Công nghệ đã ảnh hưởng tới giấc ngủ của chúng ta như thế nào?

 

Thật vậy, không ai có thể phủ nhận sự tiến bộ đột phá không ngừng theo từng giờ từng phút của khoa học công nghệ. Và chính nhờ những phát minh tân tiến mà cuộc sống của con người ngày càng trở nên hiện đại, giảm đi những phần gánh nặng. 

Công nghệ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến từng khía cạnh của đời sống nhân loại, giấc ngủ cũng không ngoại lệ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những tác động của khoa học công nghệ tới chất lượng giấc ngủ của con người.

Công nghệ có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ.

Sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính… là thói quen của nhiều người nhất là với những bạn trẻ. Thật không may, thói quen này lại mang lại khá nhiều hậu quả tiêu cực đến sức khoẻ và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta.

Mối nguy hại từ ánh sáng xanh của các thiết bị điện tử.

Hoạt động của các cơ quan trong cơ thể được chi phối bởi nhịp điệu sinh học hay còn gọi là nhịp điệu Circadian vốn được coi là chiếc đồng hồ chạy bên trong cơ thể điều chỉnh chu kỳ ngủ và thức trong khoảng thời gian 24 giờ và được điều khiển bởi phần não phản ứng với ánh sáng. 

Sự nhạy cảm với ánh sáng giúp não bộ nhận thức và phân biệt được thời điểm cơ thể cần nghỉ ngơi và làm việc. Thường thì sự tỉnh táo có xu hướng đạt đỉnh vào ban ngày và giảm dần vào ban đêm. Tuy nhiên, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh nhất là thời điểm trước khi đi ngủ, bạn đang có thể vô tình làm cho chiếc đồng hồ này chạy mất phương hướng.

Ánh sáng xanh có bước sóng ngắn, chúng có trong ánh sáng mặt trời, bóng đèn led, đèn huỳnh quang và trên màn hình của các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi, thiết bị kỹ thuật số. Ánh sáng xanh can thiệp vào nhịp điệu sinh học của cơ thể bằng cách tác động đến sự sản xuất melatonin. Cụ thể, chúng làm trì hoãn quá trình sản xuất này vào buổi tối. Theo NCCIH, melatonin là một loại hormone có trách nhiệm khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ, chúng giúp điều chỉnh đồng hồ bên trong cơ thể, tạo thế cân bằng cho nhịp điệu sinh học và thường phản ứng với bóng tối, do đó, cảm giác buồn ngủ sẽ tới vào ban đêm. Tuy nhiên, khi quá trình sản sinh melatonin không được thực hiện theo quy luật tự nhiên thì giấc ngủ của bạn cũng sẽ bị làm phiền. Một nghiên cứu trên tạp chí Nghiên cứu nhịp điệu sinh học và Y tế đã công bố rằng: với hai giờ tiếp xúc liên tục với ánh sáng xanh vào buổi tối sẽ làm ngăn chặn đáng kể lượng melatonin trong não và làm giảm sút nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ. 

Vì vậy, việc chúng ta ôm điện thoại, máy tính bảng hay dán mắt vào tivi trong nhiều giờ liền nhất là trước thời điểm đi ngủ sẽ tác động tiêu cực đến giấc ngủ của chúng ta. Chúng ta có thể trải qua một đêm dài với một giấc ngủ không sâu hoặc phải vật lộn với chứng mất ngủ.

Kích thích não trở nên tỉnh táo.

Lẽ dĩ nhiên, cơ thể chúng ta cần được nghỉ ngơi và xứng đáng có một giấc ngủ ngon vào buổi tối để có thể tái tạo lại năng lượng sau một ngày bận rộn với những lo toan, căng thẳng. Thế nhưng, khi chúng ta tương tác với các thiết bị điện tử dù là chủ động hay thụ động thì chúng đều kích thích các hoạt động về não, khiến não không thể được nghỉ ngơi và lầm tưởng rằng vẫn chưa đến giờ đi ngủ. 

Chúng ta buộc não bộ phải xử lý hàng loạt những thông tin thu thập được, khối lượng công việc lớn và phải làm với cường độ cao làm cho bộ não phải tăng sự tập trung để giải quyết vấn đề và rõ ràng nó cần phải tỉnh táo để giúp bạn hiểu được toàn bộ những gì bạn đã tiếp nhận. Theo Tiến sĩ Harneet Walia, việc kiểm tra điện thoại, email trước khi ngủ sẽ “kích thích não bộ để chúng ta hoạt động nhiều hơn và tỉnh táo hơn”. 

Công nghệ hiện đại đã mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của thế giới. Mọi người có cơ hội được kết nối với nhau và cập nhật khối lượng lớn tin tức một cách nhanh chóng. Có quá nhiều thứ làm cho bạn cảm thấy hấp dẫn, lôi kéo bạn vào những thứ đang diễn ra trên màn hình và khó có thể thoát khỏi một cách dứt khoát. 

Rất nhiều lần bạn tự nhủ chỉ dùng một chút nữa thôi nhưng một chút đó có thể là hết cả một tập truyện; một vài phút nữa nhưng lại xem hết cả một bộ phim; một vài dòng tin nhắn nữa thôi nhưng lại khiến cuộc trò chuyện diễn ra suốt cả đêm hay một email ngắn gọn thôi nhưng lại trở thành một phiên làm việc kéo dài. 

Công nghệ phát triển mang đến cho bạn quá nhiều tiện ích và trải nghiệm thú vị điều đó cũng đã vô tình bắt bạn phải đánh đổi. Đánh đổi bằng chính sức khỏe, giấc ngủ của mình. Bạn không thể đi ngủ đúng giờ, trí não tỉnh táo làm cho bạn khó ngủ thậm chí là mất ngủ. Hậu quả là ngày hôm sau bạn rơi vào tình trạng thiếu sức sống, không có tinh thần học tập, làm việc và còn phải chống chọi lại cơn buồn ngủ trong những cuộc họp căng thẳng.

Mẹo để giảm thiểu tác hại của các thiết bị điện tử lên giấc ngủ.

Để giảm thiểu những tác hại của các thiết bị điện tử đến giấc ngủ cách tốt nhất là bạn hãy ngừng sử dụng chúng trong khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ hoặc có thể áp dụng phương pháp mạnh hơn là loại bỏ tất cả những thiết bị này ra khỏi phòng ngủ. Thay vào đó, bạn có thể đọc sách, ngồi thiền hay đơn giản là viết nhật ký. 

Với những người buộc phải sử dụng máy tính, điện thoại để giải quyết công việc thì có thể giảm ánh sáng màn hình hoặc cài đặt ở chế độ ánh sáng mờ, thân thiện với giác mạc. 

Công nghệ tác động tích cực đến giấc ngủ.

Bên cạnh những tác hại, sự phát triển của khoa học công nghệ cũng mang đến những giải pháp giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách đáng kể. 

Gối chuyển động.

Khác với những loại gối thông thường, gối chuyển động sẽ phân tích vị trí đầu và kiểu thở của bạn khi ngủ, sau đó sử dụng dữ liệu đó để điều chỉnh hình dạng, thay đổi góc đầu của bạn để cải thiện luồng không khí. Đối với những người thường xuyên phải đối mặt với hiện tượng ngáy ngủ, đây sẽ là giải pháp hiệu quả giúp cải thiện rõ rệt tình trạng trên.

Các thiết bị theo dõi giấc ngủ.

Với sự phát triển vĩ đại của công nghệ, một số thiết bị theo dõi giấc ngủ được ra đời như một bài thuốc giúp con người cải thiện giấc ngủ hiệu quả. Những thiết bị này sẽ ghi lại những chỉ số quan trọng về giấc ngủ của bạn và chỉ ra những hành vi bạn cần thay đổi để có được giấc ngủ chất lượng như mong muốn. 

Thảm theo dõi giấc ngủ.

Thảm theo dõi giấc ngủ có tác dụng giám sát chu kỳ giấc ngủ, nhịp tim và tiếng ngáy trong giấc ngủ của bạn. Thảm kết nối với điện thoại thông minh, vì vậy, hàng ngày bạn sẽ nhận được thông báo tới điện thoại về các báo cáo liên quan đến thời lượng và độ sâu của giấc ngủ, thời gian dành cho mỗi chu kỳ ngủ, thời gian bạn ngủ và thức dậy cũng như gián đoạn giấc ngủ. Tiện ích này giúp bạn dễ dàng theo dõi và điều chỉnh để tạo ra một giấc ngủ lành mạnh nhằm giảm mệt mỏi và tăng cường sức khỏe.

Thiết bị đeo tay

Một trong những thiết bị theo dõi giấc ngủ chất lượng là đồng hồ thông minh. Đồng hồ thông minh có thể thu thập dữ liệu về sức khỏe như lượng calo được đốt cháy trong một ngày, số bước chân, nhịp tim, v.v. Chúng cũng có thể xác định được thời gian và cách thức chúng ta đang ngủ từ đó đưa ra những chỉ dẫn hữu ích cho bạn.

Bộ lọc ánh sáng xanh

Thật khó để ngừng sử dụng điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng trước khi đi ngủ. Những nội dung quá thu hút khiến bạn không thể dễ dàng bỏ chúng xuống. Mặc dù nhìn chằm chằm vào màn hình trước khi ngủ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, nhưng tác động của ánh sáng xanh có thể  giảm bớt nếu biết sử dụng công nghệ hiện đại. 

Một nghiên cứu từ Ophthalmic & Physiological Optics cho thấy rằng việc sử dụng kính lọc ánh sáng xanh có thể làm tăng chất lượng giấc ngủ. Báo cáo tương tự cũng nói rằng bộ lọc ánh sáng xanh từ điện thoại và máy tính cũng có thể giúp giảm lượng ánh sáng xanh ảnh hưởng đến mắt, mang lại hiệu quả tích cực đối với giấc ngủ.

Công nghệ phát triển mang đến cho cuộc sống của chúng ta những tiện nghi, hiện đại, tuy nhiên cũng gây ra tác động hai chiều đến giấc ngủ. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng giấc ngủ luôn ở mức tối đa, bạn cần phải nhận ra được những vấn đề tiêu cực cũng như tích cực mà công nghệ mang lại, từ đó điều chỉnh hành vi cho hợp lý nhất.

Kết luận

Giấc ngủ rất quan trọng đối với thể chất và là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng sức khoẻ của mỗi người. Do đó, bạn cần phải có những phương pháp chăm sóc giấc ngủ sao cho chu đáo và khoa học nhất. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ có ích với bạn. Chúc bạn luôn tìm được cho mình những giấc ngủ ngon. 

 

Nguồn: ngungonsongtron.com

Sưu tầm: Anh Duy - P. PTKD

zalo

Đặt hàng online

zalo