Chia bè kéo phái nơi công sở: Câu chuyện “cung đấu” không hồi kết

 

Trong một thể thống nhất đó luôn có những “cuộc chiến nội bộ” mà người ngoài không thể nào biết được. Đặc biệt là tình trạng “chia bè kết phái” nơi công sở. Drama “nội chiến” nơi công sở không còn là điều quá xa lạ. Đây là nơi hội tụ của nhiều cá thể với cá tính đa dạng, năng lực làm việc khác nhau nên rất khó để tránh khỏi những xích mích. Hãy cùng quantrinhansu.net điểm qua một vài nguyên nhân chính nhé!

Bằng mặt, không bằng lòng giữa chốn công sở rất phổ biến

Vì sao “một thể thống nhất” chốn công sở là khái niệm xa vời?

Không khác gì những bộ phim “cung đấu” trên truyền hình, chốn công sở cũng là nơi diễn ra không ít thị phi. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc chia phe phái trở nên phổ biến. Có thể bạn không tin nhưng đây là những nguyên nhân cụ thể:

Sự cạnh tranh để được “sủng ái” trong công việc là nguyên nhân hàng đầu của các cuộc “cung đấu” chốn công sở. Trong mỗi công ty đều có hơn 2 trường phái khác nhau, đối lập về tính cách, năng lực và suy nghĩ. Theo hướng tích cực mà nói, các bè phái này tồn tại song song, cạnh tranh nhau hòa bình sẽ giúp thúc đẩy nâng cao hiệu suất công việc. Mặt khác, cũng có nhiều người lợi dụng điều đó để trục lợi cá nhân, làm tổn hại đến tinh thần làm việc chung và khiến cho môi trường làm việc bị mất đoàn kết.

Công sở còn là nơi hội tụ của nhiều người với cá tính, suy nghĩ khác nhau. Vì vậy, không thể nào tránh khỏi việc phân biệt đối xử và phân chia phe phái. Nhất là khi thấy đồng nghiệp nổi trội hơn, thăng tiến nhanh hơn,… Tuy nhiên, đây chỉ là những cảm xúc đố kỵ nhất thời của một người có suy nghĩ nông cạn. Hãy tự nâng cao giá trị bản thân bằng những việc làm ý nghĩa hơn bạn nhé!

Chia bè kết phái chốn công sở: Câu chuyện không của riêng ai

Có rất nhiều lý do khiến cho người ta chia bè phái với nhau. Nhưng chủ quan mà nói, đa phần thì đều vì lợi ích cá nhân. Những xích mích nhỏ trong công việc, tư duy công việc hoặc một lý do chủ quan nào đó cũng có thể trở thành lý do. Đối với người có suy nghĩ đơn giản đều cho rằng, sống theo bè phái sẽ dễ dàng hơn nhưng thực tế thì…có đúng như mong đợi?

Ít ai lường được rằng, khi việc “tranh đấu” trong môi trường công sở bị đẩy đi quá xa sẽ khiến cho hiệu suất công việc bị giảm sút và cơ hội thăng tiến khắc nghiệt hơn. Dù là lý do nào cũng làm ảnh hưởng nhiều hơn đến công việc của mỗi cá nhân. Còn chưa kể, nhiều người còn dùng “mưu hèn kế bẩn” để hạ gục đối phương nhưng vô tình đi sai “nước cờ” khiến cho “gậy ông đập lưng ông” vô cùng đau đớn.

Đừng để điều này làm ảnh hưởng đến công việc của bạn

Rõ ràng, việc đồng nghiệp có được trọng dụng hay không cũng không làm ảnh hưởng đến sự thăng tiến của những người còn lại. Nhưng họ vẫn thích phân chia nhóm để thỏa mãn sự đố kỵ của bản thân. Ban đầu, nhóm chỉ có 2-3 người nhưng lâu dần sẽ lôi kéo nhiều người và cứ như thế mà “tra tấn” tinh thần của người khác. Có nhiều người rất tài năng nhưng vì không chịu được sự chèn ép này mà đã nghỉ việc.

 Chủ doanh nghiệp nào cũng mong muốn nhân viên đoàn kết, hết mình vì công việc. Tất nhiên, không ai mong muốn tập thể thống nhất bị “chia năm xẻ bảy”. Mục đích của việc bạn đi làm để làm gì? Chúng ta đi làm để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và chung quy là để mưu sinh chứ không phải đi đánh trận. 

Deadline công việc mỗi ngày chưa đủ mệt mỏi sao? Vậy thời gian đâu để “bày mưu tính kế”? Mặc dù bạn rất đau đầu vì những yêu cầu hết sức vô lý của khách hàng và vô cảm trước thế sự. Nhưng dù muốn hay không, bạn cũng sẽ không thể nào thoát khỏi cuộc chiến không hồi kết đó. Bởi trong môi trường đó, sự tách biệt cũng sẽ khiến bạn trở thành “đề tài” chính trong các cuộc nói xấu.  

Nên làm gì với cuộc chiến “chia bè kết phái” nơi công sở?

Thật phiền nếu như ngày nào chúng ta vừa bị áp lực công việc nhưng vừa phải đối mặt với sự lựa chọn “phe”. Cũng có không ít người luôn tự hỏi rằng, chúng ta nên làm gì trong trường hợp này? Nên “thuận theo chiều gió” hay nên đấu tranh? Đây thực sự là một câu hỏi khó.

Dù có cố gắng để “hòa giải” đến mấy thì người ta cũng chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng với nhau. Và như vậy sẽ luôn có những “cuộc chiến” ngầm sau đó.

Vậy bạn nên làm gì? Dù có hòa giải hay hùa theo bạn đều không có lợi. Trước thực tế như vậy, chúng ta hãy giữ vị trí là một người trung lập. Hãy làm tròn nhiệm vụ mà cấp trên giao phó, luôn nghĩ đến lợi ích chung của công ty. Luôn tìm cách khéo léo để từ chối tham gia “hội bà tám công sở”. Nếu đồng nghiệp của bạn có thể làm điều đó với người khác thì chắc chắn họ cũng không thể nào “tha” cho bạn. Hãy luôn là người hiểu luật chơi để có thể mở rộng chiến lược “đồng minh” công sở.

Để có được hiệu quả trong công việc, người khác cũng phải bỏ ra công sức, thời gian. Vì vậy, đừng nên dùng “chiêu trò” để cướp đi thành quả của người khác. Chỉ cần bạn làm tốt công việc với đúng năng lực thì chắc chắn sẽ được cấp trên trọng dụng.

Hãy sống hòa nhã với mọi người xung quanh

 

Bên cạnh đó, hãy luôn hòa nhã với mọi người xung quanh, chịu khó học hỏi và chấp nhận thiếu sót của bản thân. Quan trọng là bản thân luôn tỉnh táo, không suy nghĩ hoặc nói chuyện tiêu cực, tránh làm cho những người xung quanh bị ảnh hưởng.

Mục đích khi đi làm của chúng ta là kiếm tiền để có cuộc sống tốt hơn. Đây là điểm chung duy nhất của mỗi người khi đến công ty. Vì vậy, hãy luôn cởi mở và thông cảm cho sếp, đồng nghiệp, nếu có thể. Cuộc sống sẽ diễn ra nhẹ nhàng, vui vẻ hơn nếu mỗi ngày không phải bận tâm đến việc nên về phe nào.

Cuộc sống của những người “làm công ăn lương” đã không mấy dễ dàng. Vậy tại sao suốt ngày còn phải chia rẽ nội bộ, làm mất tình đoàn kết giữa mọi người với nhau? Quả thực, chuyện “chia bè kéo phái nơi công sở” là một loại “đặc sản” không thể nào thiếu. Nhưng hãy giữ điều đó ở mức cạnh tranh công bằng, sòng phẳng để làm việc hiệu quả hơn.

 

Nguồn: quantrinhansu.net

Sưu tầm: Hoàng Yến – P. BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo