Bình Dương: Quy hoạch tài nguyên nước đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững

Thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012, Bình Dương đã lập và triển khai Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Qua đó, đảm bảo nguồn tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.


Hiện trạng và tiềm năng


Lượng mưa trung bình năm trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 1.757 mm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, chiếm khoảng 81 - 85% lượng mưa cả năm. Lượng mưa đóng vai trò hình thành nguồn nước nội tỉnh duy trì dòng chảy các sông suối, góp phần thúc đẩy quá trình tự làm sạch tự nhiên cho các sông rạch.


Bình Dương có tiềm năng nước mặt dồi dào từ 4 sông liên tỉnh lớn: sông Sài Gòn, sông Thị Tính, sông Bé và sông Đồng Nai. Lượng nước mặt có thể sử dụng được tính toán là 24.349,54 triệu m3/năm, bao gồm tiềm năng nước mặt và lượng nước chuyển đến từ kênh Phước Hòa - Dầu Tiếng 15,0 m3/s.


Tiềm năng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh cũng khá phong phú với trữ lượng 963,55 triệu m3/năm. Trong đó, lượng nước dưới đất có thể khai thác ổn định là 670,27 triệu m3/năm. Nước dưới đất có chất lượng tốt ở nhiều nơi và do có điều kiện khai thác dễ dàng với kinh phí đầu tư thấp nên là nguồn nước đang được khai thác sử dụng phổ biến.


Theo tính toán, hiện trạng khai thác sử dụng nước toàn tỉnh Bình Dương 587,92 triệu m3/năm; đến năm 2020, khai thác sử dụng nước toàn tỉnh 731,28 triệu m3/năm; đến năm 2025, khai thác sử dụng nước toàn tỉnh 802,91 triệu m3/năm; đến năm 2035, khai thác sử dụng nước toàn tỉnh 865,13 triệu m3/năm.


Sở TN&MT Bình Dương cho biết, những năm qua, Bình Dương đã có những giải pháp quy hoạch phát triển phù hợp nên chưa gây áp lực cao đối với tài nguyên nước, vẫn đảm bảo đạt được những chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, các nguồn nước trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu khai thác sử dụng nước trong các kỳ quy hoạch.


Tình hình xả thải và ô nhiễm


Hiện nay, tổng lưu lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 140.000 m3/ngày, trong đó, nước thải từ các khu công nghiệp (KCN) 64.839 m3/ngày, cụm công nghiệp (CCN) 4.375 m3/ngày và từ các cơ sở nằm ngoài KCN và CCN 70.786 m3/ngày. Tổng lượng nước thải đô thị phát sinh 142.816 m3/ngày. Tổng lưu lượng nước thải y tế 1.239 m3/ngày.


Lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương trung bình hàng năm khoảng 59,92 tấn. Chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm thời gian qua tăng trưởng liên tục với khối lượng chất thải phát sinh hiện nay 24.474 m3/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt của dân cư nông thôn khoảng 118 tấn/ngày


Kết quả tính toán trên cho thấy, lượng nước thải đổ vào các sông suối của Bình Dương và các địa phương xung quanh rất lớn. Song, do lượng nước từ thượng nguồn khá lớn nên khả năng tự làm sạch trên các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé  khá cao nên ô nhiễm trên các sông này không đáng kể.

 

Kết quả quan trắc chất lượng nước cho thấy, vấn đề ô nhiễm do hoạt động xả thải ở Bình Dương chỉ ảnh hưởng đến sông Thị Tính và hạ lưu sông Sài Gòn. Tuy vậy, riêng phần lớn các sông suối nhỏ phía Nam tỉnh Bình Dương, tình hình ô nhiễm vẫn là điều đáng quan tâm trong kỳ quy hoạch.


Sở TN&MT Bình Dương cho hay, để đảm bảo nguồn tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững, Bình Dương sẽ triển khai thực hiện theo Quy hoạch tài nguyên nước để kịp thời bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả; đồng thời, phòng chống tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh.


Bảo vệ số lượng và chất lượng


Theo Sở TN&MT Bình Dương, Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ được triển khai thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ cả số lượng và chất lượng tài nguyên nước; ưu tiên chủ động phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; tăng cường cải thiện, giảm thiểu, khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện hữu.


Theo đó, đối với việc bảo vệ tài nguyên nước mặt, Bình Dương sẽ đánh giá hiện trạng xả thải vào nguồn nước tại từng tiểu vùng trên địa bàn tỉnh và khu vực có lưu vực sông chung thuộc các tỉnh, thành chung quanh; xác định mục tiêu bảo vệ số lượng và chất lượng cho nguồn nước và các tầng chứa nước; bổ sung vị trí mạng giám sát chất lượng nước mặt và nước dưới đất.


Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các mục đích, Bình Dương sẽ tập trung bảo vệ số lượng nước mặt 24.349.54 triệu m3/năm; bảo vệ chất lượng nước các sông Sài Gòn, sông Thị Tính, sông Bé và sông Đồng Nai đạt cột A2 theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT: 2015/BTNMT và đạt cột A2 cho các sông suối còn lại.


Đối với việc bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, tránh nguy cơ cạn kiệt, suy thoái, Bình Dương cũng sẽ tập trung bảo vệ số lượng nước dưới đất 645,36 triệu m3/năm; duy trì trữ lượng an toàn của các tầng chứa nước bằng cách giảm dần và đi đến chấm dứt việc khai thác nước dưới đất tại các KCN, khu đô thị, khu dân cư tập trung trong giai đoạn tới.


Cụ thể, đến năm 2020 giảm lượng khai thác xuống còn 141,38 triệu m3/năm, giảm so với hiện tại 55,3 triệu m3/năm; đến năm 2025 giảm lượng khai thác xuống còn 132,42 triệu m3/năm, giảm so với hiện tại 64,3 triệu m3/năm; đến năm 2035 giảm lượng khai thác xuống còn 114,4 triệu m3/năm, giảm so với hiện tại 71,0 triệu m3/năm.


Để bảo vệ chất lượng chất lượng nước dưới đất, Bình Dương sẽ có các giải pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm nước dưới đất tại các khu đô thị, các khu vực phát triển công nghiệp có hạ tầng thoát nước chưa hoàn chỉnh; giảm thiểu mức độ và khả năng lan rộng phạm vi ô nhiễm nước dưới đất tại các khu vực ô nhiễm đã được xác định


Đồng bộ các giải pháp


Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Bình Dương sẽ tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý tài nguyên nước thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Bình Dương; xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý nguồn nước giữa các địa phương lân cận, giữa các ngành trong tỉnh; kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước đồng bộ từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã.


Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiệt hại do nước gây ra; tổ chức thực hiện việc điều tra hiện trạng, trám lấp giếng hư hỏng không sử dụng nhằm ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm nước dưới đất; tăng cường công tác quản lý, cấp phép, đăng ký, thanh - kiểm tra các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước.


Ngoài ra, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong công tác quản lý tài nguyên nước như: Ứng dụng các phần mềm về quản lý cơ sở dữ liệu, các mô hình tính toán tiềm năng tài nguyên nước, kỹ thuật GIS, Mapinfo…; tiếp cận các kỹ thuật công nghệ mới trong đánh giá, giám sát tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; tăng cường đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước.


Mặt khác, cân đối ngân sách địa phương, tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác điều tra cơ bảnvề tài nguyên nước; bố trí, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn quốc tế cho các dự án cải thiện môi trường nước; triển khai các chính sách thu phí tài nguyên nước nhằm tạo nguồn vốn phục vụ công tác quản lý; thực hiện các chủ trương kinh tế hoá tài nguyên nước, xã hội hóa các loại hình cấp nước tập trung; chủ động tìm kiếm, tham gia các chương trình hợp tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước.

 

Tác giả bài viết: Tường Tú

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

Nguồn: dwrm.gov.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BP. IT

zalo

Đặt hàng online

zalo