Để phát triển doanh nghiệp cần phải bảo vệ môi trường

Có ý kiến cho rằng bảo vệ môi trường là tốn kém, nâng cao giá thành sản phẩm khiến cho doanh nghiệp khó cạnh tranh. Bảo vệ môi trường không phải cần nhiều tiền nếu người quản lý có tầm nhìn xa và biết cách làm.

Lấy ví dụ, hơn 30 năm trước, các nhà máy đường ở Thái Lan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông rạch, gây ô nhiễm nặng nề, công luận và người dân lên án mạnh mẽ. Nhờ có luật môi trường kiên quyết bắt buộc, có chế tài chặt chẽ, các nhà máy đường phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải trung tâm để tiếp nhận nước thải từ một số cơ sở lọc đường quanh vùng thì mới được phép hoạt động.

Kết quả là giá đường không tăng bao nhiêu dù đã cộng thêm chi phí xử lý nước thải. Giá bán được người tiêu dùng chấp nhận vì quyền lợi chung của cả cộng đồng. Hơn 30 năm trước, Thái Lan đã làm được, chẳng lẽ bây giờ Việt Nam lại chịu bó tay trong khi nhận thức và công nghệ ngày nay đã vượt xa lúc ấy về xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường?

Trong cái khó, ló cái khôn

Một khi luật pháp đã chặt chẽ, bắt buộc phải xử lý ô nhiễm, chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm, thì tự bản thân các doanh nghiệp sẽ biết tìm cách giảm nguồn thải, như tách nước mưa khỏi dòng nước thải, cải thiện quy trình sản xuất, tăng cường sử dụng lại nguyên liệu thô, tái chế sản phẩm chưa đạt chất lượng để giảm chất phế thải.

Có thể họ còn phải chuyển đổi công nghệ, thiết bị để giảm tiêu thụ năng lượng, như việc sử dụng bóng đèn huỳnh quang compact thay bóng đèn sợi tóc.

Như vậy, có thêm cơ hội cho doanh nghiệp đạt hiệu năng cao hơn về việc sử dụng nguyên liệu thô, sử dụng năng lượng để hạ giá thành, từ đó tăng tính cạnh tranh trong việc hội nhập.

Một khi doanh nghiệp bị “làm khó” thì họ mới nhận ra có những sự phung phí cần cắt giảm, những khoản chi vô lý cần được xem xét lại. Tôi được nghe chuyên gia môi trường kể chuyện cách đây gần 30 năm, một nhà máy dầu cọ ở Thái Lan để vương vãi bao nhiêu rác thải chảy vào dòng nước thải, vì quy trình lạc hậu nên hàm lượng dầu cọ còn rất cao trong nước thải, đến mức người dân địa phương đến hồ nước thải vớt dầu cọ mang đi bán, kiếm được khá nhiều tiền.

Đấy là vào thời kỳ luật môi trường còn lỏng lẻo, chế tài chưa nghiêm, còn việc ép dầu cọ tuy lạc hậu vẫn có lời khá.Khi các điều kiện này không còn nữa thì tự doanh nghiệp biết cách sắp xếp lại nhà máy, nâng cấp quy trình để vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo có lãi.

Cùng thời gian với nhà máy dầu cọ ở Thái Lan nói trên, có tình trạng tương tự đối với một nhà máy phân đạm ở Việt Nam. Cũng do luật môi trường chưa nghiêm và quy trình lạc hậu, một số lượng đạm cao thoát ra nước thải, đến nỗi dân địa phương múc nước thải này về bón phân cho ruộng rẫy của mình như là nguồn phân đạm miễn phí! Tài nguyên được sử dụng uổng phí, môi trường bị tàn phá một cách không cần thiết, cả Nhà nước và doanh nghiệp không có ý thức, chứ không phải vì lấn cấn ở chỗ giá thành sản phẩm hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mang công nghệ lạc hậu, có hại cho môi trường, đến nước nghèo khó để làm ăn cho dễ dàng và lãi nhiều hơn. Kết quả là nước nghèo khó như Việt Nam tiếp nhận công nghệ lạc hậu theo nghĩa mỗi triệu đô la Mỹ đầu tư đã thải chất thải cao hơn, tiêu thụ nguyên liệu thô và nhiên liệu nhiều hơn.

Ta thiệt đơn lẫn thiệt kép: tài nguyên quốc gia bị hao phí, và môi trường bị hủy hoại. Tính toán chi li mọi mặt thì giá thành sản phẩm của ta không hề rẻ. Ta thấy rẻ vì chưa tính hết việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên như nước (làm ô nhiễm để tạo sản phẩm), rừng (phải phá rừng để làm thủy điện, cấp điện năng cho doanh nghiệp) cao hơn, và thêm thiệt hại về sức khỏe nhân dân. Thật trớ trêu là ở chính quốc, các doanh nghiệp cùng ngành nghề vẫn ăn nên làm ra mà môi trường của họ sạch hơn hẳn so với Việt Nam!

Sản xuất sạch hơn

Trong những năm gần đây, quốc tế đã viện trợ cho Việt Nam để quảng bá và thực hiện công nghệ sạch hơn (Cleaner Technology). Nguyên tắc chủ yếu ở đây không phải chỉ lo xử lý chất thải, mà là giảm nguồn thải qua các cách tái sử dụng, tái chế, và ngăn chặn nguồn thải.Cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ sạch hơn, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn ít tiếp cận với kiến thức và công nghệ cần thiết. Nhà nước cũng cần đầu tư để trợ giúp các doanh nghiệp này vì thực chất họ đóng góp không nhỏ vào việc tạo công ăn việc làm và tăng trưởng GDP cho đất nước.

Cần phải hiểu cách đầu tư như thế vừa là đạo lý, vừa là một hình thức kinh doanh khôn ngoan: Có khoản đầu tư cho ra sản phẩm cụ thể như hàng tiêu dùng hoặc hàng xuất khẩu, nhưng cũng có khoản đầu tư đem lại lợi ích môi trường, phải được hiểu cũng là một khoản lợi nhuận nhưng ở bình diện quốc gia.

Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất.Ðiều này có nghĩa là thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm. Ðể đạt được điều này cần phải phân tích một cách chi tiết và hệ thống trình tự vận hành cũng như thiết bị sản xuất hay yêu cầu một đánh giá về sản xuất sạch hơn.

Các khái niệm tương tự với sản xuất sạch hơn là: giảm thiểu chất thải, phòng ngừa ô nhiễm, và năng suất xanh. Về cơ bản, các khái niệm này đều giống với sản xuất sạch hơn, đều cùng có ý tưởng cơ sở là làm cho các doanh nghiệp hiệu quả hơn và ít ô nhiễm hơn.

Các giải pháp về sản xuất sạch hơn có thể là:

- Tránh các rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và sản xuất, hay còn gọi là kiểm soát nội vi.

- Ðảm bảo các điều kiện sản xuất tối ưu từ quan điểm chất lượng sản phẩm, sản lượng, tiêu thụ tài nguyên và lượng chất thải tạo ra.

- Tránh sử dụng các nguyên vật liệu độc hại bằng cách dùng các nguyên liệu thay thế khác.

- Cải tiến thiết bị để cải thiện quá trình sản xuất.

- Lắp đặt thiết bị sản xuất có hiệu quả, và thiết kế lại sản phẩm để có thể giảm thiểu lượng tài nguyên tiêu thụ.

Sản xuất sạch hơn không giống như xử lý cuối đường ống, ví dụ như xử lý khí thải, nước thải hay bã thải rắn.Các hệ thống xử lý cuối đường ống làm giảm tải lượng ô nhiễm nhưng không tái sử dụng được phần nguyên vật liệu đã mất đi. Do đó, xử lý cuối đường ống, luôn làm tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, sản xuất sạch hơn mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng ô nhiễm.Sản xuất sạch hơn, đồng nghĩa với giảm thiểu chất thải và phòng ngừa ô nhiễm.Sản xuất sạch hơn cũng là một bước hữu ích cho hệ thống quản lý môi trường như ISO14000.

Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) định nghĩa: “Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường”:

- Ðối với quá trình sản xuất: Sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.

- Ðối với sản phẩm: Sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.

- Ðối với dịch vụ: Sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

 

 

Phát triển trong bảo vệ

Bảo vệ môi trường không phải là đương nhiên đi ngược lại với việc giảm lợi nhuận doanh nghiệp hoặc tăng giá thành sản phẩm. Hai lĩnh vực này không phải lúc nào cũng đối kháng nhau, mà nhiều lúc còn hỗ trợ cho nhau. Ở các nước phát triển, các sản phẩm đạt chứng nhận môi trường ISO:14000, mặc dù có thể có giá thành cao hơn các sản phẩm cùng loại, nhưng vẫn được người dân ưa thích sử dụng do họ có ý thức cao đối với việc bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam, điều kiện tiên quyết và quan trọng là Nhà nước, cụ thể là các bộ và chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ, có cơ chế chính sách phù hợp tiếp vốn cho doanh nghiệp (chứ không chỉ kêu gọi suông doanh nghiệp phải bảo vệ môi trường); kiên quyết chế tài thực thi luật hiện có trong khi vẫn tiếp tục cải thiện cơ sở pháp lý.

Những người làm công tác hoạch định chính sách, kế hoạch, không nên ảo tưởng, xây dựng các định hướng mục tiêu thường lấy con số phần trăm để minh họa. Xin lưu ý con số phần trăm không có ý nghĩa phát triển mà con số tuyệt đối mới là điều chúng ta cần quan tâm.

Ví dụ hiện nay mới có 30% nhà máy được trang bị công nghệ xử lý nước thải, mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 70% nhà máy có công nghệ xử lý nước thải. Nhìn vào con số phần trăm tăng từ 30 lên đến 70 rất hấp dẫn nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi vì 30% của số lượng nhà máy hiện nay so với 70% của số lượng nhà máy vào năm 2020 là khác nhau rất xa về số trị tuyệt đối.

Các cơ sở doanh nghiệp vẫn còn đang hoạt động với rất nhiều uổng phí, đến mức “xa xỉ” theo tiêu chuẩn hiện đại, chỉ cần cắt giảm những uổng phí này thì môi trường sẽ được cải thiện đáng kể. Cần tổng rà soát theo cách “kiểm toán môi trường” (environmental auditing) để cân đối đầu ra, đầu vào, từng dòng nguyên liệu, nhiên liệu và chất thải phát xuất từ đâu và đi về đâu, rồi ta sẽ nhận ra những công đoạn nào cần cải thiện, những khâu hoặc cơ sở nào cần đầu tư nâng cấp...

Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, áp dụng các biện pháp quản lý môi trường tích hợp bao gồm ba nhóm giải pháp: công cụ pháp lý, công cụ kinh tế và công cụ giao tiếp truyền thông là một hệ thống đồng bộ với các chính sách, quy định pháp lý, biện pháp chế tài rất hiệu quả trong việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường như không khí, tiếng ồn và đặc biệt là môi trường nước.

Một thực trạng cần được nhanh chóng chấn chỉnh là có một số nhà máy, xí nghiệp ra đời trước khi có chủ trương quy hoạch.Chủ đầu tư thường chủ động chọn địa điểm xây dựng trước, sau đó hợp pháp hóa các thủ tục và tiến hành sản xuất kinh doanh.Điều đó dẫn đến nhiều cơ sở xây dựng đan xen trong khu dân cư, trên một đơn vị hành chính, một đoạn sông.Tình trạng trên đây đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài việc phân bố sản xuất không đồng đều, quá tải môi trường, đa số mặt bằng chỉ vừa đủ cho bố trí máy móc, thiết bị và các công đoạn sản xuất, hậu cần và trụ sở văn phòng, thiếu đất cho xây dựng hệ thống xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Ví dụ công nghệ chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu hiện nay ở các tỉnh đều tương đối hiện đại, nhưng tiềm ẩn nguy cơ về sự cố môi trường do sử dụng thiết bị áp lực và dung môi làm lạnh có hại cho sức khỏe con người, hệ sinh thái, nếu phát tán ra môi trường. Công nghệ sản xuất không đồng bộ với công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Đơn vị cung cấp thiết bị, quy trình sản xuất không cung cấp tư vấn thiết bị, quy trình bảo vệ môi trường. Tuy công nghệ sản xuất khí, điện, đường kết tinh, phân đạm... tương đối mới, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đe dọa đến phát triển bền vững.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp thường xao lãng áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường do phải tự bỏ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng. Việc di dời các doanh nghiệp công nghiệp phân tán trong khu vực dân cư vào khu công nghiệp là công việc khó khăn cần có thời gian, quyết tâm, chính sách nhất quán, nguồn lực thích hợp và cơ chế, bộ máy quản lý đủ hiệu lực.

Việc phát triển các khu công nghiệp cần tính đến các yếu tố đặc thù của hệ sinh thái, đến tác động lâu dài của phát triển công nghiệp bền vững.Ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, phát triển hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, xây dựng thương hiệu khu công nghiệp.

Phát triển khu công nghiệp phải đồng bộ với phát triển hạ tầng bảo vệ môi trường như: các phương tiện chuyên dùng thu gom, xử lý chất thải, khai thông luồng lạch để tăng tính tự làm sạch của dòng sông, tránh ứ đọng nước rác trên sông gần khu công nghiệp...

Nói tóm lại, phát triển các khu công nghiệp là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng vấn đề quan trọng là làm sao giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với việc nâng cao đời sống của người dân và kiểm soát mức độ ô nhiễm trong phạm vi cho phép. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cùng một nội hàm, vì thế chiến lược, hướng tiếp cận cho bài toán doanh nghiệp phát triển bền vững chính là “phát triển trong bảo vệ”.

Nếu chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà quay lưng lại với môi trường, các doanh nghiệp sẽ tự đào thải trên con đường phát triển và hội nhập của đất nước. Bài học của Vedan rất đáng để cho các doanh nghiệp suy ngẫm.

 

Nguồn: misa.com.vn/tin-tuc/chi-tiet

Sưu tầm: Trần Anh Duy - BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo