CÁCH LẬP KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG NỘI BỘ HIỆU QUẢ

 

Trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã và đang ngày càng chú trọng đến công tác truyền thông nội bộ, không chỉ bởi những lợi ích “hiển nhiên” mà nó mang đến cho bản thân công ty mà còn đưa “tiếng lành đồn xa” nhờ những văn hóa tốt đẹp được xây dựng từ bên trong. Để đạt được thành công đó, tất cả mọi bước đi đều phải tuân thủ theo một kế hoạch đã được đề ra từ trước, tránh trường hợp “trên tỏ dưới mờ”.

Bài viết này sẽ hướng dẫn cho bạn cách lập một kế hoạch truyền thông nội bộ hiệu quả ngay từ bước khởi đầu.

1.  Xác định đúng mục đích truyền thông

- Trước khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ một điều gì, bạn cũng phải hiểu rõ tại làm sao mình làm việc này? Một kế hoạch truyền thông nội bộ được lập ra cũng sẽ gắn liền với từng mục đích khác nhau tùy vào chiến lược của công ty đó. Có thể việc truyền thông nội bộ sẽ giúp BGĐ đạt được niềm tin, sự ủng hộ của các cổ đông/nhà đầu tư, hay sẽ giúp công ty đạt được sự tin tưởng cũng như cổ vũ tinh thần làm việc của CBNV. Nhưng tựu chung lại, tất cả mục đích đều giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp và hình ảnh của họ trong mắt công chúng.

2. Công chúng mục tiêu

- Luôn tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ về công chúng mục tiêu của kế hoạch truyền thông nội bộ. Liệt kê và lập biểu đồ các bên liên quan (cổ đông, nhân viên, khách hàng…) để chắc chắn bạn không bỏ sót một nhân vật nào.

3. Xây dựng thông điệp chính

- Mỗi một kế hoạch truyền thông đều cần phải có thông điệp, dù nó có là truyền thông nội bộ đi chăng nữa. Đây chính là yếu tố quyết định khiến người tiếp nhận có nhớ đến chiến dịch của bạn hay không. Dù cho đối tượng là tất cả nhân viên trong công ty hay chỉ cho một nhóm người, hãy tối ưu hóa nó bằng cách đưa ra thông điệp ngắn gọn và dễ nhớ.

4. Xác định kênh truyền thông

- Kênh truyền thông là công cụ hữu hiệu nhất giúp duy trì thông tin cũng như kết nối giữa ban lãnh đạo, quản lý với nhân viên. Cần đảm bảo việc giao tiếp diễn ra theo cả hai chiều, phản hồi nhanh chóng với những thắc mắc được đưa ra và luôn đảm bảo thông tin đưa đến người đọc một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

5. Hoạt động truyền thông

- Hãy chắc chắn rằng mọi chuyện được diễn ra theo đúng như kế hoạch đã vạch ra từ trước. Luôn nhắc nhở trước những sự kiện hay những ngày quan trọng chuẩn bị đến. Trong trường hợp xảy ra việc ngoài mong muốn cần nhanh chóng xử lý và thay đổi kế hoạch phù hợp với tình hình hiện tại.

6. Đánh giá

- Sau mỗi chiến dịch truyền thông nội bộ cần phải đánh giá lại hiệu quả truyền thông mà nó đạt được, từ đó đưa ra được những kinh nghiệm quý báu áp dụng cho những chiến dịch tiếp theo. Điều quan trọng nhất là bạn cần nghiêm túc và thẳng thắn khi đánh giá lại những điều mình đã làm, cho dù công chúng là “người nhà” của bạn. 

- Trên đây là các bước lập kế hoạch truyền thông nội bộ hiệu quả mà bạn có thể tham khảo. Một khi cả công ty đồng lòng, sẵn sàng cống hiến cũng như cùng nhau đi đến cái đích chung, doanh nghiệp của bạn sẽ bay cao và xa không chỉ ở thị trường trong nước mà cả trên trường quốc tế.

 

Nguồn: hro.vn

Sưu tầm: Khắc Trường – TTPP. PMH

zalo

Đặt hàng online

zalo