Câu Chuyện Về Tư Duy Tích Cực: Hai Con Ếch Ngồi Đáy Hố!...

 

Suy nghĩ của bạn ảnh hưởng tới cảm xúc, tác động lên hành động, và tạo ra kết quả cuộc đời của bạn ra sao? Hôm nay, hãy cùng Fususu khám phá chủ đề quan trọng này thông qua một câu chuyện về tư duy tích cực. Một câu chuyện đã cũ, nhưng bài học thì mãi không lỗi thời. Càng đọc, càng ngẫm, càng thấm thía!

Câu chuyện về tư duy tích cực: Ếch ngồi đáy hố!

Chuyện kể về một đàn ếch nọ đang di cư tránh dịch bệnh (có thể là Corona chăng?), thì có hai chú nhảy trượt chân, rớt xuống một cái hố khá sâu. Chúng cố gắng nhảy nhiều lần, nhưng không sao thoát được.

“Này hai cậu, dừng lại đi,” con ếch bự nhất đàn nói. “Hai cậu rất tốt, nhưng tôi rất tiếc. Cái hố này khá sâu, mà dịch bệnh đang đến gần, có lẽ chúng ta phải chia tay nhau từ đây.”

“Không được,” con ếch già nhất đàn nói. “Càng khó khăn chúng ta càng phải đoàn kết. Hãy ở lại và chờ họ leo lên, rồi cả đàn sẽ đi cùng nhau.”

Sau đó, đàn ếch đã bị chia làm hai phe. Một phe theo con ếch bự, một phe theo con ếch già, chúng đứng quanh cái hố, và cãi nhau chí chóe giữa việc nên đi hay nên ở lại. Phe theo con ếch bự ngày càng đông hơn, mỗi lần thấy hai chú ở dưới nhảy lên không tới, là chúng lại la ó, bảo rằng đừng cố nữa, và chấp nhận số phận.

Một chú ếch ở dưới hố, khi thấy mọi người chuẩn bị bỏ mình, chú buồn lắm, chú nhảy thêm vài cú yếu ớt, rồi nói với chú kia. “Mọi người bỏ ta rồi, đành chấp nhận số phận thôi. Cậu giữ sức đi, đừng nhảy nữa.”

Chú kia không nói gì, vẫn nỗ lực tìm mọi cách để nhảy lên. Sau rất nhiều cú nhảy thất bại, chú ếch kia vẫn gan lì nhảy tiếp, mặc cho những tiếng la ó chửi rủa bên trên vọng xuống. Cuối cùng, điều kỳ diệu xảy ra, trước sự chứng kiến của cả đàn ếch, chú ta đã nhảy lên được miệng hố.

Cả đàn ếch lúc ấy ngạc nhiên, xúm lại hỏi chú ta bí quyết luyện chân luyện cẳng nào đã tạo ra cú nhảy thần thánh phải bái lạy như vậy. Thì chú ếch chỉ im lặng, và lúng túng khua chân như muốn nói gì đó.

“Để ta giải thích cho,” con ếch già lúc này mới nói. “Thật ra chú ếch này bị câm điếc bẩm sinh. Lúc nãy thấy ai cũng la ó inh ỏi, chú ấy tưởng mọi người cổ vũ mình, nên đã cố gắng hết sức.”

Con ếch bự nghe vậy sực tỉnh, bèn xin lỗi cả hai chú ếch. Sau đó, cả đàn xúm lại cổ vũ cho chú ếch còn lại. Như được tiếp thêm sức mạnh, chú ta cố gắng nhảy.

Cuối cùng, chú ếch còn lại cũng thoát được. Hai con ếch đều được cứu, và cả đàn ếch lại ngày càng đoàn kết hơn bao giờ hết. Nghe nói, nhờ sự đoàn kết của chúng, mà cả đàn đã sống sót qua cả đại dịch nguy hiểm, đã làm rất nhiều loài sinh vật phải bỏ mạng thời đó (liệu có loài khủng long chăng?)

Sau này, câu chuyện về tư duy tích cực này đã được truyền cho nhiều thế hệ loài ếch, giúp chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ kể cả lúc trời mưa (có phải vì thế người ta mới có câu, “nhiều như ếch nhái sau mưa”?).

Bài học rút ra từ câu chuyện về tư duy tích cực này

Bài học của bạn rút ra sau câu chuyện về tư duy tích cực của hai chú ếch trên là gì? Còn đây là 3 bài học của tôi ngẫm ra:

1 – Cùng một hoàn cảnh, cách phản ứng khác nhau sẽ tạo ra kết quả khác nhau

Bạn thấy đó, cùng một hoàn cảnh, sẽ có hai chiều hướng suy nghĩ khác nhau, dẫn tới cách hành xử khác nhau. Với bầy ếch trên bờ, một phe nghĩ rằng rơi xuống hố là số phận an bài, và muốn bỏ hai chú kia lại, để đi càng nhanh càng tốt. Một phe nghĩ rằng biết đâu vẫn còn cơ hội, và nếu như vượt qua được, thì càng khiến cho đàn ếch mạnh mẽ hơn.

2 – Suy nghĩ tiêu cực như đám mây mù, khiến người ta chỉ nhìn vào khó khăn.

Chú ếch dưới đáy hố khi thấy mọi người cãi nhau, chú buồn và muốn bỏ cuộc. Nếu bạn đã đọc phiên bản cũ của câu chuyện về tư duy tích cực này, thì nó kết thúc cũng có hậu 50% thôi. Khi bị đồng loại la ó, chú ếch bỏ cuộc kia đã buồn bã, và cuối cùng chết thảm. Suy nghĩ tiêu cực, không TIÊU tùng, thì cũng… khổ CỰC!

3 – Suy nghĩ tích cực: Bắn thử chưa chắc thắng, không bắn chắc chắn thua!

Còn chú ếch bị điếc kia, tưởng mọi người đang cổ vũ mình, nên chú vẫn nỗ lực tới cùng để chiến thắng số phận. Không hẳn là chú ta may mắn (bị điếc???), mà một phần bên trong cũng vốn tích cực. Bởi vì nếu không có niềm tin tích cực rằng “Nhảy thử không chắc thoát, không nhảy chắc chắn chết”, thì khi nhìn thấy chú kia bỏ cuộc, chú đã bỏ cuộc rồi.

Ngoài ra còn một bài học khác. Đó là lời nói có thể tạo ra sức mạnh cổ vũ tinh thần mạnh mẽ, và cũng có thể giết chết tinh thần một ai đó. Do vậy, khi đọc tới đây. Tôi dành tặng bạn một lời khen: Bạn thật tuyệt.

Vì thời buổi này, rất ít người có thể đọc một Blog 1000 chữ cho tới cuối. Nên chắc chắn bạn nằm trong số ít những người luôn nỗ lực tới cùng để học hỏi. Nên cho dù bạn có đang gặp khó khăn gì, hãy suy nghĩ tích cực, và bạn chắc chắn sẽ thành công!

Nói chung, những câu nói, những câu chuyện hay có tác dụng thật tuyệt. Chúng không chỉ khơi gợi hứng thú, kích thích tò mò, mà còn biến các bài học sâu sắc trở nên sinh động dễ nhớ. Nhờ vậy mà kinh nghiệm xương máu của các bậc cha anh đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 

Nguồn: fususu.com

Sưu tầm: Tấn Thuận - BP. Kho

zalo

Đặt hàng online

zalo