Bí quyết giữ chân nhân viên qua mùa lễ tết

 

Vấn đề nhân sự nhà hàng, cafe mỗi mùa lễ tết luôn là bài toán đau đầu với mỗi người kinh doanh. Tết đông khách, nhân viên phục vụ phải tăng ca, tăng giờ làm, áp lực công việc cũng nhiều hơn ngày thường. Hơn nữa, đa số nhân viên phục vụ tại các quán cà phê, nhà hàng tại Việt Nam đều ở độ tuổi học sinh, sinh viên và thường không xem đây là công việc gắn bó dài lâu. Chính vì thế, sau Tết âm lịch là khoảng thời gian mà nhân sự nghỉ việc hoặc nhảy việc nhiều nhất. Điều này khiến cho doanh nghiệp thất thoát chi phí rất lớn và phải tìm nhân sự mới thay thế.

Tuy nhiên, không phải nhân viên nào cũng có ý định nghỉ việc sau tết nếu như họ nhận được giá trị nhiều hơn đồng lương hàng ngày. 5 bí quyết sau sẽ giúp nhân viên gắn bó lâu dài hơn với công việc sau lễ tết.

1. Thưởng nhiều lần thay vì dồn vào Tết

Rất nhiều nhân viên chọn thời điểm sau Tết để nghỉ việc. Lý do cơ bản nhất là họ đợi thưởng tết và các chế độ phúc lợi khác xong rồi sẽ nghỉ. Cộng thêm tâm lý của rất nhiều người là muốn đón Tết lâu hơn, ở nhà với gia đình mà tính chất công việc của ngành kinh doanh ăn uống thường nghỉ tết muộn và đi làm sớm. Cũng vì vậy mà rất nhiều chủ nhà hàng, café gặp khó khăn về vấn đề ổn định nhân sự khi tết ra.

Để tránh trường hợp nhân viên đợi lĩnh thưởng tết xong rồi nghỉ, chủ quán nên chia thưởng thành nhiều lần trong năm. Nhân viên có thêm động lực để làm việc. Bạn nên thưởng đúng lúc, ngay khi doanh thu của quán vượt chỉ tiêu, sẽ kích thích nhân viên làm việc tích cực và gắn bó với công việc lâu hơn. Quản lý nhà hàng, cafe cũng không phải lo cảnh nhân sự ôm một khoản lớn rồi nghỉ việc.

2. Đánh giá định kỳ năng lực của nhân viên

Tại sao lại cần đánh giá năng lực của nhân viên? Công việc kinh doanh nhà hàng bận rộn có thể khiến bạn không nhận ra những bất ổn trong bộ máy nhân sự như ai là người làm việc chăm chỉ, ai gian dối, ai nên giữ lại và ai nên sa thải. Việc thường xuyên kiểm tra và đánh giá năng lực nhân viên sẽ giúp bạn nâng cao chất lượng phục vụ và nhận ra nhân tài để khen thưởng, động viên phù hợp.

Sự đánh giá đúng đắn sẽ khiến cho nhân viên cảm thấy được trân trọng và muốn gắn bó lâu dài với nhà hàng, café hơn. Ai đi làm cũng đều mong muốn được làm việc trong một môi trường mà người lãnh đạo thấu hiểu, trọng dụng và được phát huy hết khả năng của mình.

3. Quan tâm đời sống tinh thần, gắn kết tập thể nhân viên

Ngoài lương và các chế độ phúc lợi, môi trường làm việc chính là nhân tố quan trọng thứ hai khiến nhân viên quyết định làm việc trung thành tại một nhà hàng, café. Rất nhiều nhân viên phục vụ hoặc nhân viên bếp, quản lý trong nhà hàng, café đều thích làm việc ở một môi trường mà tập thể đội ngũ nhân sự  nhà hàng gắn bó, coi nhau như anh, chị em trong gia đình. Họ sẵn sàng ở lại lâu dài cho dù có trả lương thấp hơn các chỗ khác. Người quản lý hoặc sếp không xa cách mà rất gần gũi, thấu hiểu những vấn đề của nhân viên, sẵn sàng giúp đỡ.

Để làm việc này thực sự không phải là việc dễ dàng, nhất là khi quy mô cửa hàng mở rộng và bộ máy nhân sự nhà hàng trở nên cồng kềnh hơn. Người chủ không thể sát sao đến từng nhân viên ở các bộ phận. Tuy nhiên, ngay từ khi cơ sở kinh doanh còn nhỏ, bạn có thể xây dựng văn hóa trong công ty để mọi nhân viên gắn kết với nhau hơn như tổ chức sinh nhật cho nhân viên, trò chuyện, có thể chia sẻ với nhân viên về các vấn đề hiện tại, hoặc đi du lịch tập thể. Ngoài ra, bạn hãy tìm những người quản lý đáng tin cậy có thể thay bạn quản lý và quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên nhiều hơn.

4. Xét tăng lương và thưởng sau tết

Một cách khác để giữ chân nhân viên sau dịp tết đó là xét tăng lương vào sau kỳ nghỉ. Cách làm này sẽ tránh được việc nhân viên nghỉ việc giữa chừng, thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu ăn uống rất lớn vào các ngày tết.

Với đặc trưng khác với các ngành nghề khác, nhiều nhà hàng cafe hoạt động xuyên các ngày lễ. Nhân viên thường chỉ nghỉ từ 2-3 ngày. Để động viên tinh thần của nhân viên, bạn nên đưa ra phần thưởng hoặc tăng lương gấp đôi cho nhân viên có thể đi làm sớm trong dịp lễ. Ngoài ra, hãy lường trước được các nhân viên ở xa có thể sẽ không lên làm việc được đúng ngày và có kế hoạch phân phối nhân sự trong nhà hàng, cafe vẫn đáp ứng tốt.

5. Đào tạo huấn luyện nhân sự và hướng nghiệp

Nhiều nhân viên nghỉ việc vì cảm thấy không có cơ hội phát triển và không học hỏi được thêm điều gì mới. Các chủ nhà hàng nên hiểu rằng, bất cứ ai đi làm, ngoài lương ra thì ai cũng muốn được học hỏi những điều mới, trau dồi thêm kinh nghiệm và phát triển bản thân. Một nơi làm việc tốt nên tạo cho nhân viên nhiều cơ hội học tập.

Tùy từng bộ phận mà người chủ nên linh hoạt tổ chức các buổi đào tạo, cập nhật thêm những kiến thức, kỹ năng mới. Chẳng hạn, bếp trưởng có thể dạy các nhân viên bếp các món ăn, kỹ thuật trong bếp. Hoặc với nhân viên phục vụ thì quản lý nên đào tạo sâu hơn về nghề nghiệp, lộ trình thăng tiến trong ngành dịch vụ nhà hàng, cafe.

Nguồn: man.quacau.com

Sưu tầm: Phú Quốc - P. KTSX

zalo

Đặt hàng online

zalo