Chuyện " xin lỗi" và " cảm ơn"

 

Xin lỗi và cảm ơn, dùng để biểu thị tình cảm, thái độ của bản thân, khi ai đó giúp mình thì cảm ơn và khi mình sai, hãy nói lời xin lỗi. Đó là việc làm bình thường của mỗi người trong đời sống hàng ngày. Nhưng có lẽ cuộc sống bề bộn của thời “thực dụng” kinh tế thị trường không ít người dần quên nói lời xin lỗi và cảm ơn.

Câu chuyện sau đây nhắc chúng ta giữ gìn, phát huy truyền thống đạo lí của người Việt: "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây", “Uống nước nhớ nguồn” dưới góc độ hành vi văn hóa "xin lỗi" và "cảm ơn".

1. Có câu chuyện kể về nhà lãnh đạo kiệt xuất - Anh hùng dân tộc Ấn Độ - Danh nhân văn hóa thế giới Mahatma Gandhi rằng: Khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cảm ơn, và người phục vụ tâm sự: "Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cảm ơn". Có lẽ lời cảm ơn của người lãnh đạo cao nhất nước Ấn Độ đối với người dân bình thường ở một quán ăn dân dã đã có tác động sâu sắc và mạnh mẽ đến tình cảm, lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ đến sùng bái của người dân nước này với vị lãnh tụ khả kính của đất nước đông dân thứ hai thế giới.

2. Mới đây nhất, trên các trang báo in và báo mạng của nước ta đều đưa tin sự kiện máy bay của hãng hàng không Vietjet Air, chuyến bay Hà Nội - Đà Lạt nhưng hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, lỗi do thay đổi lộ trình của hãng nhưng không được thông báo cho phi công biết. Ngay sau khi sự việc trên xảy ra, người đứng đầu ngành giao thông-vận tải của cả nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chính thức xin lỗi nhận trách nhiệm về sự cố trên trước công luận và nhân dân cả nước. Đó là hành vi văn hoá, hành động có thể nói là dũng cảm của vị bộ trưởng đáng để chúng ta trân trọng và học tập.

3. Tôi có dịp ghé thăm anh bạn ở huyện miền núi của tỉnh, hai vợ chồng đều làm việc ở ngành văn hoá. Thấy khách đến, họ mừng rỡ bởi đã khá lâu bạn ở “tỉnh” mới đến thăm nhà, người kéo ghế mời ngồi, người đi pha trà tiếp khách. Nhìn góc phòng khách tôi thấy bé gái chừng 5 tuổi đang lấy tay lau nước mắt. Thấy vậy, anh chồng giải thích: Lúc nãy mẹ cháu la để đồ chơi bừa bãi nhưng thực ra là do đứa nhỏ nhà kế bên qua chơi để vậy, mẹ cháu chưa kịp xin lỗi cháu thì bác đến. Chị vợ bưng khay nước trà ra góp thêm: Tụi em thống nhất trong gia đình, dù việc lớn hay nhỏ ai giúp mình thì phải nói lời cảm ơn, ai có lỗi thì xin lỗi, mình “rèn” trong nhà trước để sau này con cái ra xã hội dễ hoà nhập với mọi người, và người làm cha, làm mẹ phải làm mẫu trước để con cái noi theo. Nói rồi chị đến bên con gái vỗ về: Ừ mẹ nhầm, mẹ xin lỗi con gái. Nghe xong, tôi hình dung ra không khí gia đình bạn thật bình dị và hạnh phúc bởi họ biết luôn tôn trọng lẫn nhau. Phần mình, tôi cũng có lúc cư xử với con sai một trăm phần trăm nhưng không xin lỗi bởi nghĩ mình là “CHA”. Cũng may “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, mình dân thành phố phải có “văn hoá” chứ, tôi tự nhủ mình nên cư xử như gia đình anh bạn.

Từ những mẩu chuyện trên đây có thể nói “xin lỗi” và “cảm ơn” không chỉ là hành vi văn hoá mà còn biểu thị trình độ văn minh của mỗi cá nhân trong giao tiếp xã hội hàng ngày, nó giúp nâng tầm một con người, tạo môi trường làm việc thân thiện bình đẳng trong mỗi cơ quan và góp phần làm nên hạnh phúc gia đình. Tuy vậy vì nhiều lý do vẫn còn có những người không biết nói lời “cảm ơn” hay “xin lỗi” nhất là nói lời “xin lỗi” ai đó khi mình sai. Cả nước đang phấn đấu xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thiết nghĩ mỗi chúng ta biết nói lời “xin lỗi” và “cảm ơn” đúng lúc sẽ làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp đẽ về con người Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới.

 

Nguồn: baoninhthuan.com.vn

Sưu tầm: Văn Hiến – P. BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo