quen của thành công tập thể” và thói quen đầu tiên trong bộ ba hướng ngoại này chính là tư duy cùng thắng, mà theo như cách nói của Covey là “mô thức” (Paradigm) cho thành công.

Hãy thay đổi bản thân trước khi nghĩ cách thay đổi thế giới Các thói quen của thành công tập thể được xây dựng dựa trên những thói quen của thành công cá nhân. Trước khi bạn có thể tương tác và hợp tác thành công với mọi người, bạn phải là một cá nhân độc lập. Bạn phải biết mình là ai, mình đang đi đâu và mình đang làm gì. Thất bại trong việc tự nhận thức bản thân sẽ chỉ dẫn đến thất vọng và mông lung khi bạn va chạm với những người khác, tất cả họ đều có con đường của riêng mình, và sẽ cuốn bạn theo hướng đi của họ bằng cách này hay cách khác.

Nói cách khác, nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng cách thay đổi bản thân trước.

Jordan B. Peterson cũng có suy nghĩ tương tự, ông nói: ” Hãy đi mà định hình bản thân trước khi tính chuyện định hình thế giới.” (“Sort yourself out, bucko, before you try sorting out the world.”)

Vậy có phải điều này có nghĩa là cuộc sống hướng nội của bạn phải kỷ luật hoàn toàn trước khi bạn bắt đầu cố gắng thay đổi thế giới xung quanh mình? Tất nhiên là không. Không ai hoàn toàn định hình rõ bản than mồn một cả. Đó là một quá trình lâu dài. Tuy nhiên nếu bạn muốn đạt được bất kỳ tiến bộ nào với những thói quen hướng ngoại thì trước hết bạn phải phát triển được những cải tiến bên trong.

Thói quen hướng ngoại tuy “không cuốn hút”, nhưng rất quan trọng
Mặc dù điều quan trọng là bạn phải kỷ luật bản thân trước khi bạn cố thay đổi thế giới nhưng vấn đề lớn hơn cả việc làm tuần tự 2 bước này là người ta thường không bao giờ chuyển sang bước 2.

Phải công nhận là, việc định hình bản thân có vẻ như một khóa học “nặng đô” và nó thực sự đòi hỏi sự gan lì và quyết tâm, nhưng thật ra, đó là phần dễ nhất, thú vị nhất và đầy phấn khích trong việc cải thiện cuộc sống của bạn.

Tự thiết kế con đường phát triển cho bản thân cũng thú vị đấy chứ. Kế hoạch này tập trung vào một trọng tâm cực kỳ đơn giản và xuyên suốt.; chịu trách nhiệm cho chính mình, bạn sẽ được giải thoát khỏi những gánh nặng vướng víu của các tác nhân bên ngoài.

Đó là lý do tại sao khi mọi người nói về Bảy thói quen của người thành đạt, họ bàn tán rất nhiệt tình về ba thói quen đầu giúp đi đến thắng lợi cá nhân và bỏ qua những thói quen tiếp theo vốn phải tương tác người khác. Nhưng thói quen thành công tập thể bị cá nhân ta bỏ qua. Nó có thể không thu hút, nhưng rất quan trọng trong việc giúp ta đạt được thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Ở Mỹ, người ta yêu thích ý tưởng về “người tự phấn đấu.” (Self-made man). Đó là cách gọi một người theo chủ nghĩa cá nhân đầy gai góc và kiên cường, không nhận sự giúp đỡ từ ai cả, tự leo lên các nấc thang trong sự nghiệp để tiến đến thành công.

Đó chắc chắn là một hình mẫu đầy cảm hứng khuyến khích với các đức tính đáng ngưỡng mộ của sự chủ động và tự lực.

Nhưng nó là một huyền thoại. Mà huyền thoại thì tuy hữu ích và tạo cảm hứng, nhưng dù sao cũng chỉ là một huyền thoại mà thôi.

Thực tế là thành công của chúng ta trong cuộc sống không chỉ nhờ vào nỗ lực cá nhân. Tuy bản thân chúng ta phải nổ lực và kiên cường, nhưng cũng phải cần hợp tác với người khác, bất kể ta tự chủ như thế nào trong cuộc sống.

Nếu bạn là một nhà văn, bạn cần độc giả. Nếu bạn là một doanh nhân, bạn cần khách hàng và bạn phải tương tác với nhân viên. Nếu bạn muốn kết giao bạn bè, bạn cần phải đi giao lưu với người khác ngoài bản thân mình.

Bạn không thể phát triển toàn vẹn trong sự nghiệp, gia đình và xã hội mà không cần người khác.

Vì vậy, tuy sự chủ động của ​​cá nhân là cần thiết cho sự thành công, nhưng điều đó chưa đủ. Các mối quan hệ của chúng ta (và một chút may mắn) là một phần quan trọng của điều kiện đủ .

Bốn mô thức cho các mối quan hệ

Các mối quan hệ rất cần thiết cho sự thành công của chúng ta, như Robert Kiyoshaki từng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ trong cuốn Dạy con làm giàu: “Để thành công, việc con biết GÌ không quan trọng bằng việc con biết AI” (WHAT you know is not important than WHO you know). Tuy nhiên thật khó để ta lèo lái các mối quan hệ đó. Bở chúng ta phải làm việc với những người có ý tưởng riêng, mục tiêu riêng, và thế giới quan riêng của họ.

Trong mọi mối quan hệ, dù là kinh doanh hay cá nhân, mỗi bên đều muốn một cái gì đó, và Covey đưa ra bốn tình huống/kết quả có thể xuất hiện từ sự va chạm của những cái tôi riêng biệt này:

Thắng / Thắng

Mọi người đều cảm thấy họ được hưởng lợi từ mối quan hệ. Các thỏa thuận và giải pháp đều có lợi cho đôi bên và tất cả các bên cam kết thực hiện thỏa thuận. Trong kinh doanh, điều này chính là một hợp đồng mang lại lợi ích bình đẳng. Trong một gia đình, nó chính là một sự sắp xếp công việc nhà mà cả cha lẫn mẹ và con trẻ đều đồng ý tham gia.

Thắng / thua

Trong một mô hình Thắng / Thua, bạn có được những gì bạn muốn trong khi bên kia cảm thấy như họ chỉ nhận phần thiệt về mình. Theo Covey, các cá nhân sử dụng mô thức Thắng / Thua có xu hướng “sử dụng các chức vụ, quyền lực, uy tín, tài sản, hoặc nhân phẩm để có được thành công”.

Thắng / Thua là khi một ông chủ yêu cầu nhân viên của mình phải ở lại muộn sau giờ làm việc, nếu không anh ta sẽ mất việc hoặc khi cha mẹ bảo đứa con dọn dẹp phòng của mình với lý do “Ba bảo thì làm đi”.

Chắc chắn trong một số trường hợp mô thức thắng / thua không thể tránh khỏi. Một trận bóng đá phải có kẻ thắng và người thua, một số thị trường kinh doanh chỉ cho phép tồn tại một công ty thống lĩnh và đôi khi trẻ em phải làm những thứ chúng không muốn làm ngay, kể cả khi việc đó không có lợi gì cả từ quan điểm của chúng.

Nhưng thế Thắng / Thua thường dẫn đến  một chiến thắng phải trả giá đắt. Bạn đạt được những gì bạn muốn trong ngắn hạn, trong khi gây tổn hại một mối quan hệ trong dài hạn.

Thua/Thắng

Các cá nhân sử dụng hướng Thua / Thắng vào các mối quan hệ là những “người tốt bụng” rập khuông. Họ biến mình thành thảm chùi chân và cứ để mọi người giẫm đạp mình. Họ tiếp cận mọi cuộc đương đầu với một người khác với mô thức “Tôi đầu hàng, và bạn có được những gì anh muốn.”

“Tôi sẽ làm bất cứ điều gì anh muốn tôi làm.”

“Ồ, anh gửi báo cáo trễ à? Không sao cả! Đừng lo lắng về điều đó. Không nhầm nhò gì đâu!”

“Anh sẽ không đi chơi với bạn anh bởi vì anh biết em không thích vậy”.

Đối với Covey, Thua / Thắng thậm chí còn tồi tệ hơn Thắng / Thua vì ít nhất người tiếp cận các mối quan hệ từ quan điểm thứ hai còn có một số tiêu chuẩn và sự tự trọng mà anh ta sẵn sàng bảo vệ! Anh chàng Thua/ Thắng không tin vào bất cứ điều gì – anh chỉ muốn tránh xung đột và khiến mọi người thích anh ta.

Điều ngớ ngẩn về Thua/Thắng là tuy nó có thể làm các mối quan hệ suôn sẻ trong ngắn hạn, nhưng oán giận sẽ dần dần tích tụ trong những người cách có cách tiếp cận cuộc sống theo hướng này. Và sự oán giận đó cuối cùng sẽ lộ dần ra trong sự hung hăng hoặc bùng nổ thành một cơn thịnh nộ.

Nói như vậy  không có nghĩa thế Thua / Thắng tuyệt đối không được tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể sử dụng cách tiếp cận đó khi vấn đề thực sự không gây phiền phức gì, hoặc khi tin rằng nó sẽ không gây hại cho mối quan hệ lâu dài. Có thể một đối tác muốn thương lượng một điều khoản bất lợi cho bạn trong ngắn hạn, nhưng đó lại là một vấn đề lớn đối với anh ta; bạn có thể làm lớn vấn đề và đòi hỏi quyền lợi từ đó, nhưng nó có thể gây hại cho mối quan hệ kinh doanh sau này. Covey cho rằng sẽ khôn ngoan hơn khi nhượng bộ vấn đề đó và chấp nhận chút thiệt thòi vì lợi ích triển vọng phát triển dài hạn. Việc biết khi nào cần nhân nhượng đòi hỏi người ta phải có ý thức về cái tôi và mục đích rõ ràng.

Thua/ Thua

Thua /Thua xảy ra thường khi bạn giận quá mất khôn. Nếu bạn chịu xuống nước, người khác cũng sẽ nhượng bộ lại bạn . Tình huống Thua / Thua diễn ra khi hai người bướng bỉnh và kiêu ngạo đọ sức với nhau. Thua / Thua là khi doanh nhân làm phá sản công ty của mình để theo một vụ kiện tụng nhằm trả đũa một đối thủ cạnh tranh; đó là một người bạn làm cho buổi tối của tất cả mọi người trở nên buồn não bởi vì anh ta không làm được những gì anh ta muốn.

Hướng tiếp cận Thắng / Thua hoặc Thua / Thắng có thể được sử dụng vào mục đích chiến lược một cách chừng mực, nhưng có lẽ không có tình huống nào áp dụng cách tiếp cận Thua / Thua mà có lợi.

Làm thế nào để theo đuổi các mối quan hệ Thắng / Thắng

Mặc dù chắc chắn tại một thời điểm hay tình huống nào đó, Thắng / Thua và Thua / Thắng cần xảy ra trong mối quan hệ của ta với mọi người nhưng Covey tin rằng tình thế Thắng / Thắng là một trong những điều chúng ta nên phấn đấu để đạt nhất, vì duy nhất nó giúp ta có được điều mình muốn và phát triển mối quan hệ trong lâu dài.

Thật vậy, việc tìm kiếm các mối quan hệ thắng / thắng là chìa khóa giúp chúng ta đạt được sự trưởng thành – một trạng thái vững chắc, phù hợp để thúc đẩy hạnh phúc và thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Dưới đây là cách thực hiện:

Hãy nuôi dưỡng sự khiêm nhường của bạn. Ý nghĩ rằng bạn có thể đạt được bất cứ thứ gì một mình hoàn toàn là một sản phẩm của cái tôi. Mà cái tôi chính là kẻ thù. Covey cho rằng thành công cá nhân thực ra là một sản phẩm của sự tương thuộc (interdependency), và sự tương thuộc vốn đã bao hàm sự phụ thuộc (denpendency), một tình thế mà chúng ta thường không ủng hộ. Thẳng thắn thừa nhận việc chúng ta phải dựa vào những người khác để tồn tại và thành công không chỉ thể hiện bạn là người theo chủ nghĩa hiện thực rõ ràng, mà còn là một sự khiêm tốn tỉnh táo.

Biết rõ ‘bản chất con người” của người khác. Khi bạn còn trẻ (hoặc chưa trưởng thành dù ở lứa tuổi nào), bạn cảm thấy thế giới xoay quanh mình. Cho dù là vô ý thức, bạn không thấy mọi người khác cũng hoàn toàn là “rất con người” – ít nhất là không theo cách bạn nhìn nhận bản thân mình; nghĩa là họ cũng có những nhu cầu, ham muốn, và những giấc mơ quan trọng với họ như là những thứ đối với bạn.

Khi bạn tìm kiếm các mối quan hệ Thắng / Thắng, bạn nhận ra rằng những người khác cũng như bạn đều có những mục tiêu riêng của họ – bạn nhận ra tính cá nhân của họ. Điều đó không chỉ giúp bạn hiểu thế giới tốt hơn, lèo lái nó với ít thất vọng hơn, mà mức độ cảm thông đó còn khiến bạn trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn.

Cần một tầm nhìn dài hạn. Khi bạn sống trên đời mà chỉ muốn giành phần thắng về mình và chừa phần thua cho người khác, chắc chắn bạn sẽ có được điều mình muốn trong ngắn hạn. Nhưng bạn sẽ phá đi các cầu nối , và âm thầm phá hủy cơ hội thành công của bạn trong dài hạn. Do đó, tìm kiếm một tình thế Thắng / Thắng liên quan đến tập luyện mức độ nhẫn nại để có được kết quả. Hãy cố gắng nỗ lực để đảm bảo rằng bạn không chỉ có được điều bạn muốn, mà người khác cũng vậy, để bạn không chỉ được hưởng lợi một thời điểm mà còn cả đoạn đường phía sau.

Phải quyết đoán. Những người tiếp cận các mối quan hệ từ mô thức của Thắng / Thua thì quá chủ động, còn những người tiếp cận theo mô thức của Thua / Thua lại quá thụ động.

Cách tiếp cận tốt nhất để tránh những thái cực này mà theo đuổi trung điểm giữa chúng là hãy quyết đoán.

Trích sơ đồ “7 thói quen của người thành đạt”

Khi bạn quyết đoán, bạn hiểu được điều bạn muốn làm một cách chắc chắn và không cần biện bạch, và cũng xem xét nhu cầu và mong muốn của người khác. Bạn không hành động như một đứa trẻ nóng nẩy, suốt ngày đòi hỏi, cũng không để cho mọi người lấn lướt vì tính dễ dãi của một gã “tốt bụng” điển hình. Bạn thẳng thắn theo đuổi những gì bạn muốn, mà không cần trở thành một “tên khốn” để đạt được nó.

Hoặc như Covey diễn giải, “Trưởng thành là sự cân bằng giữa lòng dũng cảm và sự cân nhắc.”

Hãy đón nhận thách thức để trưởng thành. Các thói quen tập thể, hướng ra bên ngoài không cuốn hút hay vui vẻ bằng những thói quen cá nhân, tập trung vào bên trong bởi vì những thói quen này chỉ liên quan đến một nhân tố duy nhất: bản thân bạn.

Nhưng việc nuôi dưỡng các thói quen hướng về người khác khi được nhìn từ góc độ nào đó có thể mang đến sự hài lòng, hứng thú và thậm chí là sự phấn khích riêng của nó. Một trong số đó, theo thuật ngữ của Covey, nhìn nhận mối quan hệ như một trò chơi.

Bạn đừng nhầm lẫn, điều này không có nghĩa là bạn nên xem các mối quan hệ như một trò chơi và theo đó đối xử với mọi người như các món đồ chơi mà không quan tâm đến cảm xúc và mục tiêu của họ. Mà thay vào đó xem họ như một thách thức, một câu đố, một đấu trường nơi chiến thuật và chiến lược chu đáo phải được triển khai. Mọi kịch bản đều khác nhau và không có quy tắc đặt trước hoặc phổ quát.

Theo đuổi kịch bản Thắng / Thắng không phải là trò chơi trẻ con mà là một sự theo đuổi chín chắn của những người đã hiểu rõ bản thân, và sẵn sàng tiếp tục thay đổi thế giới xung quanh mình.

 

Nguồn: Art of Manliness

Sưu tầm: Kim Mỹ - BP. Kho

zalo

Đặt hàng online

zalo