Cách để thừa nhận sai lầm và rút ra bài học

 

Bạn có gặp khó khăn trong việc thừa nhận sai lầm của bản thân? Sau khi mắc lỗi bạn có rút ra bài học cho mình hay lại đi trên chính vết xe đổ và lặp lại thói quen cũ? Thừa nhận sai lầm dường như là một thách thức, đặc biệt là khi bạn xuất thân trong một gia đình vốn chuộng chủ nghĩa hoàn hảo và cho rằng cá nhân “xuất sắc” là người “không bao giờ mắc sai lầm”. Đôi khi phạm lỗi không có nghĩa là thất bại; thất bại là kết quả của nỗ lực có ý thức nhưng không thành công; trong khi sai lầm có thể là do vô ý. May mắn là bạn có thể làm theo các bước hướng dẫn giúp bản thân thoải mái hơn trong việc thừa nhận sai lầm, đồng thời áp dụng một số kỹ thuật giúp biến sai lầm thành lợi thế.

1. Cho bản thân được quyền phạm sai lầm. Có nhiều lý do để bạn được phép cho bản thân phạm sai lầm. Phạm lỗi là điều không thể tránh và là một phần thuộc về con người nói chung. Nó cũng là nguồn tài nguyên quý giá làm cho cuộc sống bạn thêm phong phú, giúp bạn khám phá những điều mới mẻ và chân trời rộng mở.

  • Ví dụ, bạn muốn học nấu ăn. Hãy bắt đầu nói với chính mình rằng “Việc nấu nướng này hoàn toàn mới mẻ với tôi, có thể tôi sẽ phạm vài lỗi nào đó. Sẽ ổn thôi, nó cũng là một phần của tiến trình mà”.
  • Đôi khi, nỗi lo sợ bản thân mắc lỗi một trong những biểu hiện của chủ nghĩa hoàn hảo có thể ngăn cản bạn thử điều mới hay hoàn thành dự án vì bạn lo sợ bản thân không làm tốt, do đó bạn không thể hành động. Đừng để việc này xảy ra.

2. Thừa nhận sức mạnh của thói quen. Đôi khi, chính sự thiếu cố gắng, nỗ lực là nguyên nhân làm nên sai lầm. Chúng ta không thể phát huy tối đa nỗ lực mỗi ngày trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Những việc làm thường xuyên như lái xe đi làm hay nấu bữa sáng có thể trở thành thói quen lúc nào mà bạn không hề hay biết. Điều này thực sự hữu ích vì nó cho phép chúng ta tập trung năng lượng vào những việc khác đòi hỏi khả năng tập trung cao hơn. Tuy nhiên, đôi khi chính sức mạnh của thói quen lại là nguyên nhân gây ra sai lầm. Hãy hiểu rằng đó là một phần của con người với mức năng lượng giới hạn và khả năng tập trung.

  • Ví dụ, bạn lái xe đi làm trên cùng một con đường mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Vào ngày cuối tuần, bạn có nghĩa vụ lái xe đưa con đi tập bóng đá, nhưng chợt nhận ra từ lúc nào bạn đã hình thành thói quen "chạy xe theo quán tính" và bạn đã đi thẳng đến công ty thay vì sân tập bóng đá. Đây là một lỗi rất tự nhiên và là kết quả của thói quen. Trách bản thân mình vì sai lầm này là vô ích. Thay vào đó, bạn cần nhận biết sự bất cẩn này và thay đổi nó.
  • Nghiên cứu cho thấy bạn có thể chỉnh sửa lỗi điều khiển xe theo quán tính này, ngay cả khi không nhận ra nó bằng ý thức. Nghiên cứu được thực hiện trên nhóm người đánh máy có tay nghề cao đã chỉ ra rằng khi bạn gõ chữ bị sai, tốc độ đánh máy của bạn sẽ chậm lại, mặc dù bạn không hề nhận thức được sự việc đang diễn ra lúc này.
  • Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 47% thời gian chúng ta bị rơi vào trạng thái “suy xét sự việc”, hoặc để cho tâm trí lan man khỏi nhiệm vụ trước mắt. Những lúc như vậy là thời điểm bạn dễ bị mắc sai lầm. Nếu thấy gần đây mình thường xuyên mắc lỗi do “tâm trí suy nghĩ lan man”, hãy thử một số bài tập chánh niệm để lấy lại khả năng tập trung vào hiện tại.

3. Phân biệt giữa phạm lỗi và lỗi do không hành động. Không phải lúc nào lỗi lầm cũng là kết quả của những nỗ lực bạn đã bỏ ra. Đôi khi sai lầm lại do bản thân bạn không chịu hành động. Luật pháp nói chung luôn phân biệt giữa hành động phạm lỗi (đã thực hiện những hành vi không nên làm) và lỗi do không hành động (không làm những điều lẽ ra nên làm), lỗi do hành động thường được xem là nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, lỗi do không hành động lại phổ biến hơn.

  • Tuy nhiên, lỗi do không hành động cũng có thể để lại hậu quả trong cuộc sống của bạn. Ví dụ, nếu công ty không bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ hiện đại, tình hình tài chính của công ty trong tương lai sẽ gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực.
  • Điều quan trọng là bản thân bạn phải hiểu biết về hai dạng sai lầm này vì bạn đều có thể rút ra bài học từ chúng. Một số người cố gắng tránh phạm lỗi bằng phương châm làm ít, sai ít và không chịu gánh trách nhiệm, nhưng chính điều này lại khiến bạn mắc lỗi do không hành động và nó không phải là một lối sống tốt để phấn đấu và phát triển bản thân.

4. Phân biệt giữa phạm sai lầm và việc đưa ra quyết định tồi. Bạn cần hiểu rõ sự khác biệt giữa sai lầm và quyết định tồi tệ. Phạm sai lầm khi gây ra lỗi nhỏ và đơn giản như xem bản đồ không đúng cách và không tìm được lối ra. Quyết định tồi thì được tạo ra do hành động có chủ tâm cao hơn, như việc bạn la cà ngắm cảnh để rồi đến buổi hẹn muộn gây bất tiện cho người khác. Việc phạm sai lầm sẽ dễ được thông cảm hơn và việc sửa chữa lỗi lầm không quá quan trọng. Bạn nên xem quyết định tồi cũng tương tự như sai lầm, tuy nhiên bạn sẽ phải tập trung chú tâm đến chúng nhiều hơn.

5. Tập trung vào thế mạnh của bạn. Tránh để bản thân lún sâu vào sai lầm. Cố gắng cân bằng tự phê bình với việc tuyên dương việc làm tốt.  Cần tuyên dương những điều bạn đã làm tốt và cả điều đang được cải thiện. Bạn sẽ không thể tiến bộ nếu không biết đánh giá cao thành quả có được từ nỗ lực của chính mình.

  • Có lẽ nấu ăn là một lĩnh vực mới mẻ với bạn, tuy nhiên bạn lại có thể sẽ rất sành sỏi ở một khoản khác. Có thể là bạn có khả năng cho người khác biết món ăn còn thiếu vị gì ngay sau khi bạn thưởng thức. Hãy công nhận thế mạnh này của bạn.

6.Coi sai lầm là một cơ hội. Não bộ có cơ chế giúp phát hiện ra khi nào chúng ta làm gì đó sai. Khi chúng ta phạm lỗi, bộ não sẽ phát ra tín hiệu. Cơ chế này rất hữu ích cho quá trình học tập. Phạm lỗi có thể giúp chúng ta tập trung cao độ hơn vào việc đang làm để cố gắng làm tốt nhất.

  • Theo nghiên cứu, các chuyên gia như bác sĩ có thể sẽ không có khả năng sửa chữa sai lầm vì họ quá tin tưởng vào nhận định của bản thân. Hãy có cái nhìn cởi mở đối với sai lầm và xem chúng là một cơ hội để phát triển hơn nữa, ngay cả khi bạn đã thực sự rất giỏi ở lĩnh vực nào đó.

7. Hiểu được sẽ mất bao lâu để trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực. Nghiên cứu chỉ ra rằng phải mất đến 10 năm để bạn trải nghiệm mọi kỹ năng và phạm nhiều sai lầm mới có thể thật sự giỏi ở một lĩnh vực. Điều này đúng với bất cứ ai, từ một nhà soạn nhạc như Mozart đến một vận động viên bóng rổ như Kobe Bryant. Hãy thoải mái với bản thân nếu bạn không thành công lúc đầu bởi vì đó là chuyện rất bình thường. Phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực xuyên suốt một quá trình lâu dài để đạt được điều lớn lao trong một lĩnh vực nào đó.

8. Thay đổi quyết định như cuộc thử nghiệm. Vấn đề của việc không cho phép bản thân phạm sai lầm là nghĩ rằng bản thân phải luôn đưa ra quyết định hoàn hảo trong mọi tình huống. Thay vì theo đuổi mục tiêu không thiết thực này, hãy cố gắng thay đổi quyết định như đang thực hiện những cuộc thí nghiệm. Và dĩ nhiên một cuộc thí nghiệm có thể sẽ cho ra hoặc là kết quả tốt hoặc là kết quả xấu, nhưng nó sẽ giúp giảm bớt áp lực.

  • Ví dụ, trong nấu ăn, bạn nên tiến hành các bước với thái độ thử nghiệm. Tránh mong đợi có một món ăn hoàn hảo. Thay vào đó, hãy xem nó là một cơ hội để thử nghiệm và học hỏi thêm trong suốt quá trình nấu ăn. Điều này giúp bạn tránh không trách bản thân đã làm sai, điều mà bạn chắc chắn sẽ làm vào một thời điểm nào đó.

9. Tìm hiểu cách não bộ đón nhận và xử lý thông tin về sai lầm. Não bộ kỳ thực có chứa các tế bào thần kinh giúp bạn có thể quan sát hoạt động của bản thân, giúp phát hiện sai lầm cũng như học hỏi từ chính những sai lầm. Tuy nhiên, não cũng gặp khó khăn trong việc chấp nhận rằng nó đã mắc lỗi. Bộ não có thể điều chỉnh suy nghĩ theo hướng tích cực nào đó để tránh phải thừa nhận rằng đây là sai lầm. Đó là lý do vì sao bạn thấy khó khăn trong việc nhận ra sai lầm của mình cũng như thừa nhận sai lầm. Hiểu được cách thức bộ não đón nhận và xử lý sai lầm sẽ giúp bạn ý thức hơn về một số trải nghiệm thực tế của bản thân.

  • Não bộ có hai dạng phản ứng đối với sai lầm: dạng xử lý vấn đề (“Tại sao điều này xảy ra? Làm sao để không phạm sai lầm lần nữa?”) và dạng khép kín (“Tôi sẽ lờ đi sai lầm này”). Chắc chắn là dạng xử lý vấn đề giúp bạn rút ra bài học từ sai lầm và sửa chữa chúng trong thời gian sắp tới. Nhìn chung dạng thức này phổ biến ở người có quan điểm cho rằng khả năng hiểu biết của con người là vô hạn, và ai cũng có khả năng phát triển bản thân nhiều hơn. Dạng khép kín thường gặp khi tin rằng khả năng hiểu biết của bạn là có hạn: bạn hoặc là giỏi hoặc là tệ trong lĩnh vực nào đó, và chỉ có thế. Lối suy nghĩ này ngăn bạn học hỏi và tiến bộ.

10. Hiểu cách xã hội nhìn nhận sai lầm. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi người ai cũng đều sợ phạm sai lầm. Từ khi sinh ra chúng ta vẫn luôn được khuyên bảo phạm lỗi càng ít càng tốt. Những người muốn tiến lên phía trước luôn phải coi trọng điều này. Khi còn ở trường phổ thông phải học thật giỏi để có học bổng vào đại học. Vào đại học thì phải học cho tốt để tốt nghiệp với số điểm trung bình thật cao để tự hào. Dường như không có không gian để phạm lỗi. Do đó, nếu bạn thấy khó khăn trong việc thừa nhận lỗi lầm lúc đầu, hãy thoải mái với bản thân mình vì không phải tất cả lỗi đều do bạn. Bạn hẳn đã luôn biết nghiêm khắc với chính mình.

  • Nhắc nhở bản thân rằng niềm tin không bao giờ mắc sai lầm là mù quáng. Phạm lỗi là cách duy nhất để chúng ta học hỏi. Nếu bạn không phạm (nhiều) lỗi, đó là vì bạn đã nắm rõ điều gì đó trong lòng bàn tay mình rồi. Nếu muốn học hỏi và tiến bộ, phạm lỗi là một phần thiết yếu của quá trình học hỏi.
  • Nhắc nhở bản thân rằng chủ nghĩa hoàn hảo chỉ dẫn dắt bạn cùng những người khác bằng tiêu chuẩn vô lý. Phạm sai lầm không có nghĩa sẽ khiến bạn thành “kẻ thất bại” hay phủ nhận mọi nỗ lực của bạn. Hạ thấp tiêu chuẩn và cho phép bản thân phạm sai lầm đây là cách hiệu quả hơn để hướng đến than điểm xuất sắc.

Nguồn: www.wikihow.vn

Sưu tầm: Minh Hải - P. BPKT

zalo

Đặt hàng online

zalo