Công nghệ có thật sự giúp cho đời sống con người trở nên tốt đẹp hơn?

 

Công nghệ phát triển và đi vào mọi ngóc ngách của đời sống như một điều tất yếu, nhưng liệu công nghệ có thật sự mang đến cho con người hạnh phúc hay chỉ là thứ gây phiền toái? Nhìn chung, bất kỳ sự phát triển nào cũng có 2 mặt và tuỳ vào nhu cầu cũng như hoàn cảnh, công nghệ sẽ trở nên hữu dụng nếu chúng ta biết kiểm soát và sử dụng đúng cách.
Thầy bói xem voi có lẽ đã là câu chuyện cổ tích quá đỗi thân thuộc với mọi người. Chuyện kể về một nhóm thầy bói mù gặp một con voi, mỗi ông sờ vào một bộ phận và tranh cãi nảy lửa với nhau về hình dáng của con vật. Ông thì sờ ngà, ông sờ vòi, ông sờ tai,...và tất nhiên, nhận định của họ về tổng thể không thể giống nhau được.
Ở một khía cạnh nào đó, câu chuyện này cho thấy con người thường chỉ nhận được một phần thông tin nhưng luôn đấu tranh để hiểu được cảm nhận và thế giới quan của người khác đối với cùng một vấn đề hoặc tình huống, mặc dù những cảm nhận và góc nhìn đó có thể hoàn toàn chính xác trong bối cảnh của người đó.
Mối quan hệ giữa con người và công nghệ cũng vậy: mỗi người trong chúng ta đều có những cách rất khác nhau để tương tác với công nghệ. Có hàng triệu cách để một người trao quyền kiểm soát cho công nghệ hoặc ngược lại. Nhà triết học Lev Nikolayevich Tolstoy trong tiểu thuyết Anna Karenina từng nói: “Niềm hạnh phúc ở mỗi gia đình là như nhau. Một gia đình không hạnh phúc thì không hạnh phúc theo cách riêng của họ”.
Nói cách khác, tuỳ vào cách nhìn nhận, lựa chọn của mỗi người mà công nghệ là mối nguy hay là công cụ có ích. Đến thời điểm này, thật sự có rất nhiều lời khuyên cho rằng con người nên dừng lại việc lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ.

Trên lý thuyết, ý kiến này tạo cho chúng ta cảm giác mọi chuyện trông tốt hơn, quyền kiểm soát phải trở về tay con người và công nghệ chỉ là thứ công cụ, không thể để chúng tiếp tục thao túng được. Nhưng dường như mọi chuyển đã đi quá xa, đến mức chúng ta không còn quyền lựa chọn nên hay không nên nữa rồi. Bạn nộp hồ sơ xin việc vào một công ty và nói rằng mình chẳng biết email hay Facebook là gì, khả năng cao là họ sẽ loại hồ sơ của bạn.

Hồi mình còn đi học thì gần như mọi thứ, tài liệu, lịch học, lịch thi,...mọi thứ đều được thông báo qua Facebook và email. Ngoài ra, nhiều dịch vụ hiện nay như khám sức khoẻ hay ăn uống, tất cả đều được số hoá. Nếu bạn chọn không dùng các dịch vụ hoặc đánh mất cơ hội tham gia vào các tổ chức đó, bạn rõ ràng bị thua thiệt.
Khước từ công nghệ không phải là một cách hay. Vấn đề ở đây chính là nên dùng công nghệ như thế nào cho đúng. Bằng cách nào chúng ta có thể thiết lập những giới hạn tốt và hiệu quả hơn? Và làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát môi trường sinh hoạt tại nhà hay môi trường làm việc cũng như môi trường của con em, đảm bảo dựng lên một bức tường nhằm chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào đến quyền riêng tư?
Vivek - tác giả của bài viết này lần đầu đặt chân đến Trung Quốc cách đây hơn 1 thập kỷ, khi mà kỷ nguyên của internet vẫn chưa phổ biến như ngày nay. Tại đây, Vivek nhanh chóng nhận thấy ông không thể đặt trước phòng khách sạn và bắt được một chiếc taxi dường như cũng là một cơn ác mộng bởi không ai nói tiếng Anh. Ông viết ra một tờ giấy địa điểm mình cần đến rồi đưa nó cho tài xế và cầu nguyện rằng người tài xế kia sẽ đưa ông đến đúng chỗ.
Năm 2016, khi Vivek có dịp quay trở lại Trung Quốc, mọi chuyện đã thay đổi. Mỗi người dân đều có smartphone để cập nhật thông tin, việc đặt phòng khách sạn cũng dễ hơn và bắt taxi không còn là nỗi ám ảnh. Giao tiếp cũng trở nên dễ dàng hơn, không phải vì ngày càng có nhiều người nói được tiếng Anh mà vì các ứng dụng dịch theo thời gian thực đã đủ tốt để có thể khiến cho các cuộc hội thoại bất đồng ngôn ngữ trở nên thanh thoát hơn. Sự phát triển của công nghệ giúp cho những chuyến đi như thế không còn căng thẳng nữa.
Smartphone trở thành công cụ giúp Vivek tận dụng tối đa chuyến đi của mình, ông cảm thấy như mình có quyền kiểm soát mọi thứ, việc đi lại, ăn uống trở nên dễ dàng hơn và không còn là mối lo như lúc trước. Trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng công nghệ của chúng ta có liên quan đến hoàn cảnh lúc đó. Những khía cạnh khác nhau của bối cảnh mang đến nhiều thách thức trong việc hình thành 1 chiến lược thông minh để sử dụng công nghệ sao cho lành mạnh và có ích nhất. Nghiện công nghệ là khái niệm chưa được chứng minh nhưng các bác sĩ đã đưa việc nghiện internet vào danh sách những căn bệnh tâm thần thật sự.

Trong một bản báo cáo liên quan đến vấn đề này, bác sĩ tâm thần Jerald Block đã chia việc nghiện intertnet ra thành 3 nhóm rõ ràng hơn: mối bận tâm đến tình dục, chơi game quá mức và nhắn tin hoặc email quá nhiều đến mức không thể kiểm soát được. Nghiên cứu này được thực hiện năm 2008, do đó, mạng xã hội có lẽ chưa được đưa vào bởi không phổ biến như ngày nay. Ngoài ra, mua sắm online hay xem phim có thể cũng cần được đưa vào danh sách trên. Theo Block, có thể kết luận ai đó nghiện internet khi họ có những dấu hiệu sau.
Thứ nhất là sử dụng internet quá nhiều, thậm chí quên cả cảm nhận về thời gian và bỏ luôn các nhu cầu cơ bản cho sự sống như ăn, uống, bài tiết và ngủ. Thứ 2 là cảm giác tức giận, khó chịu, căng thẳng, trầm cảm khi không có thiết bị điện tử bên cạnh hoặc mất kết nối với internet. Thứ 3 là mức độ sẵn sàng trong việc chi trả cho những thứ đáp ứng cơn nghiện, đó có thể là nâng cấp phần cứng máy tính, mua phần mềm tốt hơn và dành nhiều thời gian hoặc tiền của để sử dụng internet. Thứ 4 là những bất ổn về tinh thần dẫn đến cáu gắt, nói dối, đạt điểm kém, cách ly với xã hội và mệt mỏi. Theo kết quả nghiên cứu, ảnh hưởng của việc nghiện internet có thể kể đến như trầm cảm, lo âu và cô đơn.
Sau những thông tin có phần mâu thuẫn, vậy rốt cuộc thì công nghệ có giúp cho đời sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn hay không? Công nghệ giúp cho đầu óc thư giãn hay chỉ làm chúng ta trở nên căng thẳng hơn? Câu trả lời có thể là “cả hai”.
Và để có thể tìm ra đáp án phù hợp nhất với bản thân, hãy thử làm một bài tập nhỏ sau đây. Tìm một tờ giấy, ở phần trên cùng, hãy viết ra tên một loại hoạt động hoặc công nghệ cụ thể, bất cứ cái gì cũng được miễn nó liên quan đến công nghệ. Sau đó kẻ một đường chia tờ giấy ra làm đôi, bên trái hãy liệt kê tất cả những mặt tích cực và lợi ích mà công nghệ đó mang đến cho mình. Ngược lại ở bên phải, nêu ra tất cả những gì mà bạn nghĩ nó ảnh hưởng xấu đến đời sống của bạn.
Sau đó, hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân: Có nên xoá Facebook ra khỏi máy? Có nên cài Slack vào điện thoại hay không? Có nên ngưng việc sử dụng công nghệ trong phòng ngủ? Có nên ngắt kết nối internet vào một thời điểm cụ thể nào đó trong ngày chủ nhật? Với những thông tin có được từ bảng liệt kê ưu/nhược điểm bên trên, bạn sẽ tìm ra câu trả lời chính xác nhất cho bản thân.
Ngoài ra, cũng nên tự hỏi bản thân rằng: Công nghệ có làm cho bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn? Chúng ta đang sử dụng nó như một phần của cuộc sống hay công việc? Liệu nó có đang bẻ cong cảm giác của chúng ta về thời gian và địa điểm theo những cách không lành mạnh? Hành vi của chúng ta sẽ thay đổi thế nào với công nghệ? Cách chúng ta dùng công nghệ có đang khiến những người xung quanh bị tổn thương? Và nếu ngừng sử dụng, chúng ta sẽ bỏ lỡ những gì?
Trong một đời sống mà công nghệ gần như đã trở thành thiết yếu, việc sử dụng công nghệ nên phù hợp với bối cảnh, sao cho nó mang lại lợi ích và sự thoả mãn cho chúng ta. Tuy đơn giản nhưng chất vấn bản thân bằng các câu hỏi là một trong những cách tốt nhất để chọn cho mình một cách sử dụng công nghệ sao cho phù hợp và có ích nhất cho cuộc sống.

 

Nguồn: tinhte.vn

Sưu tầm: Trần Bé – Mua Hàng

 

zalo

Đặt hàng online

zalo