Bí quyết tạo dựng mối quan hệ cho nhân viên văn phòng

 

Hai phần ba thời gian bạn sống là để làm việc, điều này đồng nghĩa với việc lượng thời gian bạn tiếp xúc với đồng nghiệp là rất lớn. Để có thể thích ứng với môi trường và hoàn thành tốt công việc, bạn cần biết cách kết bạn và cộng tác với những người xung quanh. Nói cách khác, bạn cần tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp ở nơi làm việc.

Làm thế nào để có thể phát triển các mối quan hệ ở nơi làm việc? Làm thế nào để được mọi người yêu mến? Dưới là lời khuyên hữu ích dành cho mọi nhân viên văn phòng.

Có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, bạn sẽ có rất nhiều lợi ích

Các cách tạo dựng mối quan hệ cho nhân viên văn phòng

1. Tôn trọng mọi người

Bạn không cần phải kết bạn với tất cả mọi người trong công ty nhưng hãy luôn thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người. Tuyệt đối không nên thể hiện thái độ coi thường và làm những việc ảnh hưởng đến cá nhân người khác cho dù người đó giữ chức vụ nào trong công ty.

Hãy dọn dẹp khu vực sinh hoạt chung sau khi bạn sử dụng chúng. Bạn không nên để đồ đạc bừa bãi cũng như không nên đụng chạm vào đồ đạc của người khác khi chưa được cho phép. Và khi đồng nghiệp góp ý với bạn về điều gì đó, hãy lắng nghe và sửa chữa nếu điều đó tốt cho cả đôi bên.

2. Hạn chế đề cập đến các chủ đề nhạy cảm

Sau thời gian dài làm việc ở công ty, đồng nghiệp trở thành những người bạn khá thân thiết với bạn. Bạn có thể thoải mái chia sẻ với họ mọi chuyện nhưng hãy hạn chế nhắc đến những chủ đề nhạy cảm như tôn giáo, chính trị, tình trạng hôn nhân,... Nếu quan điểm của bạn và họ không giống nhau, những chủ đề này có thể gây mâu thuẫn và ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai người. Nếu bạn thật sự muốn tìm ai đó để bày tỏ quan điểm về những chủ đề này, gia đình luôn là lựa chọn an toàn nhất.

3. Tạo ấn tượng tốt ngay từ những ngày đầu tiên

Không chỉ bạn mà tất cả mọi người đều gặp khó khăn khi bắt đầu một công việc mới. Ngoài việc tạo ấn tượng với sếp lớn, bạn còn phải dành thời gian tạo dựng quan hệ với mọi người trong công ty. Chắc hẳn bạn đã từng lo lắng về việc liệu mình có được đồng nghiệp ở công ty mới yêu mến như khi ở công ty cũ hay không.

Hãy nhớ rằng để có được những mối quan hệ bền chặt, chúng ta cần bỏ ra nhiều thời gian. Song bạn có thể bắt đầu kết bạn bằng cách chào hỏi và bắt chuyện với những người bạn gặp. Nếu mọi người mời bạn cùng đi ăn trưa với họ, đừng từ chối. Hãy tận dụng mọi cơ hội để có thể kéo gần khoảng cách. Hoặc nếu bạn là người hướng nội, một nụ cười ấm áp sẽ giúp bạn ghi điểm.

4. Tìm cách nói chuyện với cả những người khó tính nhất

Hãy nhớ rằng bạn không thể lựa chọn những người sẽ làm việc cùng mình. Nếu may mắn, bạn có thể làm việc với những người dễ tính, hòa đồng và đầy thiện cảm. Nhưng nếu đồng nghiệp của bạn hay cáu gắt và khó gần, bạn phải học cách chấp nhận điều đó. Hãy tìm cách nói chuyện và kết bạn với họ bởi vì nếu bạn có mối quan hệ tốt với tất cả mọi người trong công ty, công việc của bạn sẽ suôn sẻ hơn.

Điều gì giúp bạn nhận được sự quý trọng từ đồng nghiệp?

5. Xây dựng thái độ làm việc chuyên nghiệp

Cho dù bạn đang phụ trách công việc gì, bạn cũng cần có thái độ làm việc chuyên nghiệp. Thái độ làm việc chuyên nghiệp không chỉ thể hiện ở cách bạn hoàn thành công việc mà còn ở cả cách bạn cư xử với mọi người. Hãy nhớ rằng bạn phải luôn lịch sự với đồng nghiệp của mình.

Khi chuông điện thoại của bạn reo lên, cho dù đó là cuộc gọi cá nhân hay liên quan đến công việc, hãy nói nhỏ khi nghe điện thoại hoặc đi ra ngoài để trả lời cuộc gọi. Bạn không nên gây ảnh hưởng đến những người xung quanh khi họ đang tập trung làm việc.

6. Luôn tử tế với mọi người

Nếu muốn người khác giúp đỡ bạn, bạn cũng nên giúp đỡ họ. Hãy luôn tử tế với mọi người. Khi ai đó gặp khó khăn, đừng ngần ngại giúp đỡ vì khi họ nhận thấy được bạn là người tốt bụng, họ sẽ quan tâm và cố gắng trở nên gần gũi với bạn hơn. Một hành động nhỏ như chia sẻ đồ ăn của mình với đồng nghiệp cũng là một chiến thuật hữu ích giúp bạn để lại ấn tượng với họ.

7. Nói không với "ngồi lê đôi mách" ở nơi làm việc

Cho dù thông tin bạn có được là chính xác hay chỉ là tin đồn, bạn cũng không nên lan truyền chúng ở nơi làm việc. Mặc dù đó có thể là chủ đề thú vị để mở đầu cuộc tán gẫu với mọi người, việc này có thể sẽ ảnh hưởng đến bạn và người khác. Bạn sẽ chẳng đảm bảo được rằng liệu những tin đồn đó có thể đến tai sếp của bạn hay không cũng như cách người khác đánh giá bạn khi bạn lan truyền chúng. Sẽ chẳng có đồng nghiệp nào tin tưởng và dám chia sẻ câu chuyện của họ với bạn nữa.

 

Nguồn: vn.joboko.com

Sưu tầm: Phương Anh – Tổ Hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo