Biệt đãi để "giữ chân" người lao động sau nghỉ Tết?

 

Sau đợt nghỉ Tết dài ngày, nhiều lao động không trở lại làm việc khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các ngành nghề cần nhiều nhân công như may mặc, chế biến thủy sản, mây tre đan, gỗ xuất khẩu…

Mặc dù các doanh nghiệp đã có những giải pháp để giữ chân và thu hút lao động mới nhưng người lao động vẫn không mặn mà.

Đến hẹn lại… thiếu

Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP.HCM dự báo, tình trạng thiếu hụt lao động tại các công ty trên địa bàn thành phố sẽ tăng cao sau Tết Nguyên đán 2016. Trong tháng sau Tết, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng gần 19.000 lao động. Trong đó, dự kiến mức thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán bình quân từ 3 - 4%.

"Khoảng 10% lao động sẽ tìm được công việc ở quê nhà, hoặc những công việc mới vì sau Tết các DN sẽ bắt đầu tuyển dụng tập trung nên xảy ra tình trạng thiếu hụt tại các công ty. Lượng lao động thiếu hụt chủ yếu ở dạng lao động phổ thông", ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM cho biết.

Thực tế, những năm gần đây, vào thời điểm sau nghỉ Tết Nguyên Đán, các khu công nghiệp (KCN) trên phạm vi cả nước luôn rơi vào cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng. Mặc dù, các DN đã giăng đầy băng-rôn, thông báo tuyển dụng, nhưng số lượng nhân công tuyển được rất hạn chế, dẫn đến sản xuất, kinh doanh ngưng trệ.

Tình trạng thiếu lao động càng phức tạp hơn đối với những DN cần nhiều công nhân phổ thông như dệt may, da giày, thủy sản... Đơn cử, ngay sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, tại phiên giao dịch việc làm đầu tiên sau Tết do Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng tổ chức, rất nhiều DN thuỷ sản, dệt may, điện tử đăng ký tuyển dụng với số lượng lên đến hàng nghìn công nhân.

Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là bởi tâm lý “nghỉ nướng” của nhiều lao động. Sau một khoảng thời gian làm việc liên tục, nhiều công nhân có xu hướng về quê nghỉ ngơi một thời gian rồi mới quay trở lại thành phố để làm việc. Trong khi đó, nhiều nhà máy, xí nghiệp từ mùng 8 tháng Giêng đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Ngoài tâm lý này, một số công nhân còn có tâm lý “nhảy việc” sau kỳ nghỉ Tết. Bởi, đây là thời điểm người lao động có thể chọn DN, vị trí làm việc với mức lương, chế độ đãi ngộ tốt hơn nơi cũ. Bên cạnh đó, còn do nhiều DN đã mở các xí nghiệp vệ tinh ở ngay các vùng quê để thu hút lao động. Do vậy, sau Tết với tâm lý muốn làm việc gần nhà, nhiều công nhân đã xin vào làm việc tại đây mà không quay trở lại thành phố.

Ngoài ra, còn có tình trạng các DN có biểu hiện chèn ép người lao động như hạ đơn giá, tăng giờ, tăng ca làm việc nhưng trả lương thấp… Do vậy, sau khi nghỉ Tết, nhiều người lao động cũng không quay trở lại làm việc. Trước thực trạng khan hiếm lao động sau dịp tết, đại diện một DN tại KCN Hoà Cầm đã phải thừa nhận, thật khó yêu cầu các công nhân ra Tết đi làm đúng ngày trong khi lương, thưởng trong dịp Tết cũng còn nhiều hạn chế như hiện nay…

Giữ chân người lao động bằng cách nào?

Thấm thía bài học về thiếu hụt lao động từ những năm trước, hiện nhiều DN đã chú trọng các chính sách để thu hút lao động, dù sản xuất ở bất kỳ quy mô nào.

Dự đoán trước tình hình, ngay từ thời điểm này, nhiều DN ở Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giữ chân người lao động. Trong đó, việc chăm lo đời sống cho công nhân trong dịp Tết là cách được các DN áp dụng.

Thưởng Tết của công nhân được Ban Lãnh đạo các DN quan tâm ở mức tối đa. Đặc biệt, người lao động không phải làm thêm giờ kéo dài, tất cả các Chủ Nhật đều nghỉ, nếu làm thêm được nghỉ bù.

Trước đây, để “giữ chân” người lao động sau Tết, doanh nghiệp thường để lại một phần thưởng Tết dành phát sau khi họ quay trở lại. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây doanh nghiệp trả hết tiền thưởng cho người lao động.

Cùng với việc chăm lo đảm bảo tiền lương, thưởng Tết cho người lao động, các công đoàn cơ sở còn xây dựng kế hoạch tổ chức cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết tại nơi cư trú đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Bà Lê Thị Huyền, Cán bộ công đoàn Công ty Yamaha Nội Bài cho biết: “Công ty đã có nhiều chương trình phúc lợi trước và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, công đoàn của công ty cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết, hỗ trợ xe và tiền xe cho công nhân về quê ăn Tết. Thưởng 2-3 tháng lương cho công nhân tùy theo mức làm việc”.

Tuy nhiên, trả lương thưởng Tết, việc hỗ trợ tiền tàu xe, lì xì năm mới cũng chỉ là những biện pháp tình thế mang tính thời vụ, không đủ hấp dẫn để níu kéo người lao động ở lại hoặc quay về làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. Hà Nội cho rằng: “DN cần có giải pháp đồng bộ như hỗ trợ xe đưa đón công nhân, trả thu nhập cao hơn cộng với trợ cấp, phụ cấp. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần điều chỉnh về quy định tiền lương tối thiểu vùng cho các doanh nghiệp để cho người lao động đảm bảo cuộc sống”.

Cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa các dịch vụ, phúc lợi xã hội, thực sự chăm lo thiết thực tới công nhân lao động là biện pháp lâu dài mới thu hút được công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ DN. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, có thể DN còn chưa đáp ứng hết nhu cầu cho công nhân thì người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn, cùng "chung lưng, đấu cật" với DN để giữ vững ổn định sản xuất.

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Sưu Tầm : Thúy Vân - Tổ Hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo