Cách để hòa hợp với đồng nghiệp

 

Đồng nghiệp là trung tâm của kinh nghiệm làm việc, nhưng hòa hợp với họ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi bạn dành quá nhiều thời gian cho cùng một số người nào đó, bạn sẽ gặp phải một vài mâu thuẫn có thể khiến quá trình hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày trở nên khó khăn hơn, và thậm chí là ngăn cản sự phát triển của bạn trong sự nghiệp. Bạn nên cân nhắc các bước sau đây nếu bạn muốn học cách để tránh xa mâu thuẫn và hòa hợp với đồng nghiệp của mình.

I. Duy trì sự chuyên nghiệp

1. Duy trì sự nhẹ nhàng cho cuộc trò chuyện.

Mặc dù bạn sẽ muốn trông như người thân thiện và ấm áp, bạn không nên thảo luận về một vài chủ đề cụ thể nếu bạn muốn tránh hình thành xung đột tại nơi công sở.

  • Ví dụ, bàn luận về tôn giáo và chính trị thường không phù hợp tại nơi làm việc, và sẽ gây căng thẳng. Ngoài ra, bạn cũng không nên nói về chuyện đời tư như sức khỏe, tình dục, vấn đề trong mối quan hệ cá nhân, hoặc tài chính, và cũng đừng hỏi han đồng nghiệp về chúng.
  • Nếu bạn cảm thấy không thoải mái với câu hỏi có tính tò mò hoặc xâm phạm đến cuộc sống cá nhân của bạn, hoặc nếu chủ đề có thể gây tranh cãi, bạn nên cố hết sức để thay đổi chủ đề. Nếu thất bại, bạn có thể ngừng thảo luận về chúng một cách kiên quyết nhưng lịch sự hoặc khéo léo rời khỏi cuộc tranh luận. Thông thường, nói theo kiểu "Tôi thật sự không muốn bàn về vấn đề đó tại công sở" là đủ. Nếu bạn không thích trình bày một cách quá thẳng thừng, bạn có thể nói "Ồ! Tôi vừa nhớ ra mình có việc phải làm" và sau đó là xin cáo lui khỏi cuộc đối thoại.

2. Trò chuyện xã giao trong giờ nghỉ. 

Xã giao quá mức trong giờ làm sẽ khiến sếp của bạn nghĩ rằng bạn không nghiêm túc làm việc, và khuyến khích đồng nghiệp có tính nhiều chuyện tiêu tốn thời gian của bạn.

  • Nếu đồng nghiệp cố gắng tán gẫu với bạn trong khi bạn đang bận rộn, bạn nên đề nghị trì hoãn cuộc trò chuyện cho đến giờ ăn trưa. Bạn cần phải cố gắng ngoại giao để họ không cảm thấy như bị từ chối.
  • Ví dụ, bạn có thể nói một điều gì đó như "Tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi đang rất bận, nhưng tôi muốn nói chuyện nhiều hơn với bạn trong giờ ăn trưa. Bạn muốn gặp nhau vào lúc đó không?".

3. Đừng trở thành kẻ ngồi lê đôi mách trong công ty, và tránh xa người có tính cách này. 

Ngồi lê đôi mách và than phiền về mọi người trong công ty thường dẫn đến sự hình thành của một số hình thức thù địch giữa đồng nghiệp và cấp trên.

  • Cách tốt nhất là bạn nên giữ im lặng hoặc quay mặt bước đi khi đồng nghiệp của bạn đang nói xấu người khác, nhưng nếu bạn không thể thực hiện điều này, bạn nên cố gắng nhì nhận lời nói của họ theo hướng tích cực hơn. Ví dụ, nếu họ nói rằng "Bạn có biết chuyện Châu được thăng chức chứ không phải Kiên chưa?", bạn có thể đáp lại theo kiểu "Chắc năm nay Châu đã cố gắng lắm để được thăng chức. Cô ấy rất xứng đáng!".
  • Cần nhớ rằng người thích nói xấu người khác hoặc nói xấu sếp cũng sẽ nói xấu sau lưng bạn. Bạn nên cố gắng không cho loại người này biết thông tin chi tiết về cuộc sống của bạn, thông tin mà bạn không muốn truyền bá nó quanh văn phòng.

4. Lắng nghe nhiều hơn nói chuyện. 

Bạn sẽ không chỉ tìm hiểu thêm về đồng nghiệp của mình, mà bạn cũng sẽ không phải nói ra điều không phù hợp.

  • Giữ im lặng sẽ giúp bạn tránh được sự kỳ thị trong việc tán gẫu trong văn phòng, hoặc tệ hơn là bị xem như kẻ hay ngồi lê đôi mách.
  • Uốn lưỡi trước khi nói nếu bạn có xu hướng nói mà không suy nghĩ, mỉa mai, hoặc đùa cợt, vì chúng có thể khiến bạn trông như một kẻ thô lỗ trước mặt người không trân trọng óc hài hước của bạn.

5. Xuất sắc trong vị trí của mình.      

Nếu bạn cố gắng hết sức để hoàn thành công việc, cấp trên sẽ nhận thấy sự cống hiến của bạn và hiểu rõ bạn không phải là người gây nên bất kỳ mâu thuẫn nào tại công ty.

  • Biến bản thân trở thành người cần thiết bằng cách thực hiện công việc đặc biệt trong nhiệm vụ của mình. Phương pháp này sẽ giúp bạn luôn bận rộn và tránh gây xung đột với người đồng nghiệp rắc rối.
  • Giúp đỡ đồng nghiệp. Nếu bạn giúp họ hoàn thành mục tiêu bằng cách giảm thiểu căng thẳng cho họ, họ sẽ xem bạn như đồng minh. Điều này không có nghĩa là bạn phải làm thay công việc của họ. Nhưng nếu bạn nhận thấy rằng bạn có thể giúp đỡ họ trong một lĩnh vực nào đó mà họ cần và bạn có thời gian rảnh rỗi, bạn nên cân nhắc hỗ trợ họ.

6. Bày tỏ lòng tôn trọng với cấp trên ngay cả khi họ không đối xử tương tự đối với với bạn.

 Đôi khi, người có xích mích nhiều nhất với bạn lại là sếp của bạn.

  • Không nên cho phép thái độ tiêu cực hoặc yêu cầu nặng nề của quản lý viên khiến bạn buồn bã. Nếu bạn muốn hình thành mối quan hệ đồng nghiệp vui vẻ, bạn cần phải hiểu rằng con người có những cách cư xử cụ thể cho lý do riêng của họ, và bạn không thể làm được gì. Bạn nên trở thành người tốt hơn thông qua việc đáp lại hành vi tiêu cực bằng sự tôn trọng và lịch sự.
  • Nếu hành động tiêu cực của cấp trên vượt qua giới hạn cho phép – nếu họ quấy rối, phân biệt đối xử, hoặc nhắm vào bạn một cách không hợp pháp – bạn có thể đến văn phòng nhân sự để tìm kiếm bước có thể giúp bạn ngăn ngừa chúng. Đối với công ty nhỏ không có phòng nhân sự, nguồn trông cậy tiếp theo của bạn sẽ là thuê luật sư.

 

II. Cải thiện mối quan hệ

1. Xem xét bản thân. 

Trong bất kỳ một tình huống mâu thuẫn nào, mọi người tham gia đều có xu hướng đổ lỗi cho đối phương. Bạn nên cân nhắc xem liệu bạn có thể làm gì khác đi để cải thiện mối quan hệ trong công sở.

  • Bạn có sở hữu tính cách mạnh mẽ? Thỉnh thoảng, bạn có thể quyết đoán quá mức, và người khác sẽ phản ứng bằng cách rút lui hoặc trở nên phòng thủ, ngay cả khi bạn có ý tốt. Bạn nên cố gắng giảm thiểu nó hoặc cho người khác có không gian riêng.
  • Bạn có thường phê bình mọi người? Ngay cả khi đây là một phần trong công việc của bạn, cách bạn chỉ trích có thể mang tính xây dựng hoặc được xem như sự công kích cá nhân. Người có tính cách nhạy cảm hơn thường tiếp nhận mọi thứ trừ lời phê bình nhẹ nhàng nhất.
  • Không nên ngần ngại khi phải chịu trách nhiệm cho mâu thuẫn, và sửa chữa nó. Bạn có thể sử dụng "câu nói chủ từ tôi" để làm chệch hướng cảm giác phòng thủ có thể xảy ra, như "Có lẽ tôi đã vượt quá vai trò của mình", hoặc "Tôi lo rằng lời chỉ trích của mình có vẻ quá nghiêm khắc".

2. Làm quen với đồng nghiệp. 

Tìm hiểu thêm về sở thích, hoàn cảnh, và gia đình của đồng nghiệp sẽ giúp bạn giải quyết một vài mâu thuẫn thông qua việc thấu hiểu tính cách, mục tiêu, và ưu tiên của họ. 

  • Mời họ đến nhà tham dự buổi tiệc nướng, hoặc đến một quán rượu hoặc nhà hàng nào đó sau giờ làm việc. Bạn có thể tìm hiểu họ trong môi trường không có căng thẳng của công việc, và giúp họ nhìn nhận bạn như một con người toàn diện, người cũng có cuộc sống riêng ngoài sở làm.
  • Bạn nên nhớ rằng người tiêu cực và gây mâu thuẫn thường sẽ gặp nhiều căng thẳng. Có thể họ phải chiến đấu với căn bệnh nào đó, gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn, hoặc đối phó với vấn đề trong gia đình. Bạn nên suy nghĩ tốt đẹp về họ tương tự như thời điểm bạn hy vọng người khác cũng đối xử tốt với bạn khi bạn gặp phải một ngày tồi tệ.
  • Quan tâm đến ranh giới cá nhân của đồng nghiệp, và không nên cảm thấy như bị xúc phạm khi họ lựa chọn giữ khoảng cách với bạn. Họ có thể từ chối lời mời hoặc mong muốn duy trì tính chuyên nghiệp tuyệt đối cho mối quan hệ trong công việc, và điều này hoàn toàn bình thường.

3. Cố gắng tử tế với mọi người.

Bạn không phải là người bạn tốt nhất của mọi người, nhưng bạn có thể nỗ lực để trở nên tử tế, lịch sự, và dễ hợp tác.

  • Không bao giờ tham gia vào hành vi được xem như quấy rối, ví dụ, nêu lên lời nhận xét khơi gợi yếu tố tình dục, cử chỉ, hoặc lời nói đùa về chủ đề chủng tộc, văn hóa, hoặc giới tính.
  • Cân nhắc gửi cho đồng nghiệp thư cảm ơn, hoặc mua bánh cho văn phòng mỗi tháng một lần. Bạn cũng có thể giúp đỡ đồng nghiệp với những điều nhỏ nhặt vào thời điểm phù hợp, và chỉ khi nó không làm gia tăng lượng công việc cho bạn như: lấy bản in tài liệu từ máy in cho họ, mua giúp họ cà phê nếu bạn đang trên đường đến đó, hoặc đổ đầy hộp xà phòng. Mọi hành động nhỏ nhặt sẽ góp phần hình thành mối quan hệ vui vẻ hơn trong công việc.
  • Tử tế không có nghĩa là bạn cho phép họ giẫm đạp lên bạn hoặc lợi dụng sự trợ giúp của bạn. Nó chỉ đơn giản là đối xử công bằng với mọi người trong công ty bất kể bạn thích hay không thích họ.

III. Can thiệp vào tình huống xấu

1. Nhận thức rõ mâu thuẫn tính cách. 

Đôi khi, cho dù là bạn cố gắng đến đâu, bạn cũng không thể hòa hợp với một vài tính cách mâu thuẫn với phẩm chất riêng của bạn.

  • Tránh xa đồng nghiệp rắc rối. Nếu bạn có xu hướng gặp phải xung đột tương tự nhau với cùng một người mỗi ngày, bạn nên cân nhắc thực hiện thay đổi nhỏ trong lịch trình của mình để bạn có thể tránh mặt họ vào thời điểm cụ thể (như khi phải chờ thang máy vào buổi sáng, trong giờ nghỉ giải lao, hoặc giờ ăn trưa tại khu vực chung).
  • Nếu có thể, bạn nên yêu cầu chuyển chỗ ngồi hoặc chuyển đổi nhóm. Bạn chỉ nên sử dụng biện pháp này như là phương sách cuối cùng, vì bạn sẽ không muốn mọi người xem bạn như kẻ khó gần.
  • Nếu bạn không thể tránh mặt họ, bạn nên tránh xa mâu thuẫn bằng cách phớt lờ chúng. Kẻ bắt nạt thường nhắm vào người phản ứng lại họ, vì vậy, bạn không cần phải hồi đáp, họ sẽ để bạn được yên thân.

2. Trò chuyện với đồng nghiệp. 

Nếu bạn có xung đột hoặc hiểu lầm, bước đầu tiên là bạn cần phải tiến hành một cuộc thảo luận bình tĩnh, trực tiếp với người đó.

  • Nói chuyện riêng với người đó, duy trì sự bình tĩnh trong cảm xúc và giọng điệu, và chỉ bàn luận về sự kiện có thật thay vì về ý kiến hoặc cảm giác riêng. Bạn nên bắt đầu với thái độ như thể bạn muốn tìm kiếm giải pháp và nâng cao năng suất làm việc, chứ không phải là để chứng minh quan điểm hoặc giải quyết bất bình cá nhân.
  • Hãy thẳng thắn nhưng đừng buộc tội. Không nên nói rằng "Bạn đã rất xấu tính với tôi trong tuần này. Tôi thấy bạn trợn mắt khi tôi thuyết trình hồi sáng. Ý bạn là gì thế?". Thay vào đó, bạn nên biến vấn đề thành một điều gì đó mà cả hai có thể sửa chữa: "Giữa hai ta hình như đang có căng thẳng. Tôi trông thấy bạn trợn mắt khi tôi đang trình bày ý tưởng của mình trong cuộc họp sáng nay. Có phải tôi đã làm gì sai? Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này như thế nào?".
  • Đồng nghiệp của bạn có thể đưa ra lời giải thích hợp lý cho mâu thuẫn, như hiểu lầm hoặc một câu nói nào đó mà họ đã nghe trộm được tại phòng nghỉ. Trong trường hợp này, bạn nên giải thích hoặc xin lỗi, và sau đó, cùng nhau cố gắng duy trì sự chuyên nghiệp cho mối quan hệ công việc trong tương lai.

3. Đứng lên bảo vệ đồng nghiệp đang bị quấy rối hoặc bắt nạt. 

Không may mắn thay, xung đột trong công sở thường trông có vẻ khá trẻ con và có thể chuyển hướng sang trêu chọc, chế giễu, hoặc kỳ thị. Đây là hành vi không hợp pháp.

  • Tương tự như khi bạn khuyên con của bạn về việc đối phó với kẻ bắt nạt tại sân chơi, ban nên cân nhắc tùy chọn của mình: đứng lên và đương đầu với kẻ bắt nạt, thay đổi chủ đề hoặc chuyển hướng chú ý của người đó, hoặc tìm kiếm sự can thiệp từ phía cấp trên thay mặt cho đồng nghiệp của bạn.

4. Ghi chép lại mọi sự cố tại nơi làm việc

Nếu bạn đang bị quấy rối, bắt nạt, hoặc chỉ đơn giản là cảm nhận mâu thuẫn đang dâng cao, cách tốt nhất là bạn nên ghi chép lại chi tiết mọi sự tương tác với người đó.

Ghi chép của bạn có thể được sử dụng như là bằng chứng nếu xung đột bị trình lên ban quản lý để chờ giải quyết. Viết ra ngày tháng, thời gian, và hành động hoặc từ ngữ mà đồng nghiệp bạn sử dụng. Tránh sử dụng ngôn ngữ quá thiên về cảm xúc hoặc mô tả quá mức; chỉ cần nêu lên sự thật.

5. Biết rõ quyền của bạn. 

Bạn có quyền sở hữu môi trường làm việc không có sự quấy rối hoặc bắt nạt. Bạn có thể báo cáo về hành vi của đồng nghiệp cho ban quản lý như là phương sách cuối cùng.

  • Bạn nên chắc chắn rằng chính sách của công ty và/hoặc quyền của bạn đang bị xâm phạm trước khi hành động. Tại Việt Nam, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục, v.v. (theo Điều 37 của Bộ luật Lao động).
  • Thao khảo quy định của công ty về hành vi của nhân viên, bạn có thể sẽ phải báo cáo tình hình với hệ thống điều hành của công ty. Tùy thuộc vào công ty, họ có thể là người quản lý trực tiếp của bạn hoặc Phòng Nhân sự .
  • Bạn nên nhớ báo cáo vấn đề một cách chuyên nghiệp. Bắt đầu bằng cuộc trò chuyện với lời giải thích như "Em không muốn làm phiền sếp, nhưng vấn đề giữa em với đồng nghiệp đang tăng cao đến mức mà em nghĩ rằng em cần phải bàn luận với sếp về vấn đề đó".
  • Không nên quá xúc động, hận thù, hoặc buộc tội. Chỉ nên giải thích sự thật về tình huống – người nào đã làm gì và vào lúc nào.

 

Nguồn: wikihow.vn

Sưu tầm: Khắc Trường – TT.PMH

zalo

Đặt hàng online

zalo