ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC

 

Cùng sống chung trong một gia đình, một tổ chức hay một cộng đồng dân tộc,… muốn được ổn định và phát triển thì con người phải xem nhau như anh em ruột thịt, thật sự thấu hiểu rồi thông cảm và chia sẻ cho nhau những khó khăn, thuận lợi trên tinh thần lợi ích chung.

Vì nhận định tiêu cực mang tính cách cá nhân nên con người không thực hiện được các giá trị mang tính nhân văn, không chịu hợp tác để đạt được mục tiêu đã đặt ra, cứ “Một người đạp ga, ba người đạp thắng” thì tới chết cũng không thể thành công được.

Vì trái núi nhân ngã, vì cái tôi quá to lớn nên con người thường cho rằng nhận thức của mình là đúng. Chính cái tôi “sở hữu và ngã sở hữu” đã làm tổn thất, hư hỏng công trình, nhiều kế hoạch sắp sửa thành công nửa chừng phải bị phá hủy.

Không cùng hội cùng thuyền cũng do mất đoàn kết. Còn nguyên nhân mất đoàn kết thì có rất nhiều lý do nhưng tựu trung là vì thiếu hiểu biết, thiếu trải nghiệm và nhận thức tiêu cực.

Trải nghiệm cuộc sống là điều kiện quan trọng trong đối tác, làm bước đệm cho sự thành công. Người có trải nghiệm sẽ sành sỏi trong công việc, dù là việc đời hay việc việc đạo.

Nhận thức tiêu cực dẫn đến chấp thủ, ích kỷ tư lợi là nguyên nhân gây bất ổn trong cuộc sống, sự phân hóa trong xã hội và các cuộc chiến tranh tranh chấp về sắc tộc, tôn giáo, ý thức hệ chính trị, kinh tế,…. gây nên chinh chiến triền miên.

Đồng tâm hiệp lực là tôn trọng sinh mạng, sức khoẻ và quan điểm chính nghĩa của người khác, tuyệt đối không làm thương tổn đến lòng tự trọng của mọi người. Muốn đồng tâm hiệp lực thì nhất định phải thống nhất quan điểm dựa trên nền tảng dân chủ. Vua Trần Nhân Tông mặc dù là một ông vua có đầy đủ quyền lực trong tay “nhất hô bá ứng” nhưng khi quyết định đánh Nguyên, nhà vua phải lập hội nghị Bình Than và hội nghị Diên Hồng để lấy ý kiến của các tướng lãnh và các bô lão. Nhờ tôn trọng tinh thần dân chủ như thế nên nhà vua lãnh đạo đất nước hai lần chiến thắng oanh liệt trước giặc Nguyên, một đội quân được đánh giá là thiện chiến bậc nhất lúc bấy giờ.

Lửa đang cháy mà châm xăng vào thì lửa càng cháy mạnh, nhưng nếu biết phòng tránh thì đám cháy sẽ không xảy ra hoặc nếu có thì cũng dễ dàng dập tắt nếu như có sự phối hợp kéo léo, đồng tâm hiệp lực. Tương tự như thế, nếu phát hiện có sự bất đồng trong quan điểm, nếu là người có tâm đạo sẽ khéo léo tìm cách hoá giải trên tinh thần từ bi, hỷ xả vì lợi ích chung.

Tóm lại, con người không thể nào tự sống một mình mà không cần phải nương tựa, nhờ vả vào người khác. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển lâu dài, chúng ta cần phải biết sống hoà nhập cộng đồng trên tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, biết tìm phúc lạc trong phúc lạc chung của đồng bào, nhân loại.

 

Nguồn: nhipcautamgiao.net

Sưu tầm: Kim Anh – P.HCNS

zalo

Đặt hàng online

zalo