Biến đổi khí hậu: Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt ở xã vùng cao Cúc Phương, Ninh Bình

Là một xã vùng cao của huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, hiện nay nhiều thôn trên địa bàn xã Cúc Phương vẫn đang trong tình trạng không có nước hợp vệ sinh để sinh hoạt. Đặc biệt vài năm trở lại đây, tình trạng khô hạn diễn ra thường xuyên đã khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp gần như bị đình trệ.

 

Mặc dù xã Cúc Phương đã được quan tâm đầu tư một công trình nước sạch, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân nơi đây. Nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất vẫn là nỗi lo thường trực của người dân và là bài toán nan giải đối với địa phương.

 

* Dân vùng cao “khát” nước 

 

Xã Cúc Phương có 10 thôn với 3.250 nhân khẩu, trong đó 90% là người dân tộc Mường. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã mới chỉ có một công trình nước sạch công cộng được đầu tư 4 tỷ đồng là Nhà máy nước thôn Nga 2. Đi vào hoạt động từ 3 năm nay, song nhà máy nước này mới chỉ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 350 hộ dân ở 3 thôn Nga 1, Nga 2, Nga 3. Các thôn còn lại có một thôn sử dụng nguồn nước giếng khoan là thôn Bãi Cả; 3 thôn sử dụng nước giếng đào là thôn Đồng Quân, Đồng Tâm, Đồng Bót; 3 thôn Sấm 1, Sấm 2, Sấm 3 và 1 phần thôn Bãi Cả phải sử dụng nguồn nước lấy từ trên đồi, núi. Nguồn nước 6 thôn này sử dụng đều do người dân tự đào, tự tìm mạch nước, thấy nước không có mùi, màu hay vị lạ là yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn thả gia súc trên đồi, núi như hiện nay, chất lượng những nguồn nước này cũng chưa được đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm giặt của người dân. 

 

Hiện nay ở Cúc Phương mới chỉ có 3/10 thôn được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo chất lượng, các thôn còn lại đang phải sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo, đặc biệt là 3 thôn Sấm 1, Sấm 2, Sấm 3 đang phải sử dụng nguồn nước lấy trực tiếp từ các mạch nguồn trên núi, dẫn qua đường ống xuống bể chứa phía chân núi rồi chia cho các hộ gia đình trong thôn. 

 

Chị Nguyễn Thị Luyện, thôn Sấm 3, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan cho biết, từ trước đến nay gia đình chị vẫn luôn sử dụng nguồn nước được lấy từ trên núi xuống để phục vụ sinh hoạt của gia đình, từ ăn uống đến tắm giặt. Tuy nhiên 2, 3 năm trở lại đây, vào mùa khô hạn, nguồn nước trên núi cũng rất ít, không đủ đáp ứng cho sinh hoạt của gia đình chị cũng như người dân trong thôn. “Vào mùa hạn hán, nước trên các mạch nguồn rất ít, chúng tôi phải lên tận đầu nguồn trên núi để lấy nước về. Mọi người trong thôn cũng luôn phải nhắc nhở nhau sử dụng nước tiết kiệm nếu không sẽ không có nước để sinh hoạt”, chị Luyện chia sẻ. 

 

Anh Đinh Văn Tuấn, Trưởng thôn Sấm 3 cũng cho biết: “Từ trước đến nay người dân thôn Sấm 3 nói riêng và các thôn Sấm 1, Sấm 2 đều sử dụng nguồn nước lấy từ trên núi xuống để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Mùa mưa thì tạm đủ song mùa khô thì thiếu nước trầm trọng, chưa kể chất lượng nguồn nước không được đảm bảo do không hề được kiểm tra. Không chỉ có vậy, việc chăn thả gia súc cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nước này. Một số thôn khác trong xã sử dụng nước giếng do người dân tự đào cũng không được đảm bảo về chất lượng”. 

 

Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng nặng nề đến cả hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Theo báo cáo của UBND xã Cúc Phương, vụ Đông Xuân năm 2016 toàn xã gieo trồng 336,94 ha nhưng chỉ có 0,87 ha trồng lúa do không có đủ nước phục vụ sản xuất. 

 

Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết 2, 3 năm trở lại đây, hạn hán kéo dài khiến cho không chỉ nguồn nước sinh hoạt mà nguồn nước phục vụ sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều diện tích trồng lúa trên địa bàn xã đã phải chuyển đổi sang cây trồng khác như cỏ voi, mía… do thiếu nước. Hiện nay, mỗi năm người dân trên địa bàn xã chỉ trồng được 1 vụ lúa nhưng diện tích cũng bị giảm đi đáng kể, như 3 thôn Đồng Quân, Đồng Tâm và Đồng Bót trước đây canh tác được 80 ha lúa thì nay giảm xuống còn gần 30ha; 3 thôn Sấm 1, Sấm 2 và Sấm 3 trước có gần 5 ha trồng lúa thì giờ chỉ còn 0,7 ha. 

 

* Mòn mỏi chờ nước sạch 

 

Thực tế hiện nay, nước sinh hoạt của phần lớn người dân ở xã miền núi Cúc Phương hầu như phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nước trên đồi, núi… Trong một vài năm qua, thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ (Chương trình 135), xã Cúc Phương cũng mới chỉ được hỗ trợ xây dựng một nhà máy nước sạch phục vụ cho người dân 3/10 thôn. Người dân các thôn còn lại vẫn chưa có nước sạch để sinh hoạt, sản xuất. Nước sạch vẫn đang là bài toán nan giải của xã miền núi Cúc Phương.

 

Mặc dù xã Cúc Phương đã có kế hoạch xây dựng các hồ chứa hoặc kênh dẫn phục vụ sản xuất, nhưng do địa hình của xã nên kế hoạch này khó khả thi. Theo ông Đinh Thúc Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương: “Thiếu nước sạch sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất là vấn đề nan giải của địa phương trong những năm qua, đặc biệt là 2, 3 năm trở lại đây. Do không có nguồn nước sạch, người dân nhiều thôn phải sử dụng nguồn nước trên núi để sinh hoạt nhưng nguồn nước này không đảm bảo.

 

Đặc biệt, vài năm trở lại đây do biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước trầm trọng không chỉ trong sinh hoạt mà còn trong sản xuất. Sản xuất nông nghiệp của địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều diện tích thiếu nước nên đề án sản xuất Hè Thu của xã không thể triển khai. Hiện nay, phần lớn diện tích phải chuyển đổi sang trồng cây khác, nước dân sinh cũng thiếu trầm trọng”. 

Ông Chiến cho biết: "Nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn xã Cúc Phương đều muốn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ các nhà máy nước. Do đó, trước mắt rất mong chính quyền các cấp tạo điều kiện về nguồn vốn để đầu tư cho Nhà máy nước Nga 2 vì nhà máy này nếu được đầu tư sẽ tăng công suất gấp 3 lần hiện tại." 

 

Hiện tại, việc khoan giếng tại một số điểm để lấy nước cho người dân sinh hoạt chưa thể triển khai do đặc điểm đất đai ở đây nền đá cứng, khó tìm thấy mạch nước ngầm và kinh phí chưa có để hỗ trợ người dân. Tạm thời khắc phục tình trạng này, UBND xã đã tổ chức khảo sát, chỉ đạo các thôn khơi thông, nạo vét các giếng khơi để lấy nước dùng và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc chăn thả gia súc. Bên cạnh đó, Cúc Phương cũng bố trí chuyển đổi cây trồng phù hợp, đồng thời tùy tình hình hạn hán thực tế sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp. 

 

Tuy nhiên, trên đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài Cúc Phương vẫn cần các giải pháp đồng bộ và dài hơi, trong đó chú trọng công tác đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tại các vùng thiếu nước của địa phương. Đồng thời, Cúc Phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, góp phần hạn chế tình trạng thiếu nước trong mùa khô hạn. Đối với người dân Cúc Phương, nước sạch phục vụ sinh hoạt chính là vấn đề quan trọng, bức thiết nhất mà họ đang mong mỏi, chờ đợi để ổn định cuộc sống.

 

ảnh minh họa

 

Đinh Thùy Dung/TTXVN

 

Nguồn: dangcongsan.vn/khoa-giao

Sưu tầm: Minh Hải – P. KTSX

 
zalo

Đặt hàng online

zalo