Giải Pháp ERP Là Gì? Giải Pháp ERP Cho Doanh Nghiệp

 

ERP hay phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp là một hệ thống phần mềm, bao gồm nhiều module được thiết kế để tích hợp các khu vực chức năng chính trong quy trình kinh doanh của tổ chức thành một hệ thống thống nhất.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa phần mềm ERP và các giải pháp khác là ERP cung cấp một cơ sở dữ liệu trung tâm, cho phép các module khác nhau có thể cùng truy cập vào một nguồn thông tin, hoặc chia sẻ quy trình kinh doanh giữa các module với nhau. Điều này giúp các công ty sử dụng ERP không cần nhập liệu nhiều lần, sử dụng hệ thống chia sẻ dữ liệu chung, nâng cao độ chính xác của dữ liệu và tính hợp tác của các bộ phận trong tổ chức.

Giải pháp ERP tự động hóa các quy trình từ đơn giản đến phức tạp

Giải pháp ERP cho doanh nghiệp thường được ứng dụng khi các phòng ban phải xử lý quá nhiều bảng tính, không có cơ sở dữ liệu tập trung và cần khả năng thống nhất của ERP để hỗ trợ tăng trưởng thành công. Cũng như nhiều sản phẩm công nghệ, hướng tiếp cận định nghĩa giải pháp ERP là gì, yếu tố cấu thành ERP của từng nhà cung cấp đều không giống nhau.

1/ Lợi ích của giải pháp phần mềm ERP

ERP cung cấp rất nhiều lợi ích, hầu hết trong số đó đến từ việc chia sẻ thông tin nhanh chóng và tiêu chuẩn hóa dữ liệu cũng như quy trình. Bởi vì các module trong giải pháp ERP có thể giúp các phòng ban chia sẻ dữ liệu dễ dàng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý các nhiệm vụ hàng ngày, cũng như các quy trình kinh doanh. Bạn có thể khai thác nhiều thông tin và rút ra tri thức về doanh nghiệp nhờ dữ liệu  từ giải pháp ERP. Đồng thời doanh nghiệp cũng được cập nhật nhiều công nghệ mới đang được ứng dụng trong ERP hiện đại như BI, máy học,…

ERP tác động tích cực đến nhiều hoạt động trong công ty

Bên cạnh đó giải pháp phần mềm ERP còn mang lại nhiều lợi ích khác, cụ thể như:

– Tăng hiệu quả làm việc bằng cách tự động thu thập dữ liệu

– Hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh bằng cách quản lý các quy trình kinh doanh phức tạp

– Giảm rủi ro bằng cách tự động hóa quy trình, thiết lập các quy tắc, nâng cao tính tuân thủ quy định

– Thúc đẩy hợp tác trong nội bộ bằng cách sử dụng kho dữ liệu được chia sẻ và tích hợp thông tin

– Cung cấp thông tin kinh doanh tốt hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và cải thiện quản lý chuỗi cung ứng

2/ Ưu điểm và nhược điểm

Nhiều người coi phần mềm ERP là công cụ bắt buộc phải có đối với các doanh nghiệp – đặc biệt là các module hỗ trợ chức năng kinh doanh cốt lõi như tài chính – kế toán, nhân sự,…Khối lượng dữ liệu khổng lồ mà các công ty tạo ra, cùng với sự phức tạp của bối cảnh kinh doanh toàn cầu, và nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại, đã khiến việc hợp lý hóa các quy trình kinh doanh, quản lý, tối ưu hóa dữ liệu ngày càng quan trọng. Giải pháp ERP cho doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ các khả năng trên. Tuy nhiên, việc triển khai ERP tại đơn vị vừa mang lại nhiều lợi ích đồng thời cũng không kém phần bất lợi.

Triển khai ERP có nhiều ưu điểm nhưng không kém phần thách thức

Ưu điểm:

– Tiết kiệm chi phí trong thời gian dài bằng cách hợp lý hóa các quy trình

– Cung cấp hệ thống thống nhất, có thể giảm các chi phí liên quan đến CNTT và đào tạo người dùng cuối

– Cho phép hiển thị cùng lúc nhiều chỉ tiêu kinh doanh doanh, ví dụ như hàng tồn kho. Đây là yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu khách hàng

– Cung cấp dữ liệu chất lượng, chính xác, từ đó giúp việc báo cáo và lập kế hoạch tốt hơn

– Cung cấp sự tuân thủ và bảo mật dữ liệu tốt hơn, cải thiện chất lượng dữ liệu, sao lưu định kỳ và kiểm soát quyền của người dùng

ERP cung cấp nguồn thông tin chuẩn xác, chất lượng

Nhược điểm:

– Chi phí triển khai cao đối với các giải pháp ERP chuyên nghiệp, có khả năng tùy chỉnh đáp ứng được nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp

– Có thể khó triển khai toàn bộ yêu cầu vì hạn chế kỹ thuật, công nghệ

– Yêu cầu quản lý có thể thay đổi trong và sau quá trình triển khai, khiến chi phí dự án tăng cao hoặc phần mềm không phù hợp với doanh nghiệp

Các module ERP cơ bản, có thể kém tinh vi hơn các giải pháp phần mềm độc lập có thể thiết kế theo nhu cầu của doanh nghiệp. Bạn có thể yêu cầu thêm các module bổ sung trong giải pháp ERP để nâng cao khả năng kiểm soát, quản lý hiệu quả cho từng lĩnh vực chức năng cụ thể như chuỗi cung ứng, quan hệ khách hàng (CRM),…

Nguồn: lemon3erp.vn

Sưu tầm: Yến Ngân – P. Kế toán

 

zalo

Đặt hàng online

zalo